Ấn Độ: Sự thật tàn độc trong nhà chứa 'đội lốt' trung tâm bảo trợ

02/08/2018 - 16:24

PNO - Các bác sĩ xác nhận dấu hiệu lạm dụng tình dục đối với nạn nhân 7 tuổi ở trung tâm bảo trợ tại Bihar. 44 em nhỏ tại đây còn bị đánh đập, tiêm thuốc an thần và tạt nước sôi.

Bé gái 7 tuổi là nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong số 34 cô gái bị hãm hiếp tại một trung tâm bảo trợ trẻ em ở bang Bihar của Ấn Độ. Sự việc khiến dư luận phẫn nộ về công tác quản lý nơi cư trú cho các thành viên dễ tổn thương nhất trong xã hội.

An Do: Su that tan doc trong nha chua 'doi lot' trung tam bao tro
Người dân xung quanh vẫn bàng hoàng về sự tàn nhẫn bên trong vỏ bọc hoàn hảo của trung tâm bảo trợ.

Tổng cộng có 44 trẻ em sống tại Seva Sankalp Samiti, trung tâm bảo trợ ngắn hạn dành cho các bé gái chạy trốn khỏi gia đình hoặc được tìm thấy từ các nhà ga, đường phố. Nạn nhân lớn nhất mới 18 tuổi.

Cho đến nay, cảnh sát bắt đã giữ ít nhất 10 người, bao gồm người đứng đầu trung tâm, Brajesh Thakur.

Các cô gái xuất hiện tại tòa án đặc biệt vào hôm 27/7. Đây là tòa án chuyên dành cho các trường hợp liên quan đến Đạo luật Bảo vệ Trẻ em khỏi Bạo hành Tình dục (POCSO) của Ấn Độ.

Luật POCSO vừa sửa đổi vào tháng 4/2018 nhằm tăng khung hình phạt cho tội hãm hiếp trẻ em dưới 12 tuổi lên mức tử hình, nhưng dường như hình phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Tội ác tại Seva Sankalp Samiti lộ ra ánh sáng nhờ báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Tata. Bản báo cáo cho thấy "các trường hợp bạo lực nghiêm trọng" tại nơi tạm trú và đề xuất một cuộc điều tra nhanh chóng.

Phần lớn các cáo buộc tập trung vào Thakur, người được cho là chủ mưu các vụ lột quần áo nạn nhân, đánh đập bằng gậy hay thắt lưng và tiêm thuốc an thần để hắn cùng những người khác tấn công tình dục các cô gái.

Địa ngục giữa lòng xã hội

An Do: Su that tan doc trong nha chua 'doi lot' trung tam bao tro
Trung tâm bảo trợ Seva Sankalp Samiti bị đóng cửa từ tháng 6/2018 để phục vụ điều tra.

Lời kể từ các cô gái khiến mọi người phải rùng mình, xót thương. Đứa trẻ 7 tuổi nói với cảnh sát rằng Brajesh Thakur, hay còn gọi là “ông roi”, thường xuyên đánh đập chúng.

Một nạn nhân 10 tuổi thì kể rằng cô bé phải nhặt lại quần áo nằm rải rác trên sàn nhà vào sáng sớm, và nói rằng em bị đau nhức giữa hai chân. Một bé gái lớn hơn cho biết mình thường xuyên bị lột trần truồng, đưa lên sân thượng và đánh bằng gậy.

Thậm chí, có nạn nhân bị tạt nước sôi lên người vì bị ép uống thuốc ngủ. Khi một ai đó cố gắng chống lại sự ngược đãi hay hãm hiếp, người đó bị đánh đập, bỏ đói trong nhiều ngày và cuối cùng phải cầu xin tha thứ.

Hiện tất cả các cô gái ở trung tâm đều được chuyển đến các nhà an dưỡng khác nhau trên khắp Bihar, nhưng cảnh sát vẫn chưa tìm thấy gia đình của họ, vì nhiều nạn nhân đến từ bang Tây Bengal lân cận, cách đó hơn 500km.

"Đế chế" của yêu râu xanh

Theo Tổ chức "Quyền trẻ em và Bạn", ước tính cứ 15 phút ở Ấn Độ lại có một trẻ bị xâm hại tình dục, và tội ác nhằm vào trẻ vị thành niên tăng hơn 500% trong thập kỷ qua.

Trong năm 2016, cảnh sát Ấn Độ nhận 38.947 báo cáo về hiếp dâm trẻ em, so với gần 35.000 vụ vào năm 2015.

Vụ việc 34 bé gái bị hãm hiếp ở Bihar gây sốc cho đất nước, nhưng thực tế, kẻ chủ mưu Brajesh Thakur, thậm chí còn có thể tàn bạo hơn những gì mọi người tưởng tượng.

Brajesh Thakur sở hữu ba tòa báo và là một người giàu có, với tầm ảnh hưởng rộng, thậm chí, quen biết nhiều chính trị gia hàng đầu của đất nước.

An Do: Su that tan doc trong nha chua 'doi lot' trung tam bao tro
Brajesh Thakur (trái) có thể còn tàn độc hơn cả những gì mọi người đã biết.

Tại một nhà trú ẩn khác tên Chaturbhuj Sthan do Thakur làm chủ gần khu phố đèn đỏ Muzaffarpur, 11 phụ nữ và 4 đứa trẻ đột nhiên mất tích trong vòng hai tháng qua.

Công tố viên Sangita Sahni nói với India Today TV rằng những trung tâm bảo trợ của Thakur chẳng khác nào nhà chứa trá hình: “Khi các bé gái mang thai, chúng buộc phải phá thai ngay tại khu nhà tạm trú”.

Tổng cộng có 67 loại thuốc, bao gồm thuốc điều trị động kinh được sử dụng để khiến các nạn nhân bất tỉnh, tạo điều kiện cho hành vi hãm hiếp.

May mắn, Dilmani Mishra, người đứng đầu ủy ban phụ nữ của Bihar, nói với Al Jazeera: "Tôi đã đến thăm các cô gái, bây giờ chúng đã an toàn. Đáng ngạc nhiên, các em kể lại những câu chuyện của mình với mong muốn trở thành nhân viên cảnh sát, để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra”.

Linh La (Theo Al Jazeera, India Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI