Trong du lịch khám phá thiên nhiên có một yếu tố quan trọng, đó là đi đúng thời điểm. Bởi có đi đúng thời điểm bạn mới khám phá được trọn vẹn vẻ đẹp của nơi mình muốn đến. Hiện An Giang đang bước vào thời điểm đẹp nhất của mùa mỗi năm chỉ đến một lần - mùa nước nổi. Vì vậy, nếu thuộc típ thích khám phá thiên nhiên, bạn đừng chần chừ đến vùng đất này rong chơi và “thưởng thức” mùa nước nổi nhé!
Mùa nước nổi được xem là “món quà tuyệt vời” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho miền Tây. Mùa này thường bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến 10 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về gây lũ trên toàn bộ miền Tây, trong đó, nước nổi nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp…
|
Mùa nước nổi trên một cánh đồng ở An Giang nhìn từ trên cao |
Mùa nước nổi, nước trắng xóa phủ khắp các ruộng đồng, kênh rạch, lòng hồ hợp với cây cối xanh ngắt và núi đá bạc màu, vẽ nên một bức tranh An Giang đầy sắc màu, đầy sức hút, đầy hấp dẫn với những tín đồ du lịch yêu thích thiên nhiên, sông nước bởi có quá nhiều thứ để khám phá, trải nghiệm.
Ngắm mùa nước nổi ở rừng tràm Trà Sư
Trong năm, bạn có thể đến rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) bất cứ mùa nào để thăm thú và vui chơi, tuy nhiên, đến đây đúng mùa nước nổi bạn mới thấy được hết vẻ đẹp của nó. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng tây sông Hậu, có lẽ vì vậy, Trà Sư được xem là một trong những nơi mang vẻ đẹp điển hình của mùa nước nổi.
Đến Trà Sư mùa nước nổi, bạn sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên xanh mát. Bao trùm cả cánh rừng là một màu xanh: màu xanh của nước, màu xanh ngắt của những cánh bèo kết thành từng mảng dập dềnh theo con nước, màu xanh bạt ngàn của những cây tràm thẳng tắp hai bên… mang đến cho người thưởng ngoạn cảm giác dễ chịu và yên bình.
Dọc theo những vạt tràm bằng xuồng ba lá (loại phương tiện đặc trưng của vùng sông nước) giữa bốn bề xanh bạn cũng dễ dàng gặp nhiều loài chim nước quý hiếm “vui chơi” ở đây như: cò trắng, vạc, diệc, cồng cộc, le le, giang sen, điêng điểng….
Khi nước về tràn đồng, chúng sẽ kéo thành từng đàn tìm đến những khu rừng ngập nước như Trà Sư để kiếm ăn, làm tổ và sinh sản tạo nên một cảnh tượng nhộn nhịp chưa từng có. Nhất là buổi chiều, khi ánh nắng nhạt dần, hàng ngàn cánh cò rủ nhau về tổ. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng vô cùng thú vị và đẹp mắt. Đó là hàng ngàn cánh cò trắng đậu kín và trải dài cả vạt rừng xanh, trông như một dải lụa trắng được ai đó khéo vắt ngang.
Vào sâu trong rừng, muốn nhìn toàn cảnh bên dưới và phía xa xa bạn có thể lên đài quan sát. Từ trên đài cao nhìn xuống, nhiều người cảm giác mùa nước nổi miền Tây như thu gọn ở nơi này. Hòa quyện trong sắc xanh của rừng tràm, sự nhộn nhịp của chim muông còn là sắc vàng li ti của vô số bông điên điển - loại hoa chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi… Phóng tầm mắt về phía xa xa, bạn có thể nhìn thấy núi Cấm, núi Ông Két, tượng Phật Di Lặc khổng lồ nơi núi Cấm…
Ngắm mùa nước nổi từ đỉnh thiêng Cô Tô
Ngoài rừng, An Giang còn có núi. Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) là 1 trong 7 đỉnh núi trong dãy Thất Sơn thuộc huyện Tri Tôn. Nơi này không chỉ được biết đến là điểm hành hương nổi tiếng mà còn là điểm săn mây thú vị của giới trẻ. Tuy nhiên, không phải ai chinh phục Cô Tô cũng có được may mắn ngắm biển mây trắng xóa giữa bao la, hùng vĩ của núi non. Nhiều người nói vui: tùy "nhân phẩm" mà bạn có thể thấy hoặc không thấy mây khi đến đây.
Để trải nghiệm cảm giác ngắm mặt trời mọc và lặn từ trên núi nhiều bạn trẻ cũng chọn Cô Tô làm điểm đến. Hoặc với những người thích ngắm cảnh, khám phá, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân vùng này, Cô Tô cũng là một chọn lựa.
|
Ngắm bình minh từ đỉnh Cô Tô trong mùa nước nổi |
Đứng trên đỉnh Cô Tô, bạn sẽ thấy được toàn cảnh Tri Tôn dân dã, mộc mạc với những cánh đồng lúa bạt ngàn bên dưới. Theo đó, khi An Giang vào mùa nước nổi, nếu chinh phục Cô Tô bạn sẽ thấy màu xanh vốn có của những đồng lúa được thay thế bằng màu nước nổi, mênh mông đến tận chân trời. Một khung cảnh thật quen mà cũng rất lạ.
|
Mùa nước nổi nhìn từ đỉnh Cô Tô |
Ngắm nước nổi dọc đường biên giới
Mùa nước nổi cũng là mùa mà khi đi trên đường, có những đoạn nhìn qua hai bên chỉ thấy mênh mang là nước. Khác với miền Trung, lũ lụt miền Tây hiền hòa hơn, bởi nước dâng lên không quá nhanh đã vậy còn mang thêm phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, những sản vật đặc trưng như bông điên điển, cá linh... Do đó, mùa nước nổi thường là mùa không chỉ người dân miền Tây mà nhiều người mê trải nghiệm sông nước trông chờ nhất trong năm.
Nếu không muốn vào rừng, lên núi mà chỉ thích ngồi trên xe chạy ngang dọc khắp nơi ngắm nước nổi, tuyến đường dọc biên giới là một gợi ý thú vị cho bạn. Khi đi dọc trên những tuyến đường miền Tây nói chung và An Giang nói riêng, đặc biệt đường biên giới Việt Nam - Campuchia, khu vực Châu Đốc gần núi Sam bạn sẽ thấy những cánh đồng trắng xóa một màu nước điểm xuyết vài chấm xanh của cây thốt nốt, cây tràm… khá thú vị.
|
Nước nổi dọc tuyến đường biên giới Việt Nam - Campuchia |
Chưa kể, thú vui lang thang ngắm mùa nước nổi bằng xe máy còn giúp bạn có cơ hội thấy một nét riêng khác của An Giang, là những căn nhà sàn trở thành nhà nổi. Hoặc ghé huyện An Phú (cách biên giới Campuchia khoảng 1km) xem cảnh người dân và các thương lái nhộn nhịp buôn bán “lộc trời cho” trong mùa nước nổi cũng vui không kém.
Nếu còn thời gian, bạn cũng nên tìm đến chợ nổi Long Xuyên để có thêm trải nghiệm về mùa nước nổi và hiểu thêm về cuộc sống của người dân. Chợ nổi này không dành cho khách du lịch mà là dành cho "xóm Miên" (xóm những người từ Biển Hồ về, sống quần cư trên những chiếc ghe), dành cho những “xóm” nông sản bán sỉ như “xóm” khoai, “xóm” thơm, “xóm” dưa hấu...
Cuối cùng, đã đến An Giang rồi thì bạn cũng nên thưởng thức các sản vật của mùa nước nổi. Đặc biệt là cá linh được chế biến thành nhiều món ngon như cá linh chiên giòn, cá linh nhúng giấm, cá linh kho tộ…. Hay bông điên điển - loại bông chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi thường ăn kèm với các loại lẩu…
Nằm ở vùng hạ lưu châu thổ, vừa có đồng bằng, có rừng có núi, như vậy đủ để thấy tạo hóa đã ưu ái vùng đất An Giang vô cùng. Hiện nước nổi đã tràn về gần như khắp các huyện ở An Giang. Nếu được, bạn nên đến An Giang vào đúng mùa để thấy một miền Tây đủ đầy sắc màu, để rong chơi trải nghiệm, để hiểu rõ hơn mùa nước nổi.
Ngọc Lan
Ảnh: BEO