Ăn gì khi bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp?

13/05/2023 - 06:42

PNO - Dù đã xuất hiện mưa nhưng thời tiết cả nước nói chung và TPHCM nói riêng vẫn oi bức. Vừa chớm hè mà các ca rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm đã gia tăng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng thực phẩm Đại học Y Dược TPHCM - để giúp độc giả thêm kiến thức lựa chọn bữa ăn an toàn trong mùa nóng.

Bệnh nhân tiêu chảy cấp nên ưu tiên đồ ăn mềm như bánh mì sandwich, gạo, cháo, cơm, thịt hầm…
Bệnh nhân tiêu chảy cấp nên ưu tiên đồ ăn mềm như bánh mì sandwich, gạo, cháo, cơm, thịt hầm…

Phóng viên: Khi thời tiết oi bức thì số vụ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa cũng xảy ra nhiều hơn. Xin bác sĩ giải thích mối liên quan giữa ngộ độc thực phẩm với yếu tố nhiệt độ môi trường. Bên cạnh đó, đối tượng nào có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm cao?

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường: Vi khuẩn dễ sinh sôi trong môi trường từ 5 - 600C. Nhiệt độ càng nóng càng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, do thói quen, nhiều người nấu thức ăn xong từ sáng nhưng trưa mới ăn, nấu từ chiều để tới tối mới ăn.

Theo nguyên tắc an toàn thực phẩm, thức ăn nấu xong chỉ có thể để ngoài trời 2 giờ (nhiệt độ phòng). Muốn kéo dài thời gian, phải bảo quản thực phẩm ở mức dưới 50C. Thế nên ta cần để thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh (chia nhỏ từng phần để tiện hâm nóng khi ăn). Các hàng quán ngoài đường cần có khay đá để ở dưới khay thực phẩm nhằm làm giảm nhiệt độ mới giúp thức ăn (thịt nguội, chả) không bị hư hỏng hoặc phải luôn đun nóng thức ăn trên 600C (nước lèo bún, phở...)

Những người có hệ miễn dịch yếu như HIV, ung thư, người mắc bệnh nền (đái thái đường, tim mạch…), trẻ em, bà bầu, người cao tuổi, người có hệ vi sinh đường ruột không khỏe mạnh… đều là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm.

* Khi bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng như thế nào, thưa bác sĩ?

- Đối với bệnh nhân tiêu chảy cấp, quan trọng nhất là bù dịch và bù điện giải. Bù dịch phải song song bù điện giải. Nếu chỉ bù dịch (cấp nước) sẽ thúc đẩy tình trạng tăng tiết dịch vào lòng ruột nhiều hơn, khiến tiêu chảy nặng nề hơn. Ngày xưa, ông bà không có khái niệm bù điện giải nhưng lại biết uống nước pha muối và đường - cung cấp khoáng, natri, clorua, sự vận chuyển của gluco làm cân bằng điện giải của lòng ruột. 

Bệnh nhân tiêu chảy cấp nên ưu tiên đồ ăn mềm như bánh mì sandwich, gạo, cháo, cơm, thịt hầm… vì dễ hấp thu hơn đồng thời hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất xơ hoặc các loại rau có cọng dài. Thay vào đó, họ cần tăng cường các thực phẩm có chất xơ tan như măng tây, đậu, cà rốt nhằm tạo điều kiện cho lợi khuẩn sinh sôi. Bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn (6-8 bữa/ngày), không nên ăn thực phẩm lạ, vừa ăn vừa theo dõi xem hệ tiêu hóa hấp thu có ổn không. Nếu ăn các thực phẩm lạ lúc này sẽ vô tình tăng thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.

* Bệnh nhân bị rối loạn điện giải, mất dịch do tiêu chảy cấp phải kiêng sữa và các đồ ăn giàu dinh dưỡng. Điều này có khiến thể trạng bệnh nhân suy kiệt thêm không, đặc biệt đối với nhóm người có bệnh mạn tính đi kèm còn phải kiêng khem do bệnh lý có sẵn?

- Việc kiêng khem khi tiêu chảy cấp là đúng nhưng không nên quá đà. Khi bị tiêu chảy, men lactase trong ruột - một loại men có tác dụng tiêu hóa và hấp thu đường lactose - bị suy giảm. Trong hầu hết các loại sữa động vật (cả sữa tươi lẫn sữa công thức) đều chứa loại đường lactose này. Khi đường lactose không được tiêu hóa sẽ chuyển hóa thành acid lactic gây tiêu chảy. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào bị tiêu chảy cũng không uống được sữa. Kiêng khem quá đà sẽ dẫn tới sự suy kiệt về sức khỏe.

Do đó, tốt nhất hãy theo dõi, lắng nghe cơ thể để cân nhắc xem mình có thể uống sữa lúc đang bị tiêu chảy. Nếu bạn uống thử 1-2 hớp sữa mà thấy số lần tiêu chảy tăng thì ngưng, còn cảm giác bụng vẫn êm thì có thể uống tiếp. Trong trường hợp không uống được sữa thông thường và quá kiệt sức không nhai nuốt nổi đồ ăn, bệnh nhân tiêu chảy cấp có thể thử dùng sữa thủy phân. Sữa thủy phân được coi là dòng sữa dành cho những người dị ứng, bất dung nạp lactose nên khá phù hợp với bệnh nhân tiêu chảy cấp. Đối với loại sữa này, hệ tiêu hóa của người bị tiêu chảy sẽ hấp thu dễ dàng hơn do các chuỗi đạm đã được cắt thành các a xít amin nhỏ.

* Lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường, suy thận mạn bị tiêu chảy cấp là gì?

- Bệnh nhân đái tháo đường không ăn chuối được thì có thể dùng các chế phẩm dược để bù điện giải. Người bệnh đái tháo đường bị tiêu chảy có thể sử dụng nguồn kali tự nhiên có trong nước dừa nếu biết tiết chế lượng đường trong bữa ăn (giảm lượng cơm và củ quả). Bình thường, họ hay dùng sữa cho người đái tháo đường nhưng lúc bị tiêu chảy cấp, họ có thể đổi sang sữa thủy phân. 

Đối với bệnh nhân suy thận mạn cần kiêng đạm, kali, phốt pho... Lúc này, thúc người bệnh ăn đầy đủ năng lượng là chưa cần thiết mà hãy cung cấp cho họ lượng dinh dưỡng cơ bản. Chẳng hạn, bình thường nhóm bệnh nhân này nạp 1.800 kcal/ngày thì khi bị tiêu chảy cấp chỉ cần họ đảm bảo được 1.200 kcal/ngày. Tất nhiên, các nhóm thức ăn vẫn phải tuân thủ chế độ của người suy thận.

Người bệnh đái tháo đường bị tiêu chảy có thể sử dụng nguồn kali tự nhiên có trong nước dừa nếu biết tiết chế lượng đường trong bữa ăn
Người bệnh đái tháo đường bị tiêu chảy có thể sử dụng nguồn kali tự nhiên có trong nước dừa nếu biết tiết chế lượng đường trong bữa ăn

* Nhiều người cho rằng khi bị tiêu chảy cấp, uống nước dừa giúp bù nước và điện giải rất tốt. Tuy nhiên, lại có ý kiến rằng nước dừa làm lạnh bụng khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Như vậy, ý nào là đúng?

- Tình trạng một số người đang tiêu chảy uống nước dừa vào mệt hơn có thể do lượng đường lactose trong nước dừa gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Đôi khi, đó là do dao chặt dừa không sạch khiến nước dừa bị nhiễm khuẩn chứ nhìn chung, nước dừa có nguồn kali, vô khuẩn, rất tốt trong việc bù nước và điện giải cho người lao động nặng ngoài nắng, các vận động viên tập luyện cao. Trong nước dừa còn chứa maggie, đường lactose cùng nhiều vi chất hữu ích khác có lợi cho sức khỏe.
* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tổng 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 trường hợp (trong đó có 8 người tử vong). Các chuyên gia cảnh báo nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây chủ yếu liên quan tới thức ăn không được bảo quản đúng cách. Đặc biệt, các món ăn đường phố dấy lên nhiều lo ngại về nguồn gốc của thực phẩm cũng như môi trường bày bán ngoài trời rất dễ làm thức ăn bị nhiễm khuẩn, gây hại cho sức khỏe. 

Các ca ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E.coli, Campylobacter, Listeria... gây ra. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khi ăn phải thực phẩm ôi thiu từ vài tiếng cho tới 24 giờ. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau bụng, nôn, tiêu chảy, thậm chí sốt nếu bị nhiễm trùng tiêu hóa. 

Ngộ độc thực phẩm được chia ra nhiều mức độ. Nếu tiêu chảy nhiều lần mà không có biện pháp xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể sốc do mất dịch và rối loạn điện giải quá mức, thậm chí tử vong. Đáng lưu ý, tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa còn thúc đẩy các bệnh mạn tính đi kèm trở nên trầm trọng hơn, khiến bệnh nhân dễ lâm vào cơn nguy kịch nếu không được can thiệp kịp thời. Những đối tượng dễ trở nặng khi bị tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm là bệnh nhân suy thận, đái tháo đường, có bệnh lý về huyết áp, tim mạch. 

Thanh Huyền (thực hiện)  - Ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI