Ăn gạo từ thiện bị ngộ độc: Nghịch lý có lòng tốt cũng... sợ!

03/02/2016 - 06:52

PNO - Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, số gạo phát từ thiện cho người dân đảm bảo an toàn nên nghi ngờ có bàn tay của kẻ xấu hãm hại.

Nghi có kẻ xấu hãm hại

Ngày 1/2, ông Phan Quang Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam) cho biết, kết quả kiểm nghiệm số gạo phát từ thiện cho người dân ở địa bàn xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức hôm 14/1 không có vấn đề gì.

Theo kết quả, số gạo này hoàn toàn đạt chất lượng, không thể gây ra tình trạng người bị ngộ độc, hết chết, gà say như hiện thực đã xảy ra. Chính vì thế, đơn vị đặt ra nghi vấn, có thể đã có kẻ gian cố tình lợi dụng tình hình phát gạo từ thiện để thực hiện động cơ xấu, gây rối an ninh trên địa bàn.

Đơn vị Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản Quảng Nam đã có công văn gửi lãnh đạo các ban, ngành để báo cáo, đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

An gao tu thien bi ngo doc: Nghich ly co long tot cung... so!
Số gạo ông Sĩ làm từ thiện tại Quảng Nam.

Chiều ngày 1/2/2016, được Phunuonline thông báo kết quả kiểm nghiệm số gạo từ thiện, ông Phạm Tấn Sĩ (người bỏ tiền mua gạo phát cho người dân xã Phước Trà) tỏ ra rất vui mừng. "Có được thông tin này, tôi như trút được gánh nặng đeo bám trong tâm suốt nửa tháng qua" - ông Sĩ giãi bày.

Theo ông Sĩ, từ khi có người ăn gạo từ thiện của ông bị ngộ độc, bản thân ông và những người thân trong gia đình cảm thấy buồn và mệt mỏi. Ông không nghĩ rằng lòng hảo tâm của mình lại đem đến tai họa cho người khác, nhất là với những người nghèo - không có cái ăn, cái mặc, sau khi nhận đồ từ thiện lại phải đi viện điều trị.

Ông Sĩ cho biết: "Sau khi sự việc xảy ra, báo chí vào cuộc phản ánh cũng có nhiều người không hiểu mà nghi ngờ tấm lòng từ thiện của tôi. Đứng trước điều đó, bản thân tôi cũng rất buồn, phải tự nhủ bản thân mình không làm điều gì trái với lương tâm nên cần phải cố gắng vượt qua, rồi một ngày dư luận sẽ hiểu".

Có lòng tốt cũng phải đắn đo

Nói về số tiền bỏ ra mua gạo từ thiện cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Sĩ cũng tâm sự thật, đó là số tiền mà ông đi vận động những người thân quen mới có được chứ bản thân không có nhiều tiền đến thế. 

An gao tu thien bi ngo doc: Nghich ly co long tot cung... so!
Chị Hồ Thị Nhân là một trong 3 người bị nôn ói sau khi ăn cơm nấu từ gạo hỗ trợ. Chị cho biết, ngoài gạo còn có một gói bột giặt.

Sau khi sự việc này xảy ra, ông Sĩ cũng xem xét lại cách thức từ thiện của mình. Ông Sĩ nói: "Sau sự cố từ thiện gạo tôi thấy điều này không ổn, bản thân mình có tâm nhưng công đoạn thực hiện lại nảy sinh nhiều vấn đề. Do đó, có thể từ giờ tôi sẽ nghiên cứu ra cách từ thiện khác. Có lẽ, tôi sẽ phát tiền trực tiếp cho người dân chứ không phải hiện vật nữa".

Tuy nhiên, việc từ thiện bằng tiền của ông Sĩ cũng khiến chính bản thân ông có nhiều trăn trở. Ông không biết nên trao trực tiếp hay thông qua các hội từ thiện hoặc chính quyền địa phương.

"Bản thân việc từ thiện bằng tiền cũng không phải là biện pháp tối ưu, bởi không rõ người được từ thiện có dùng những đồng tiền này đúng mục đích hay không. Thông qua các hội từ thiện, chính quyền địa phương, số tiền này có bị thất thoát hay không..." - ông Sĩ bày tỏ băn khoăn.

Đồng thời, ông Sĩ cũng chia sẻ thêm: "Không phải tôi làm từ thiện mà suy tính này nọ, mà qua sự việc tại Quảng Nam, tôi rút ra kinh nghiệm cho bản thân, có tâm làm từ thiện là đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu từ thiện không đúng cách đôi khi mình còn bị mang tiếng hay đem lại tai họa, điều tiếng không hay cho bản thân mình". 

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI