Ăn hàng ở chợ Bàn Cờ

27/06/2019 - 07:00

PNO - Ăn hàng ở chợ có cái thú riêng của nó. Nào là chỗ ngồi tum húm, ăn xong phải đứng dậy liền để nhường cho người kế tiếp... nhưng lâu lâu không ghé chợ ăn hàng sẽ thấy thiếu thiếu gì đó.

Ngày còn ấu thơ, tôi hay níu tay mẹ đi chợ, không phải vì muốn vòi vĩnh một cái áo, cái quần mà muốn được theo mẹ vào chợ ăn hàng. Ẩm thực ở chợ là một thế giới đầy quyến rũ với một đứa vốn sợ cơm nhà, mê ăn vặt như tôi. Dẫu giờ cơn lốc hàng quán vỉa hè bao quanh nhưng tôi vẫn thấy không sao sánh bằng thú vui ăn hàng ở chợ. Hàng ăn ở chợ chỗ ngồi chật ních, tum húm, ăn xong phải đứng dậy liền để nhường cho người kế tiếp nhưng sao vẫn thấy nó thoải mái nhất trên đời.

Mê hồn trận từ sáng đến tối

An hang o cho Ban Co

Nhà cũ gần chợ Bàn Cờ khá bề thế của Q.3, TP.HCM nên nhờ vậy… đời ăn hàng của tôi ở chợ cũng phong phú hơn người. Thiệt thà mà nói, khu ẩm thực và hàng quán xung quanh chợ tuy lụp xụp nhưng vẫn tương đối thoáng hơn những nơi khác.

Cho nên đến giờ, thay vì lướt app tìm quán mới, món ngon,  tôi vẫn ghiền cảm giác xách cái thân háu ăn chạy vào chợ ăn một mạch các món cho thỏa cơn ghiền. Hàng quán trong chợ thâm niên nhẹ nhất cũng 10 năm trở lên. Vì đây là khu dân cư ổn định nên tuổi đời các quán cứ chất chồng theo thời gian.

Trong chợ Bàn Cờ, chủ yếu vẫn là các món miềm Nam như bún mắm, bánh canh, bún thịt nướng, chè… rồi một ít món Huế như bánh bèo - nậm - lọc, bánh canh Nam Phổ... Rìa xung quanh lại được bao vây bởi các tiệm người Hoa như bánh ướt, mì, cháo. Món Bắc độc đáo thì hơi hiếm thấy nơi đây. Tập trung nhiều nhất là khu cổng chính phía đường Nguyễn Đình Chiểu - gần các tiệm vàng, tiệm giày. Ngoài ra, ở mỗi góc đường trong chợ cũng có dăm ba hàng rải rác.

An hang o cho Ban Co

Đời sống ẩm thực chợ Bàn Cờ kéo dài từ lúc người tấp nập ăn sáng, ăn trưa rồi ăn cả xế chiều. Đến tối thì sức sống dạt ra hai phía bên chợ - phía mặt đường Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật với quán ốc, bánh mì, tiệm người Hoa chen lẫn với quán nhậu bình dân. Đó là chưa kể siêng một chút, tạt xe qua khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật lại là một bản đồ ẩm thực khác. Cảm giác chung của tôi là dường như các món ăn tứ xứ khi về chợ này dường như bị Sài Gòn hóa, phải đậm đà, phải hoành tráng về chất lẫn lượng cho xứng với dân quận 3 chăng?

Điểm danh vài quán quen

Giới thiệu các món ở chợ chắc viết nhiều kỳ báo vẫn chưa hết. Món nào cũng ngon, cũng muốn khoe. Thôi thì, chỉ điểm danh dăm ba hàng quán ăn ngon mà tôi ăn thành mối quen vậy. Món tôi “thần tượng” nhất trong chợ là gỏi đu đủ cô Tư. Cọng đu đủ lúc nào cũng giòn tươi, trắng nõn, trộn thêm chút ít ngó sen cắt khúc là mát miệng trong mấy ngày hè nóng nực như thế này. Thịt ba rọi luộc ít mỡ, tôm tươi lột sạch, thêm bì heo thái sợi mỏng rồi điểm xuyết ít rau răm, đậu phộng giã bể là thành dĩa gỏi danh tiếng cô Tư. Ăn xong dĩa gỏi lần nào cũng húp nước mắm cho đã cơn thèm. Nước mắm chua ngọt thơm thoang thoảng mùi tắc mới hay, mới gây nghiện. 

An hang o cho Ban Co

Gỏi cuốn ở đây, có chén tương ngon nhất nhì xứ Sài Gòn chứ chẳng chơi. Thấy tôi đến, cô Tư lúc nào cũng ráng vớt đâu đó chút tóp mỡ. Trời ơi, tương nóng vị đậm đà mà còn thêm thơm tỏi phi, thêm béo của tóp mỡ là quên sầu. Cô Tư còn có bì cuốn, lỗ tai heo cũng nhiều người thích. Hàng bún thịt - nem nướng đối diện là em cô Tư ăn cũng khá ngon. Thịt ướp đậm đà, nướng dậy mùi nên ai dằn thêm tô này là nứt bụng.

Quá trưa một chút là hàng bánh Huế dọn ra, sôi động cả góc chợ đến tận chiều. Thích nhất ở đây là dĩa bánh thập cẩm, vẫn nho nhỏ, đúng nghĩa ăn lót lòng để có sức về ăn cơm mẹ nấu. Dĩa bánh bèo-nậm-lọc ở đây nổi tiếng nhờ nước mắm. Hơi ngọt nhưng thơm mùi lạ lắm mà tôi hay nói là giống mùi khóm. Không biết sự phỏng đoán của tôi có chính xác không. Thôi cứ đoán già đoán non cho vui vậy. 

Ăn dĩa bánh Huế nơi đây mà thiếu cây nem nướng là chưa đúng bài. Nem nướng kiểu miền Trung màu hồng đẹp, chua nhẹ, nướng cho chảy nhựa, xém chút cháy, còn hơi nóng ấm ăn chung với dĩa bánh thập cẩm là… thôi rồi.

Chiều tầm 15g hơn là giờ hoạt động của xe chuối xào dừa danh tiếng. Cô chủ lúc nào cũng mặc áo bà ba. Quán chỉ tuyển chuối xào vừa chín để cứng đẹp khi cắt miếng và lõi không bị chát. Chuối xào dừa phải khoai mì luộc. Thời xưa cô còn công phu làm khoai lang, khoai môn. “Giờ thì đuối rồi, làm vậy cho gọn con ơi” - cô tâm sự thiệt thà. Mẹ tôi thì chỉ ăn mỗi khoai mì chan nước dừa ngập dĩa.

Vui buồn đời chợ

Ăn hàng ở chợ còn có thú vui bà tám cho xôm tụ hay chỉ đơn giản là trở về với quá khứ tươi đẹp. Nào là món này ai truyền lại, quán có từ khi nào... Như lời cô Tư tâm tình thì quán bám trụ ở chợ này hơn 30 năm chứ nhiêu. Tôi thì nhớ, lần đầu tiên tự móc tiền túi trả cô Tư, lúc đó gỏi cuốn chỉ mới 3.000 đồng, giờ thì đã lên 8.000 đồng. Chỉ riêng người ngồi cuốn gỏi cho cô Tư thôi đã trải qua 3 đời, giờ là đời thứ 4. Mấy anh chị kia người thì về quê, kẻ đi lấy chồng Đài Loan. Qua một hàng gỏi thôi mà thấy dấu ấn thời gian nhanh quá.

An hang o cho Ban Co

Cuộc cạnh tranh quán vỉa hè và các app ship hàng tận nơi khiến hàng quán trong chợ Bàn Cờ mất khách. Cô Tư cương quyết không chịu lên app với lý lẽ: “Khách quen của Tư quá trời, alô xe ôm đi giao mắc gì chia chác lời với mấy cái kia”. Cô Tư là vậy, dễ thương nhưng cân đo thiệt hơn cũng không kém ai. Chợt nhớ lời mẹ tôi hay nói: “Dân ở chợ lanh lắm con ơi, hiền bị ăn hiếp chết à”.

Đi ăn hàng riết rồi biết luôn chuyện hàng này đang giận hàng kia, con nhỏ này vừa làm huề với thằng kia… Rồi chuyện bà Ch. bán chè riết cụt vốn vì không biết tính toán. Kiểu như hôm nay bán hết nồi chè bánh canh, lần sau nấu gấp đôi rồi ế, lỗ vốn. Đôi lúc cũng nhức đầu nhưng nhìn chung vẫn thấy vui, nhất là khi vừa thấy mình đến, cô bán chuối ới lên “mối đến, ăn ở đây hay mua về cho mẹ. Khoai còn nhiều nè, bán cho bả xả láng”. Thế là quên luôn chuyện hôm trước cổ mới nhăn nhó mình vì đòi thêm cái này bỏ cái kia. 

Nhiều khi dẫn bạn đến chợ lê la hàng quán cũng có cả niềm tự hào khi khoe cô Cúc bán bún bò. “Cô này bán ngon mà thương người lắm. Mấy năm trước Facebook share rần rần vụ cổ đút ăn cho anh vé số cụt tay đó” khi nghe tôi nói, lũ bạn trầm trồ “hèn gì nhìn cổ dễ thương ghê”. 

Cứ vậy, ăn hàng ở chợ vẫn là một thú vui không thể quên trong đời sống thường nhật. Đừng ngại ngùng, hãy vào chợ đi bạn ơi, đảm bảo ngon, đảm bảo vui. 

Lang thang ở chợ Bàn Cờ, nếu ngại ngồi kiểu chị - em thì còn nhiều quán khang trang xung quanh để chọn lựa.

Một vài gợi ý cho hàng quán quanh chợ Bàn Cờ:

Cháo tiều Cô Út có tuổi đời hơn 70 năm. Khi khách ăn thì quán mới bỏ thập cẩm từ thịt, đồ lòng, nầm… còn sống vào nấu với cháo. 

Hủ tíu mì bò viên Trường Thạnh cũng xấp xỉ 69 năm. Cũng là một quán gốc Triều Châu. Bò viên quán tự làm nổi tiếng một thời với bí quyết riêng. Ngoài bò viên thì khách còn có thể chọn gân, lòng, lá sách bò…

Bánh mì Tư Ấu xuất hiện từ năm 1972, bán từ 15g đến tận khuya. Dân mê ăn bánh mì thì phải biết đến xe bánh mì này. Một ổ hơi hoành tráng với vị thịt chả, bơ, pa-tê đầy đặn.

Bún bò Song Anh nằm trên đường Bàn Cờ. Quán nổi tiếng vì cái gì cũng nhiều, từ thịt, chả đến rau và các loại nước chấm, hành ngâm chua. Hơi phai nhạt chất Huế chút nhưng rất đậm đà kiểu Sài Gòn.

Phạm Dzoãn Đoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI