PNO - “Tôi và Phong chỉ là bạn thường nhưng khi tôi sinh con, bị bạn trai bỏ rơi, Phong đã lo lắng cho tôi, còn đưa tôi về nhà để gia đình Phong chăm sóc. Thế nhưng, sau đó họ đã bắt mất con tôi”…
Trong đơn gửi chính quyền và các cơ quan chức năng, chị Trần Thị Thùy Xuân, SN 1983, ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang trình bày: "Năm 2008, tôi kết bạn với ông Trần Minh Phong. Phong theo đuổi nhưng tôi không chịu nên hai bên chỉ giữ quan hệ bạn bè. Năm 2012, tôi mang thai, sinh một bé trai tại BV Từ Dũ TP.HCM. Vì mâu thuẫn, bạn trai tôi - cha đứa bé đã bỏ rơi, không chăm sóc mẹ con tôi. Phong đã đứng ra lo lắng cho tôi trong khoảng thời gian đó. Khi xuất viện, Phong đề nghị tôi về nhà Phong sống. Trong cảnh mới sinh con, bơ vơ không người thân bên cạnh nên tôi đồng ý. Sau một thời gian, nhận ra mình đã bị gia đình Phong lợi dụng, phải chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, mua sắm trong gia đình, trả nợ cho chị em anh ta, hàng tháng còn phải đưa anh ta 10 triệu để tiêu xài, tôi đã bồng con bỏ lên TP.HCM sống.
Thế nhưng, tôi cũng không được yên vì Phong cứ tìm đến làm phiền. Ngày 2/8/2015, Phong và gia đình đã lừa bắt con trai tôi đi mất cho đến nay, còn dọa giết tôi nếu tôi đến nhà đòi đứa bé. Tôi đã nhiều lần gửi đơn tố cáo đến UBND xã, công an xã nơi Phong sinh sống nhờ can thiệp giúp tôi đoàn tụ với con, nhưng khi công an mời lên làm việc, anh ta đã đưa ra một giấy khai sinh mang tên Trần Hưng Thịnh (tên tôi định đặt cho con trai mình) có cha là Phong và mẹ là tôi, nên cơ quan công an cho rằng đây là mâu thuẫn gia đình, yêu cầu chúng tôi tự giải quyết.
Phong làm được như vậy vì trong thời gian tôi sống ở nhà Phong, anh ta đã lấy toàn bộ tiền bạc và giấy tờ của tôi, trong đó có giấy chứng sinh của con tôi. Theo quy định tại điều 13, Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì “UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc khai sinh cho trẻ”, vì vậy, việc UBND xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cấp giấy khai sinh cho con tôi, ghi tên cha đứa bé là Trần Minh Phong là vi phạm các quy định pháp luật về đăng ký khai sinh. Phong đã dựa vào tờ giấy khai sinh này để bắt giữ con tôi, gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tôi và con trai. Con tôi đã bị gia đình Phong bắt hơn chín tháng, tôi luôn khắc khoải nhớ con và lo lắng không biết gia đình Phong chăm sóc con tôi thế nào, có đánh đập, hành hạ cháu không. Tôi đề nghị UBND xã Long Phước xem lại quy trình cấp giấy khai sinh và hủy giấy khai sinh của con tôi".
Bé Thịnh chơi đùa trong sân nhà ông Lặt
Đâu là sự thật?
Khi chúng tôi liên lạc với anh Trần Minh Phong để xác minh sự việc, Phong cho biết, chuyện thưa kiện của chị Xuân đã khiến anh ta khổ sở cả một thời gian dài, đề nghị chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương và bà con quanh nơi anh sinh sống để tìm hiểu sự thật. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Lặt, ông nội bé Thịnh, cho biết, cách đây hơn bốn năm, Phong đi học ở TP.HCM, có đưa Xuân về nhà chơi, giới thiệu là bạn gái. Từ đó, thỉnh thoảng Xuân tới lui với gia đình. Khoảng gần cuối năm 2012, Phong đưa Xuân về với cái bụng lùm lùm, nói là Xuân đã có thai. Ông bà Lặt tính chuyện gặp gỡ nhà gái để tiến hành cưới hỏi thì Xuân nói, nhà cô có tiệm vàng ở Long Xuyên, rất giàu có nên không chịu gả con gái về miệt vườn dưới này.
Xuân để có thai với Phong là cố tình gây ra việc đã rồi, may ra cha mẹ Xuân đồng ý cho hai người làm đám cưới. Tin lời Xuân, thương con trai, ông bà Lặt cho Xuân ở lại nhà, chăm sóc như con dâu. Đầu tháng 1/2013, Xuân và Phong đi TP.HCM chơi thì chuyển dạ, Phong đưa Xuân vào BV Từ Dũ sinh, sau đó đón hai mẹ con về nhà chăm sóc. Từ đó, Xuân sống như một thành viên trong gia đình, giao bé Thịnh cho ông bà chăm sóc, Xuân ra TP. Vĩnh Long thuê mặt bằng buôn bán, mở dịch vụ cầm đồ. Khi bé Thịnh tròn năm, Xuân liên tục bị nhiều người vào tận nhà ông bà Lặt đòi nợ. Bàn chuyện cưới hỏi, Xuân lại tìm cách thoái thác. Đã vậy, từ khi có Xuân trong nhà, gia đình liên tục xảy ra nhiều chuyện bất hòa, nên ông Lặt bảo Xuân đi chỗ khác ở. Từ đó đến nay, Xuân bỏ đi đâu không rõ, thỉnh thoảng có về thăm con một chút rồi đi ngay.
Bà Trần Kim Vui, bà nội bé Thịnh kể, đầu tháng 8/2015, Xuân liên lạc với Phong, nói nhớ con, kêu Phong đưa bé Thịnh lên TP.HCM cho cô gặp. Nhân lúc Phong đi vệ sinh, Xuân ẵm bé Thịnh đi mất, Phong tìm mãi không được. Sau đó, Xuân nhắn Phong mang đồ đạc của Thịnh lên gửi ở trạm xe trung chuyển Lê Hồng Phong. Phong và hai người khác lên đó đón đầu mới gặp được con. Ra công an phường, Phong có giấy khai sinh, chứng minh được mình là người đang nuôi bé nên Xuân đành phải giao lại bé Thịnh cho gia đình. Bà Vui nói: “Từ đó, thằng Phong mới dứt hẳn con Xuân, chứ thật ra nó còn thương lắm”.
Hôm chúng tôi đến nhà ông Lặt, bé Thịnh đang ngồi chơi trong mảnh sân rợp bóng mát. Bà Năm Dung, hàng xóm ông Lặt cho biết: “Cô muốn hỏi chuyện gia đình ông Lặt thì cứ ra quán cà phê đầu xóm. Sáng nào bé Thịnh cũng theo ông nội đi cà phê một lúc mới về. Thằng nhỏ đeo ông nội dữ lắm”. Khi chúng tôi đề cập đến việc Xuân cho rằng hàng tháng phải đưa tiền cho gia đình ông, ông Lặt khẳng định, Xuân không có công việc ổn định, từ ngày có thai, sinh con, hầu như gia đình của Xuân không liên lạc, lấy đâu ra tiền mà đưa?
Hỏi có nghi ngờ bé Thịnh không phải là cháu nội ông như trong đơn Xuân viết, ông Lặt hồn hậu: “Tôi không nghi ngờ gì hết. Tôi thấy thằng Thịnh giống mình nên chắc là cháu mình. Gia đình tôi chỉ sợ Xuân đem thằng nhỏ đi bán vì trước đây nó đã gây ra nhiều chuyện động trời mà chúng tôi không nói hết được. Nếu Xuân nhất định muốn “bắt” lại con, nó phải chứng minh được là nó có chỗ ở và công việc ổn định, cam kết nuôi bé Thịnh đàng hoàng, chúng tôi sẵn sàng giao lại thằng bé”.
Chính quyền địa phương nói gì?
Ngày 13/7, trao đổi với chúng tôi, ông Lạc Huỳnh Phương, cán bộ tư pháp xã Long Phước, huyện Long Hồ cho biết, ngày 11/8/2015, anh Trần Minh Phong và cha anh là ông Trần Văn Lặt có đến UBND xã đề nghị làm giấy khai sinh cho bé Thịnh. Ông Lặt trình bày, từ khi sinh ra đến nay, bé Thịnh ở với gia đình ông, vì không có giấy khai sinh nên không có bảo hiểm y tế, mỗi khi đau ốm không được hưởng chế độ miễn phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới sáu tuổi theo quy định. Hiện bé Thịnh đã gần ba tuổi, gia đình cũng tính chuyện cho bé đi mẫu giáo, nên làm thủ tục đăng ký khai sinh. Căn cứ Thông tư số 01/2008/TT-BTP về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, cán bộ xã đã hướng dẫn gia đình anh Phong làm thủ tục nhận cha cho con, từ đó làm cơ sở đăng ký khai sinh cho bé.
Ông Phương khẳng định: “Qua xác minh từ trưởng khu vực và bà con trong xóm, chúng tôi có cơ sở khẳng định bé Thịnh ở với cha và được ông bà nội, tức vợ chồng ông Lặt, nuôi dưỡng từ lúc sinh ra đến nay. Hiện mẹ bỏ đi không liên lạc được nên chúng tôi tiến hành làm giấy khai sinh cho bé. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là đạo lý, là việc cần làm để đảm bảo quyền lợi cho trẻ”.
Theo luật sư Võ Thanh Tĩnh, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ: nếu chị Xuân muốn đòi lại con thì phải làm đơn kiện ra tòa, đồng thời phải chứng minh được bé Thịnh không phải là con ruột của anh Phong như trong đơn chị đã viết. Gia đình anh Phong muốn chứng minh bé Thịnh là con cháu mình, cũng phải căn cứ trên kết quả xét nghiệm ADN. Trong trường hợp tranh chấp quyền nuôi con, tòa án sẽ xử theo quy định của pháp luật và theo hướng có lợi nhất cho sự phát triển của đứa bé. Giấy khai sinh là quyền của trẻ, nếu mẹ không làm khai sinh cho con thì người nuôi dưỡng làm khai sinh là hợp lý, trong khai sinh cũng không tước quyền làm mẹ của chị Xuân. Nếu chị Xuân chứng minh được anh Phong không phải là cha đứa bé và có sự phán quyết của tòa, chị Xuân có quyền yêu cầu cải chính hộ tịch cho bé Thịnh, không cần phải hủy khai sinh.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.