Ấn Độ yêu cầu truyền thông xã hội không dùng lối nói “biến thể Ấn Độ” của COVID-19

24/05/2021 - 08:09

PNO - Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ cuối tuần trước đã gửi thông báo đến các nền tảng truyền thông xã hội yêu cầu họ kiểm duyệt nội dung đề cập đến "biến thể Ấn Độ" của COVID-19.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của một bệnh viện ở thủ đô Ấn Độ - Ảnh: Reuters/Getty Images
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của một bệnh viện ở thủ đô Ấn Độ - Ảnh: Reuters/Getty Images

Trong một lá thư được công bố hôm 21/5, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin đã yêu cầu một số công ty truyền thông xã hội "xóa tất cả nội dung" có tên hoặc ngụ ý "biến thể Ấn Độ" của COVID-19.

Không rõ các công ty truyền thông xã hội nào đã nhận được thông báo này, nhưng chính phủ Ấn Độ gần đây đã ra lệnh cho Facebook, Instagram và Twitter kiểm duyệt các bài đăng chỉ trích việc ứng phó đại dịch của chính quyền. Trang mạng về công nghệ thông tin Gizmodo đã yêu cầu Twitter và Facebook xác nhận đã nhận được yêu cầu mới của Ấn Độ, nhưng chưa nhận được câu trả lời cuối cùng.

Thông báo của Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết cụm từ “biến thể Ấn Độ” là lối diễn đạt “hoàn toàn sai lầm” vì  “không có biến thể nào của COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn chiếu một cách khoa học như vậy”. Theo Reuters, WHO “đã không liên kết thuật ngữ “biến thể Ấn Độ” với biến chủng B.1.617 của virus COVID-19 trong bất kỳ báo cáo nào của họ”.

Một nguồn tin cấp cao của chính phủ Ấn Độ nói với báo giới rằng thông báo này nhằm gửi đi một thông điệp “rõ ràng và đầy đủ” rằng bất kỳ nội dung nào đề cập đến “biến thể Ấn Độ” đều đang lan truyền thông tin sai lệch và phá hoại hình ảnh đất nước.

Biến thể đề cập lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào năm ngoái và được cho là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 rộng rãi ở Nam Á, một làn sóng tàn khốc đến nỗi một quan chức y tế Ấn Độ đã ví nó như một “trận sóng thần”. Đầu tháng này, WHO đã phân loại biến thể này (B.1.617) là một trong những mối quan tâm toàn cầu và đưa ra bằng chứng sơ bộ cho thấy nó dễ lây lan hơn các chủng virus khác của COVID-19.

Tuy nhiên, hướng dẫn đặt tên các bệnh truyền nhiễm mới của WHO không khuyến khích sử dụng vị trí địa lý, tên người hoặc các thuật ngữ “có thể kích động nỗi sợ hãi vô cớ” để tránh gây ra những định kiến ​​hoặc kỳ thị có hại. Vì vậy, thực tế là WHO chưa bao giờ chấp nhận tên "biến thể Ấn Độ" cho chủng vi khuẩn mới này.

Cùng thời điểm lối nói “biến thể Ấn Độ” bắt đầu lan rộng, chính phủ Ấn Độ đã phải đối mặt với sự lên án rộng rãi về cách ứng phó đại dịch COVID-19. Nhà chức trách nước này cũng phải đối mặt với sự giám sát của công chúng vì họ đã kiểm duyệt những lời chỉ trích trực tuyến về việc chính quyền “thiếu kế hoạch ứng phó đối với làn sóng lây nhiễm thứ hai đang diễn ra”.

Ấn Độ đã báo cáo hơn 26 triệu trường hợp lây nhiễm COVID-19 - con số cao thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ - và gần 300.000 ca tử vong cho đến nay. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận khoảng 250.000 ca nhiễm mới và 4.000 trường hợp tử vong.

Tô Châu (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI