Liên quan đến sự việc một người đàn ông 60 tuổi được Bệnh viện Hạnh Phúc (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) chuẩn đoán là đang mang thai, trao đổi với PV, một người đại diện bệnh viện cho biết: "Hôm đó, người đàn ông này không vào phòng khám mà vào Phòng Dịch vụ cận lâm sàng để được xét nghiệm.
Nếu trong trường hợp người đàn ông này vào phòng khám của bác sĩ mà được bác sĩ cho đi làm xét nghiệm thì mới được coi là bác sĩ nhầm còn trong trường hợp này được gọi là xin tự làm cận lâm sàng. Trong quá trình các nhân viên đánh máy, do hệ thống phần mềm bị nhảy nhầm lên dòng chuẩn đoán là "Theo dõi mang thai bình thường" còn tên họ của ông này đều đầy đủ không vấn đề gì hết. Sự việc chỉ đơn giản vậy thôi".
Vị này cũng cho biết: "Mặc dù rất là nhiều việc nhưng đích thân Giám đốc bệnh viện Lư Quốc Hùng đã trực tiếp gọi điện người đàn ông này để giải quyết sự việc. Ông Hùng cũng có nói là nếu như lời giải thích chưa thỏa đáng thì bệnh viện sẽ điều người qua nhà để giải thích nhưng do ông Hùng phải đi nước ngoài liên tục nên khi về chưa điều được người đi gặp. Tại vì bệnh viện cũng nghĩ là vấn đề này rất đơn giản, đã giải thích cho cả bệnh nhân và người nhà rồi.
Như đã nói, sự việc này không có vấn đề gì nên cũng không ảnh hưởng nặng nề gì đến danh tiếng của bệnh viện cả.
Thực sự là sự việc vốn rất bình thường, không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân hay ai cả, chẳng qua là một dòng chuẩn đoán bị nhảy lộn thôi, thường là làm xét nghiệm cận lâm sàng sẽ không có dòng đó, hơn thế dòng chuẩn đoán đó cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm cả.
Phía bệnh viện đã có lời giải thích như vậy rồi mà tôi cũng không hiểu giờ họ muốn bên bệnh viện qua nhà làm gì nữa".
|
Phiếu xét nghiệm của ông N. ghi... mang thai. |
Trước đó, theo thông tin trên báo Một thế giới, ông Đ.T.N. (58 tuổi, thường trú thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cho biết, thời gian gần đây khả năng cầm, nắm của hai bàn tay ông có dấu hiệu giảm sút, nhiều lúc cầm một vật nhẹ vẫn bị rớt mà không thể nắm giữ được.
Sau khi dò hỏi, ông được các bác sĩ quen biết nói đó là một trong những triệu chứng cho thấy động mạch cảnh bị hẹp. Được giải thích rằng động mạch cảnh giữ vai trò dẫn máu từ tim lên nuôi não và các nghiên cứu, thống kê cho thấy xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh chiếm khoảng 30% các trường hợp tai biến mạch máu não nên ông N. rất lo lắng cho sức khỏe của mình.
Nhưng nơi ông ở là ranh giới tiếp giáp giữa huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) và huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ đến gần 100km. Thông thường, ông N. hay đến với Bệnh viện huyện Tân Hiệp mỗi khi cần, vì bệnh viện này gần nhà ông đang ở.
Tuy nhiên, với dự báo căn bệnh lần này, Bệnh viện Tân Hiệp sẽ không đủ các thiết bị, nhân sự… để thực hiện khám, xét nghiệm trọn gói theo yêu cầu của ông, nên ông phải đến Bệnh viện Hạnh Phúc (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang), cách nhà khoảng hơn 30km, nơi có thể đáp ứng được các yêu cầu xét nghiệm.
Đến Bệnh viện Hạnh Phúc từ sáng sớm, ông N. được các nhân viên Phòng Dịch vụ cận lâm sàng ghi nhận các thông tin cá nhân và yêu cầu được thực hiện các xét nghiệm. Sau khi ghi nhận các thông tin cần thiết, trả tiền dịch vụ… ông N. được hướng dẫn đến gặp các y bác sĩ làm các phần việc chuyên môn như: thu mẫu máu, hướng dẫn lấy mẫu nước tiểu và hẹn trả kết quả trong vòng 1 giờ sau khi nhận đủ mẫu để phân tích.
Các phần việc giao nhận mẫu xét nghiệm giữa ông N. và các y bác sĩ hoàn tất lúc 8 giờ 30. Khoảng 2 giờ sau, ông N. trở lại cầm kết quả xét nghiệm về nhà. Kết quả chẩn đoán trong phiếu xét nghiệm của người đàn ông U.60 này, ghi là: “Theo dõi mang thai bình thường” khiến ông N. rất bất ngờ.
|
Bệnh viện Hạnh Phúc. |
“Kết quả khiến tôi đã mất hết lòng tin đối với bệnh viện này khi họ đã thu đủ tiền dịch vụ nhưng lại làm ăn thiếu trách nhiệm như vậy với bệnh nhân, với khách hàng”, ông N. nói. Ông cũng cho biết, lối làm việc tắc trách của đội ngũ y bác sĩ đã được phản ảnh tới lãnh đạo bệnh viện, ông Giám đốc Lư Quốc Hùng có hứa sẽ trực tiếp đến gặp gỡ gia đình và cá nhân ông N. để có những giải thích tường tận. Nhưng tất cả chỉ là hứa suông cho qua chuyện.
Liên quan đến sự việc, bà Hồ Thị Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng, cũng cho rằng “sự cố” trong phiếu xét nghiệm của ông N. là do sự nhầm lẫn của phần mềm chuyên dùng của hệ thống máy tính tại bệnh viện. Theo bà Hiếu, sau khi sự việc xảy ra, ông Hùng đã trực tiếp phê bình đội ngũ thu viện phí của bệnh viện. Song, đội ngũ này khẳng định với bà Hiếu rằng họ đã nhập đúng yêu cầu của ông N., nhưng không hiểu trục trặc từ đâu mà phiếu kết quả lại “nhảy lộn” như vậy.
Bà Hiếu giải thích: “Khi bệnh nhân yêu cầu cái gì thì bộ phận viện phí nhập trực tiếp vào máy tính để in ra phiếu thu. Sau khi khách hàng nộp đủ phí dịch vụ, nhận phiếu thu được xác nhận đã thu tiền, thì các dịch vụ mới được thực hiện bởi lực lượng chuyên môn”.
Do vậy, theo lệnh giám đốc bệnh viện, bộ phận chuyên trách hệ thống máy tính của bệnh viện phải ngay tức thì kiểm tra lại hoạt động của phần mềm bị nghi vấn là “thủ phạm” gây nên sai sót. Tuy nhiên, cũng theo bà Hiếu, trong máy tính của bác sĩ trực tiếp thực hiện các xét nghiệm không thể hiện lỗi này! Nhưng phiếu kết quả trước khi giao trả cho khách hàng còn phải có chữ ký chịu trách nhiệm của bác sĩ trực tiếp thực hiện dịch vụ, tại sao không phát hiện?
“Khi máy chạy ra kết quả xét nghiệm thì bác sĩ của bộ phận này chỉ quan tâm đến kết quả thực hiện chuyên môn của mình mà không chú ý tới phần chẩn đoán của bác sĩ thể hiện trên phiếu kết quả”, bà Hiếu trả lời.
Và khi được đặt vấn đề nếu đó là chẩn đoán của một ca bệnh cấp cứu, cần kết quả để có giải pháp điều trị gấp, nếu sai sót như vậy thì hậu quả ra sao, bà Hiếu chỉ… cười trừ.
Minh Dương