Ấn Độ vật lộn với tỉ lệ phá thai chọn lọc giới tính tràn lan

23/12/2023 - 11:32

PNO - Phá thai lựa chọn giới tính là bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng hiện tại nó vẫn phổ biến ở nước này bất chấp lệnh cấm xét nghiệm giới tính trước khi sinh.

 

Phụ nữ ở Ấn Độ phải đối mặt với bạo lực và áp lực từ chồng và nhà chồng nếu không sinh được con trai. Ảnh: EPA-EFE
Phụ nữ ở Ấn Độ thường phải đối mặt với bạo lực và áp lực từ chồng và nhà chồng nếu không sinh được con trai. Ảnh: EPA-EFE

Khi đứa con đầu lòng của Sunil Jaglan là một bé gái chào đời thì các y tá tại bệnh viện ở bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ lại tỏ thái độ rất buồn bã vì ngày hôm đó chưa có một bé con trai nào được sinh ra. Jaglan mang bánh kẹo vào viện ăn mừng con gái chào đời, anh mời các y bác sĩ nhưng họ từ chối.

Chứng kiến cảnh này, Sunil Jaglan rất kinh hoàng. Vì đó cũng là lời nhắc nhở rõ ràng rằng con gái anh sẽ lớn lên trong một xã hội mà con trai được coi trọng hơn con gái.

Các chuyên gia cho biết, việc phá thai khi biết thai nhi là nữ là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ không cân bằng giữa nam và nữ. Mặc dù cho biết giới tính trước khi sinh và phá thai lựa chọn giới tính là bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng thực tế này vẫn tồn tại trên khắp đất nước.

“Có một tư duy gia trưởng ăn sâu ở Ấn Độ và nhiều người vẫn coi trẻ em gái và phụ nữ là gánh nặng. Đó là lý do tại sao các gia đình chọn cách loại bỏ con gái trước khi chúng được sinh ra” - Jaglan 41 tuổi nói.

Các chuyên gia cho biết, phụ nữ phải đối mặt với bạo lực và áp lực từ chồng và nhà chồng nếu không sinh được con trai. Với mức độ an sinh xã hội hạn chế, các gia đình trông cậy vào con trai để chu cấp cho họ khi về già.

Praveena Kodoth, giáo sư nghiên cứu về giới tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển ở Kerala, cho biết: “Cha mẹ phụ thuộc vào con trai như nguồn an sinh xã hội và mong muốn con trai hỗ trợ họ khi họ già đi. Trong khi đó, con gái bị coi là gánh nặng nặng tài chính khi nuôi nấng và cả khi cưới gả vì của hồi môn. Quà tặng bằng tiền mà gia đình cô dâu phải tặng cho chú rể, thường được coi là điều kiện trong hôn nhân của họ. Mặc dù đã bị cấm trong hơn 60 năm nhưng tập tục này vẫn còn phổ biến ở Ấn Độ.

Lựa chọn giới tính cấm ở Ấn Độ nhưng tình trạng này vẫn diễn ra lén lút
Lựa chọn giới tính bị cấm ở Ấn Độ nhưng tình trạng này vẫn diễn ra lén lút

Một cuộc khảo sát sức khỏe và gia đình quốc gia ở Ấn Độ tiết lộ rằng tỉ lệ giới tính khi sinh là 929 bé gái trên 1.000 bé trai trong khoảng thời gian từ 2019-2021.

Trong khi đó, Liên hiệp quốc nhấn mạnh rằng từ năm 2013-2017, mỗi năm có khoảng 460.000 bé gái ở nước này “mất tích” khi sinh do lựa chọn giới tính và tỉ lệ tử vong ở nữ giới sau sinh.

Vào tháng 10, cảnh sát bang Karnataka đã phát hiện ra một cơ sở phẫu thuật chui ở quận Mandya, nơi được cho là đã tiến hành hơn 900 vụ phá thai trong 3 năm qua. Sau 2 tháng điều tra, cảnh sát bang phát hiện cơ sở này có liên quan đến Bệnh viện Matha ở quận Mysore gần đó. Theo báo cáo, họ tính phí 25.000 rupee (300 USD) để thực hiện phá thai và từ 5.000 đến 10.000 rupee cho các dịch vụ xác định giới tính của thai nhi.

Cho đến nay, ít nhất 10 người, trong đó có 2 bác sĩ, đã bị bắt liên quan đến vụ án. Theo cảnh sát, hầu hết các gia đình đều thuộc tầng lớp trung lưu và đã quyết định phá thai sau khi xét nghiệm giới tính trước khi sinh.

Bộ trưởng Y tế bang Dinesh Gundu Rao cho biết, xu hướng phá thai lựa chọn giới tính đang đáng lo ngại. Phá thai là hợp pháp và có thể thực hiện được ở Ấn Độ cho đến 20 tuần đầu tiên của thai kỳ.

“Tất nhiên chúng tôi vẫn tin rằng phá thai là quyền sinh sản của phụ nữ. Nhưng vấn đề ở đây là việc phá thai chọn lọc giới tính thì phải cần phải ngăn chặn" - nhà hoạt động Varsha Deshpande, người đã vận động chống lại nạn phá thai ở bang Mashtra của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ, phát biểu.

Bà nói thêm: “Việc phá thai chọn lọc giới tính đã trở nên tràn lan do sự sẵn có của công nghệ và khả năng tiếp cận các loại thuốc khiến các hoạt động này trở nên dễ dàng hơn... Cũng chính những gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu đang làm điều này, bởi vì nhìn chung, xã hội của chúng ta do nam giới thống trị. Chừng nào phụ nữ còn bị coi là gánh nặng và đàn ông là tài sản thì những hành vi vô nhân đạo này sẽ còn tiếp tục”.

Theo Sanjeev Kulkarni, một bác sĩ phụ khoa ở Karnataka, người từ lâu đã ủng hộ việc chống phá thai chọn lọc giới tính, hậu quả của tỉ lệ giới tính không cân bằng do việc áp dụng rộng rãi thuốc phá thai quá dễ dàng.

Quỹ Dân số Liên hiệp quốc dự đoán rằng sự mất cân bằng giới tính ở Ấn Độ sẽ dẫn đến thiếu hụt 25 triệu phụ nữ vào năm 2030.

"Kết quả là chúng ta đang chứng kiến ​​​​sự thiếu hụt cô dâu, điều này cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”, Kulkarni cho biết đồng thời nêu bật những hậu quả như phụ nữ trở thành nạn nhân của bắt cóc và buôn bán ở chợ hôn nhân, cùng với sự gia tăng các vụ việc hiếp dâm và tội phạm tình dục nhắm vào phụ nữ.

Kulkarni nói: “Chúng tôi cần những người có ảnh hưởng và quyền lực, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng về vấn đề này. Hiện tại không có nỗ lực phối hợp nào để tạo ra sự thay đổi, họ chỉ nói suông".

Jaglan nói: “Cần phải có một sự chuyển đổi xã hội và điều này sẽ đòi hỏi những nỗ lực nghiêm túc hơn  ở cấp tiểu bang và quốc gia. Cho đến khi nam và nữ được xem xét bình đẳng, những vấn đề này sẽ còn tồn tại".

Thảo Nguyễn (theo SCMP, India Express)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI