Ấn Độ vượt mốc 3 triệu ca nhiễm sau khi tái mở cửa kinh tế

24/08/2020 - 07:19

PNO - Ấn Độ chính thức vượt mốc 3 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, khi nước này bắt đầu tái mở cửa kinh tế sau thời gian buộc các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Ấn Độ vượt mốc 3 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2.
Ấn Độ vượt mốc 3 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

Ấn Độ vượt mốc 3 triệu ca nhiễm

Ngày 23/8, Ấn Độ đã vượt mốc 3 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 với gần 70.000 trường hợp mới được báo cáo, khi nước này bắt đầu mở cửa kinh tế sau thời gian dài buộc các doanh nghiệp ngưng hoạt động.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 912 người chết, nâng con số người tử vong vì COVID-19 lên gần 57.000. Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 trên thế giới vì COVID-19, sau Mỹ và Brazil.

Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn để mở cửa ngành sản xuất phim ảnh của mình với các tiêu chuẩn về xa cách xã hội và quản lý đám đông.

“Các nguyên tắc chung đằng sau SOP (Standard Operating Procedure: quá trình thao tác chuẩn - PV) sẽ giúp tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho dàn diễn viên và đoàn phim trong ngành”- Bộ trưởng thông tin và phát thanh truyền hình Ấn Độ, Prakash Javadekar, cho biết.

Vào tháng 5, các nhà sản xuất và diễn viên hàng đầu Ấn Độ nói rằng ngành công nghiệp điện ảnh ở Mumbai sẽ mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau đại dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn việc làm.

Trước đó, quá trình sản xuất phim và các rạp chiếu trên toàn quốc đã ngưng hoạt động, sau khi Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh đóng cửa kéo dài hơn hai tháng vào tháng 3, để hạn chế sự lây lan của virus.

Ít nhất 13 người chết trong vụ giẫm đạp ở Peru

Cảnh sát phong tỏa hộp đêm vi phạm giãn cách ở thủ đô Lima, Peru
Cảnh sát phong tỏa hộp đêm vi phạm giãn cách ở thủ đô Lima, Peru

Orlando Velasco Mujica, thành viên lực lượng Cảnh sát Quốc gia Peru cho biết, ít nhất 13 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp tại hộp đêm ở Lima, Peru. Được biết, những người tham gia tiệc tùng gặp nạn khi cố gắng thoát khỏi cuộc truy quét của cảnh sát do bất tuân các quy tắc hạn chế trong mùa dịch COVID-19.

Cảnh sát đã được trình báo đến quán Thomas Restobar, quận Los Olivos của thủ đô Peru để giải tán một bữa tiệc bất hợp pháp có hơn 120 người tham dự trong khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được tiến hành ở Peru, như nghiêm cấm những cuộc tụ tập đông người, đồng thời có lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối trên toàn quốc nhằm nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus.

Theo tuyên bố chính thức của Bộ Nội vụ Peru, cảnh sát không sử dụng "bất kỳ loại vũ khí hoặc hơi cay nào để giải phóng vụ tụ tập". Khi mọi người bắt đầu chạy trốn khỏi tầng 2 để thoát khỏi cảnh sát, họ đã bị đè lên nhau tại cầu thang.

Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 23 người và đang mở cuộc điều tra để xác định chủ sở hữu của hộp đêm và những người chịu trách nhiệm cho sự việc này. 

"Bộ Nội vụ vô cùng lấy làm tiếc về cái chết của 13 người do hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm hình sự của một chủ doanh nghiệp bất lương" - thông cáo viết.

Theo CNN, Peru là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 nghiêm ngặt, nhưng hiện là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với hơn 576.000 trường hợp được xác nhận. 

Tổng thống Trump thúc đẩy việc điều trị COVID-19 bằng huyết tương

Chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch phê duyệt khẩn cấp một phương pháp điều trị COVID-19 mới và đang xem xét theo dõi nhanh một loại vắc-xin được phát triển ở Anh, theo báo cáo ngày 23/8.

Theo đó, Tổng thống sẽ công bố việc cấp phép khẩn cấp việc dùng huyết tương chữa COVID-19, một phương pháp điều trị đã được áp dụng cho hơn 70.000 bệnh nhân. Ngoài ra, tờ Financial Times còn thông tin chính quyền Trump đang xem xét theo dõi nhanh một loại vắc xin COVID-19, được phát triển bởi AstraZeneca và Đại học Oxford để sử dụng tại Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử ngày 3/11.

Tuy nhiên, phía AstraZeneca phủ nhận. "AstraZeneca chưa thảo luận về việc cấp phép sử dụng vắc-xin với chính phủ Hoa Kỳ, còn quá sớm để suy đoán về khả năng đó", phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết.

Tính đến nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã báo cáo hơn 5,6 triệu ca nhiễm và gần 176.000 người chết.

 

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI