Ăn gỏi bò khô thấy nhớ nhà

27/02/2024 - 05:43

PNO - Trong hương vị của món gỏi bò khô quê nhà còn có kỷ niệm của một thời niên thiếu, mang đậm cả tình yêu của tôi thời thanh xuân.

Quê tôi ở đoạn cuối vòng ôm của biển vùng Nam Trung bộ, tôi vào Sài Gòn đi học rồi gặp được tình yêu nên ở lại đây. Là công dân Sài Gòn cũng đã lâu nhưng cái nết ăn ở của người miền Trung đã thấm trong máu tôi vẫn không khác xưa là mấy. Hồi tôi còn ở trọ đi học, cứ vài tháng, mẹ tôi vào thành phố thăm tôi, lần nào cũng lọ mọ mang theo mấy hộp cá kho. Chỉ là cá kho nhưng những bữa cơm thời sinh viên trong những lần mẹ vào thăm vẫn là ngon nhất đời. Nhưng, có một món tôi rất thích mà mẹ không mang cho tôi được: gỏi bò khô. 

***

Hồi tôi còn nhỏ, ở khu nhà của ông bà ngoại tôi có nhiều người bán dạo những món ăn vặt đi qua. Tôi còn nhớ một ông lão người cao gầy, kẹp bên hông cái bàn gỗ mỏng nhẹ, rao “Vừa ngon vừa ế đây”. Ông là người bán bánh bò. Buổi trưa thường có tiếng rao của một bà bán đậu hũ, chủ nhân những chén đậu hũ nóng thơm ngát mùi gừng trong nước đường. Xế chiều thì có tiếng kéo xấp xấp của ông bán gỏi bò khô...

Quán gỏi bò khô gắn liền với nhiều thế hệ học trò  ở Nha Trang
Quán gỏi bò khô gắn liền với nhiều thế hệ học trò ở Nha Trang

Ông Tàu già đẩy một cái xe nhỏ, đơn giản là một cái tủ kính đựng đu đủ, thịt bò, rau thơm, đậu phộng rang cùng các chai lọ đựng đủ loại nước chấm. Mấy đứa trẻ được mẹ cho tiền chạy ùa ra bám vào xe, mặt mày hớn hở. Ông già lấy ra mấy cái dĩa nhựa xanh đỏ từ bên hông tủ gương xếp trên mặt tủ, nhón tay bốc một nhúm đu đủ trắng ngần trải lên dĩa rồi dùng chiếc kéo thật to vốn thường dùng thay tiếng rao để cắt thịt. Thịt bò khô làm gỏi thường là gan hay phổi và một ít thịt vụn, không biết được ướp như thế nào mà trở nên đen bóng và thơm ngát... Mấy đứa nhỏ nhìn không chớp mắt theo tay ông già, có đứa nuốt nước miếng vì chờ đợi quá lâu. Cuối cùng, ông già cũng rắc lên mặt đu đủ mấy hột đậu phộng rang rồi mới lấy thêm đôi đũa sắt và trao cho tụi con nít. Không có gì tuyệt hơn khi thưởng thức gỏi bò khô, nhai những cọng đu đủ giòn giòn cùng những miếng thịt đậm đà dai dai quyện với nước mắm chua ngọt, cay cay thơm ngát mùi giấm.

Niềm yêu thích món ăn thuở nhỏ cùng những kỷ niệm thơ dại ngày ấy đã theo tôi đến lớn. Tôi không nhớ được từ khi nào thì không còn gặp ông Tàu già đẩy xe gỏi bò khô đi ngang nhà ngoại, chỉ nhớ là mình vẫn thích món ăn chơi đó dù hoàn cảnh đã thay đổi. 

***

Khi tôi học trung học, đã có thể cùng bạn đạp xe ra phố sau những giờ ở trường, chúng tôi thường đạp xe ra biển, ăn những món ăn vặt khoái khẩu. Dọc con đường ngang biển ở quê thời tôi mới lớn cũng có nhiều xe đẩy bán đủ loại từ chùm ruột ngâm cam thảo, cóc xoài chua ngọt, bánh tráng nướng mắm ruốc... đến mực khô nướng tẩm tương ớt. 

Nhưng bọn tôi vẫn thích gỏi bò khô nhất. Quán gỏi cách trường vài cái ngã ba, ngã tư, khuất trong một con đường nhỏ nhưng vẫn đông người tìm đến và phần lớn là học trò các trường trong thành phố. Quán nằm trước cổng một ngôi nhà nhỏ, bàn ghế cho khách cũng thấp lè tè đặt sát tường, nếu khách quá đông thì cổng nhà được mở ra với vài cái bàn đặt trong sân. Chúng tôi lớn lên, đi về nhiều phía khác nhau theo ước mơ riêng của mỗi người. Lâu thật lâu mới có dịp gặp lại mấy đứa bạn thân, có đứa này thì vắng đứa kia nhưng lần nào cả bọn cũng rủ nhau chạy xe một vòng trên con đường ngang biển, nhắc lại những kỷ niệm thời học trò và thể nào cũng kéo nhau đi ăn gỏi bò khô. Con đường nhỏ ngày xưa được mở rộng nên quán cũ đã dời đi nơi khác.

Quán bây giờ cũng nằm ở một góc đường, cũng với những cái bàn, cái ghế nhỏ đặt sát một bức tường và dĩa gỏi bò khô vẫn y chang ngày xưa, chỉ là có thêm 2 cái bánh phồng tôm nằm phía trên. Khách ăn bây giờ cũng vẫn là những đứa học trò mặc áo trắng đồng phục. Chúng tôi như ngồi trong một đoạn phim cũ đang dừng lại, nhìn những bạn trẻ ngồi ăn gỏi bò khô nói cười vui vẻ y hệt mình hồi xưa. Tôi nhận ra chúng tôi hồi đó và các bạn trẻ bây giờ cùng ưa thích món gỏi bò khô tự nhiên như yêu quê nhà.

***

Những lần tôi trở về thăm nhà càng lúc càng hiếm hoi, nhiều khi ngược lại là mẹ vào Sài Gòn thăm tôi, cũng với mấy hộp cá kho. Nhưng bây giờ, Sài Gòn đã có gỏi bò khô để khi nào cảm thấy nhớ món ăn vặt này, tôi lại tìm tới. Tôi đã giới thiệu cho mẹ quán gỏi bò khô ở Sài Gòn, ngay công viên Lê Văn Tám (quận 1, TPHCM). Không bàn ghế, người ăn ngồi trên một mảnh bìa, ở bất cứ chỗ nào mình thích: hoặc là quay mặt ra con đường Hai Bà Trưng, hoặc quay lưng lại với phố xá mà nhìn ngắm những người đang tập thể dục trong công viên.

Với tác giả, hương vị gỏi bò khô ăn ở Nha Trang rất riêng, nơi khác không giống được dù cùng một thứ nguyên liệu
Với tác giả, hương vị gỏi bò khô ăn ở Nha Trang rất riêng, nơi khác không giống được dù cùng một thứ nguyên liệu

Xe bán gỏi được đặt bên kia đường, nếu không để ý thì không nhìn ra. Dĩa gỏi bò khô được mang đến rất nhanh, cũng là đu đủ trắng, thịt bò khô màu đen, rau thơm tươi xanh, đậu phộng rang và tương ớt đỏ, kèm bánh phồng tôm giòn tan. Người ăn vì thích mà tìm đến nên ai cũng cắm cúi thưởng thức ngon lành. Mẹ tôi nói: “Gỏi bò khô của Sài Gòn cũng được nhưng gỏi bò khô ở Nha Trang ngon hơn”.

Thật ra tôi cũng nhận ra điều mẹ nói nhưng cái gì cũng có thể thành thói quen. Hương vị gỏi bò khô ăn ở Nha Trang rất riêng, nơi khác không giống được dù cùng một thứ nguyên liệu. Trong hương vị của món gỏi bò khô quê nhà còn có kỷ niệm của một thời niên thiếu, mang đậm cả tình yêu của tôi thời thanh xuân. Có lẽ vì thế, dẫu có đi đâu, ăn món gì, tôi cũng đều so sánh với những món ăn quê hương. Ngay cả tôi bây giờ cũng khác. Bao nhiêu năm làm người thành phố, ít nhiều tôi cũng không còn khó ăn uống như hồi nhỏ. Chỉ là mỗi khi ăn gỏi bò khô, thưởng thức cùng lúc vị mặn, ngọt, bùi, chua, cay, có khi vì quá cay mà chảy nước mắt và tự nhiên mà thấy lòng dạ bần thần nỗi nhớ quê nhà. 

Lưu Cẩm Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI