Ấn Độ: Tấn công bằng lựu đạn lại bang Jammu và Kashmir làm 26 người bị thương

08/03/2019 - 06:08

PNO - Ít nhất 26 người đã bị thương, trong đó có 5 trường hợp nguy kịch, sau vụ tấn công bằng lựu đạn ở thành phố Jammu, ba tuần sau vụ khủng bố ở Pulwama làm 40 người thiệt mạng.

Cảnh sát cho biết quả lựu đạn phát nổ bên dưới chiếc xe buýt tại khu vực trung tâm thành phố. Hầu hết những người bị thương là nhân viên và tài xế.

Sĩ quan cảnh sát cấp cao, Manish Kumar Sinha, cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 11g30 sáng thứ Năm 7/3.

An Do: Tan cong bang luu dan lai bang Jammu va Kashmir lam 26 nguoi bi thuong
Nhân viên an ninh phong tỏa hiện trường vụ nổ làm 26 người bị thương.

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy nhân viên an ninh ngăn cản người dân hiếu kỳ tiến đến khu vực. Một nhân chứng kể: "Ban đầu tôi nghĩ đó là một vụ nổ lốp. Người dân địa phương đã hỗ trợ  đưa các nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cứu thương".

Đây là vụ tấn công bằng lựu đạn thứ ba của những kẻ khủng bố tại khu vực chờ xe buýt của thành phố kể từ tháng 5/2018.

Vụ tấn công diễn ra một tuần sau khi Không quân Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích vào "trại khủng bố" lớn nhất của Jaish-e Mohammad ở Balakot của Pakistan. Jaish đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngày 14/2 làm thiệt mạng 40 cảnh sát bán quân sự tại Ấn Độ..

Cùng ngày, phía Pakistan cho biết nước này đã tăng cường đàn áp chống lại phiến quân Hồi giáo, giành quyền kiểm soát 182 trường tôn giáo (madaris) và giam giữ hơn 120 người, như một phần trong nỗ lực chống lại các nhóm bị cấm.

Bộ Nội vụ Pakistan nói rằng nỗ lực được lên kế hoạch từ lâu, không phải là phản ứng trước sự phẫn nộ của Ấn Độ đối với những gì mà New Delhi gọi là “sự thất bại của Islamabad” trong việc kiềm chế các nhóm chiến binh hoạt động trên đất Pakistan.

An Do: Tan cong bang luu dan lai bang Jammu va Kashmir lam 26 nguoi bi thuong
Khu vực Kashmir từ lâu đã là vết đen trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, Ấn Độ và Pakistan.

Pakistan đang phải đối mặt với áp lực từ những cường quốc toàn cầu trong việc chống lại các nhóm phiến quân cực đoan, bao gồm Jaish-e-Mohammed (JeM).

Các “madaris” là một vấn đề nhức nhối ở Pakistan, quốc gia Hồi giáo bảo thủ sâu sắc, nơi các trường tôn giáo thường bị đổ lỗi cho sự cực đoan của thanh niên, nhưng là cơ sở giáo dục duy nhất có sẵn cho hàng triệu trẻ em nghèo.

Nhiều nhóm bị cấm như JeM có trường tôn giáo. Một nhóm bị cấm khác, Jamaat-ud-Dawa (JuD), tự gọi mình là một tổ chức từ thiện Hồi giáo, ước tính điều hành khoảng 300 ngôi trường trên cả nước.

Bộ Nội vụ cho biết chính phủ cũng tiếp quản nhiều cơ sở, vật chất khác từ các nhóm tôn giáo, bao gồm 34 trường học hoặc cao đẳng, 163 trạm xá, 184 xe cứu thương, 5 bệnh viện và 8 văn phòng.

Tấn Vĩ (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI