Ấn Độ: Vị đắng của bữa ăn miễn phí

31/07/2013 - 20:37

PNO - PN - Ngày 29/7, thêm 73 học sinh nội trú một trường nữ công lập ở huyện Buldana (bang Maharashtra) nhập viện vì nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm. Trường này do tổ chức phúc lợi xã hội bang Maharashtra và Bộ Tư pháp phối hợp điều hành,...

Cảnh sát cho biết, các cô gái đã kêu đau bụng và nôn mửa sau bữa ăn tối, hiện có hai nữ sinh trong tình trạng nghiêm trọng. Do số học sinh nhập viện quá đông, nhân viên bệnh viện không thể ứng phó kịp nên đã nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ tư nhân.

Vụ việc mới nhất này khiến nhiều người giật mình nhớ lại, chỉ trong vòng hai tuần đã liên tục xảy ra ba vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại các trường học Ấn Độ, trong đó, đau xót nhất là 23 trẻ em phải lìa đời chỉ sau một bữa ăn miễn phí ở một trường học bang Bihar.

Đây không phải lần đầu, chương trình bữa ăn học đường bị phụ huynh cũng như giáo viên Ấn Độ phản đối quyết liệt.

An Do: Vi dang cua bua an mien phi

Nạn nhân của vụ ngộ độc vì bữa năn miễn phí ở trường học Ấn Độ (ảnh: PTI)

Hàng chục ngàn giáo viên ở bang Bihar (Ấn Độ) đã tẩy chay chương trình ăn trưa miễn phí để phản đối việc bắt giữ hiệu trưởng của trường tiểu học có 23 trẻ em chết do bị ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, hàng ngàn học sinh ở miền Đông nghèo khó của Ấn Độ cũng từ chối bữa ăn trưa miễn phí ở trường sau vụ ngộ độc thuốc trừ sâu kinh hoàng ở bang Bihar.

Bang Bihar có 16 triệu học sinh được ăn trưa miễn phí tại 70.200 trường tiểu học. Sau sự cố đau thương này, trẻ em các nơi khác trong bang đã vứt bỏ phần ăn của mình vào thùng rác hoặc không thèm động đến các suất ăn, bất chấp lời khẳng định của các thầy cô phụ trách nhà trường là bi kịch sẽ không tái diễn. Một người tên Lakshmanan nói với AFP: “Cha mẹ đã cảnh báo con cái họ không được đụng vào bữa ăn miễn phí ở trường”.

Một phát ngôn viên của ngành giáo dục địa phương cho biết, 90% trong số 300.000 giáo viên làm việc tại các trường tiểu học của bang Bihar đã tham gia tẩy chay chương trình, nhưng, theo nhà chức trách, chỉ 20% số trường ở bang này bị ảnh hưởng. “Chúng tôi tẩy chay chương trình bữa ăn giữa ngày vì nó làm tổn hại thanh danh của giáo viên. Chúng tôi luôn bị đem ra làm vật tế thần bất cứ khi nào có sự cố, chẳng ai quan tâm đến việc có tham nhũng lớn trong cách thức điều hành chương trình”, ông Brajnandan Sharma, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên tiểu học nói với BBC.

An Do: Vi dang cua bua an mien phi

Giáo viên và phụ huynh đều tẩy chay bữa ăn miễn phí ở trường học (ảnh minh họa: Getty)

Một số người tỉnh táo hơn cho rằng, lòng tham và việc lạm dụng trong thực thi chính sách chính là thủ phạm của thảm kịch. Nếu nhìn từ việc bà hiệu trưởng Devi lập “sân sau” để chồng trục lợi trong vụ việc làm 23 trẻ phải chết tức tưởi, thì câu nói của ông Shahi rằng các em này "bị đầu độc” là có cơ sở. Ngộ độc hay đầu độc đều bởi lòng tham và sự ích kỷ của người lớn.

Chương trình bữa trưa miễn phí được thực hiện trên toàn Ấn Độ đối với khoảng 120 triệu học sinh và được xem là chương trình bữa ăn trong trường học có quy mô lớn nhất trên thế giới. Chương trình này áp dụng lần đầu tiên cho con em các gia đình nghèo ở thành phố Chennai (bang Madras) miền Nam Ấn Độ năm 1925, giúp thu hút nhiều trẻ em tới trường hơn.

Hiện nay, để trấn an, nhà chức trách đã chỉ thị tất cả các giáo viên và đầu bếp phải nếm thức ăn trước khi phục vụ học sinh. Tuy nhiên, điều này vẫn không xua tan được vị đắng (ngày càng thêm đắng) trong suy nghĩ của người dân Ấn Độ về chương trình này.

 THANH HIỀN (Theo Times of India, PTI, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI