An Giang: Lo người dân "ùn ùn" đổ về lễ hội, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao

26/04/2021 - 17:17

PNO - Cùng với đường biên giáp với hai tỉnh của Campuchia có hàng trăm ca mắc COVID-19, những lễ hội lớn tới đây tại An Giang cũng là mối lo dịch bệnh bùng phát.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế làm việc tại An Giang ngày 26/4
Thứ trưởng Bộ Y tế làm việc tại An Giang ngày 26/4

Huy động hơn 1.400 cán bộ cắm chốt biên giới

Ngày 26/4, đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh An Giang.

Tính đến ngày 24/4, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 là công dân Việt Nam trở về từ Campuchia. Ngay sau khi nhập cảnh, các trường hợp đã được cách ly, hiện đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện An Phú, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Các chuyên gia nhận định, An Giang có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lớn do có địa hình giáp với 2 tỉnh biên giới của Campuchia là Takeo và Kandal đã có hàng trăm ca mắc. An Giang có đường biên giới dài gần 100km với Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn lối mở, bến đò ngang, nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh vào tỉnh.

Để ngăn ngừa nguy cơ này, An Giang đang “siết chặt đường biên giới” bằng cách tăng cường quản lý, tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở, bến sông ngang. Quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Toàn tỉnh đã duy trì 200 tổ với 1.415 cán bộ biên phòng và lực lượng liên ngành để “cắm chốt” dọc đường biên giới. Tỉnh An Giang cũng đã đề nghị cơ quan chức năng nước bạn phối hợp trong phòng, chống dịch; tăng cường tuần tra; phòng, chống xuất – nhập cảnh trái phép; hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang, sát khuẩn cho nhân dân nước bạn…

Lên kịch bản đối phó với COVID-19, An Giang đã tổ chức 16 cơ sở điều trị COVID-19, có khả năng thu dung điều trị 180 người bệnh. Tỉnh đã lên phương án xây dựng Trung tâm Y tế huyện Châu Thành trở thành Bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, ngoài việc tổ chức chốt chặn nghiêm ngặt, quản lý xuất – nhập cảnh trái phép cần phải xây dựng thế trận lòng dân. Cụ thể, duy trì các tổ dân phố, các nhóm phòng, chống dịch biên giới “đi từng ngõ gõ từng nhà” để kịp thời phát hiện khi có người lạ. Tại các khu vực đông người như bến xe, nhà hàng, khách sạn cần có những cam kết trong phòng chống dịch bệnh, phát hiện tố giác người lạ.

Quyết liệt xử phạt người không đeo khẩu trang dự lễ hội

Lễ hội Vía
Lễ hội Vía Chùa Bà là một trong những lễ hội lớn trong cộng đồng tại An Giang

Một vấn đề đặc biệt là trong thời gian tới, tại An Giang sẽ tổ chức các Lễ hội Vía Chùa Bà, lễ 30/4... đây đều là dịp lễ hội lớn trong cộng đồng, dự kiến lượng người dân về tỉnh An Giang sẽ rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Đây là những thời điểm tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Các công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn cần được đẩy mạnh lên cấp độ mới. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch, kịch bản đối phó với dịch bệnh liên quan đến nhập cảnh, kịch bản dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng. Tăng cường năng lực xét nghiệm. Xét nghiệm trong khu cách ly tập trung tăng từ 2 lên 3 lần theo quy định”.

Thứ trưởng đề nghị cần chỉ đạo những lễ hội đông người nếu không mang khẩu trang sẽ quyết liệt xử phạt. Liên quan đến công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh truyền thông phát thanh, truyền hình, tờ rơi, tờ bướm bằng tiếng Việt thì cần tăng cường truyền thông bằng ngôn ngữ Khơ me, tiếng Chăm để vận động người dân nước bạn cùng chống dịch hiệu quả…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI