Ấn Độ thành công trong việc xây dựng sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20

12/09/2023 - 00:05

PNO - Ấn Độ đang đạt được thành công trong việc xây dựng sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Delhi, đúc kết trọn vẹn trong Tuyên bố New Delhi.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 về chủ đề “Một tương lai” ở Pragati Maidan, New Delhi vào ngày 10/9/2023.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 về chủ đề “Một tương lai” ở Pragati Maidan, New Delhi vào ngày 10/9/2023

Thắng lợi ngoại giao giúp dung hòa lợi ích các bên

Diễn ra trong thời điểm thế giới đang chia rẽ nghiêm trọng bởi những căng thẳng địa chính trị, nguy cơ suy thoái kinh tế, khủng hoảng giá cả,… Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi (Ấn Độ) được kỳ vọng trở thành ngọn đèn soi sáng con đường giúp các quốc gia cùng vượt qua khó khăn.

Việc các nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận 100% đối với toàn bộ 83 điều trong Tuyên bố New Delhi không chỉ cho thấy vai trò của nước chủ nhà Ấn Độ mà còn khẳng định nỗ lực của các quốc gia nhằm hướng tới một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Với phương châm “Cùng nhau, các quốc gia mới có cơ hội để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, tuyên bố chung của hội nghị tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp.

Tuyên bố dự tính về 1 hiệp ước phát triển xanh cho một tương lai bền vững, ủng hộ các nguyên tắc cấp cao về lối sống để phát triển bền vững… Dự kiến mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá.

Các nước G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng cải cách đa phương nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời chấp nhận đề xuất về các quy định chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử và công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI).

Liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, tuyên bố kêu gọi tất cả các nước duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định cho khu vực.

Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm, phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.

Việc kết nạp Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực được coi là một trong những kết quả quan trọng nhất của hội nghị. Nỗ lực của Ấn Độ được ghi nhận vì đã ủng hộ tư cách thành viên của Liên minh châu Phi - một nhóm gồm tất cả 55 quốc gia châu Phi, có tổng GDP là 2,99 nghìn tỷ USD.

Đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 trong bối cảnh đầy thách thức, song những gì Ấn Độ hoàn thành trong suốt 1 năm qua đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận. Nội dung tuyên bố chung cho thấy Ấn Độ có thể dung hòa được tất cả lợi ích của các thành viên G20.

Nhiều chuyên gia coi các kết quả đạt được và Tuyên bố New Delhi là một thành công trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi khi ông thúc đẩy tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trên trường thế giới.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá hội nghị thượng đỉnh G20 là một thành công đối với Ấn Độ cũng như nhóm quốc gia Nam bán cầu. Trong khi đó, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Tập đoàn Rand, bình luận: “Tuyên bố New Delhi thể hiện tiếng nói của khu vực Nam bán cầu mới nổi....”.

Cam kết giảm dần nhiên liệu than

Các nhà lãnh đạo của G20 — nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới — cam kết theo đuổi và khuyến khích các nỗ lực tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, các quốc gia G20 — chiếm phần lớn lượng khí thải carbon trên thế giới — đã không đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Đáng chú ý, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 8/9 nhấn mạnh sự cần thiết phải “loại bỏ dần tất cả các nhiên liệu hóa thạch” để đạt được lượng khí thải bằng 0.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo chỉ cam kết giảm dần nhiên liệu than ở mức phù hợp với hoàn cảnh quốc gia.

Lidy Nacpil - nhà hoạt động khí hậu người Philippines nhận xét: Cam kết của các quốc gia G20 về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng là “rất quan trọng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Linh La (theo The Wire, PhilStar, Media Nama, TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI