Ấn Độ: Sau hoả táng ngày đêm là tro cốt không người nhận

12/05/2021 - 09:37

PNO - Số người chết vì COVID-19 liên tục gia tăng ở Ấn Độ, nó khiến các lò thiêu bị quá tải. Đã có rất nhiều tro cốt vô thừa nhân được bỏ lại tại nơi hoả táng.

Ấn Độ đã ghi nhận thêm 348.389 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua và đã có tới 4.198 trường hợp tử vong. Tính đến thời điểm này, số người chết do nhiễm virus lên đến 254.225 trường hợp. Theo báo cáo từ Bộ Y tế Ấn Độ, tổng cộng trên toàn quốc đã có 23.340.428 trường hợp mắc bệnh và tử vong.

Ở các bang như Maharashtra, Madhya Pradesh và Telangana và cả thủ đô New Delhi là những nơi được đánh dấu là có số người chết nhiều nhất. Làn sóng COVID-19 thứ hai đang thật sự tàn phá và gây nên một thảm cảnh đau thương ở quốc gia Nam Á này, chuỗi ngày chết chóc vẫn đang đe doạ, giày xéo Ấn Độ mà không cho thấy dấu hiệu dừng lại. Nó khiến cho ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh và ngày càng trầm trọng. 

Đại dịch COVID-19 khiến Ấn Độ đỏ trời vì các dàn thiêu
Đại dịch COVID-19 khiến Ấn Độ ngày đêm rực đỏ vì các dàn thiêu

Theo công bố từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ấn Độ chiếm gần phân nửa tổng số ca nhiễm COVID-19 mới và 25% tổng số ca tử vong. Điều này dẫn đến những cảnh tượng kinh hoàng ở các giàn hỏa táng khi xác người chất chồng chờ đến thời điểm “được hoá thành tro bụi”.

Thế nhưng ngay cả khi trở về với hư vô, những xác chết này cũng để lại nhiều vấn đề. Tại lò hỏa táng Nigambodh ghat ở Delhi, nơi các giàn hỏa thiêu cháy suốt ngày đêm vì số người chết ngày càng tăng cao và người ta đã thấy rất nhiều tro cốt người chết vô thừa nhận. Gia đình của các nạn nhân ngại đến lấy tro sau khi hỏa táng vì họ sợ nhiễm virus COVID-19 hoặc không có điều kiện di chuyển đến ở những nơi đông đúc.

Tro cốt người sau khi thiêu không được người thân đến nhận
Tro cốt người sau khi thiêu không được người thân đến nhận

Shri Deodhan Sewa Samiti là tên gọi của một nhóm tình nguyện chuyên đi thu thập tro và các mảnh xương rồi cẩn thận rửa chúng trong sữa, nước để dâng những lời cầu nguyện. Sau đó, họ sẽ đưa tro cốt tới thánh địa Haridwar bên bờ sông Hằng vào tháng 9 và thực hiện nghi lễ tôn giáo trong thời gian 15 ngày để cầu mong mang lại điềm lành cho người quá cố.

Người theo đạo Hindu ở Ấn Độ thường hay hỏa táng người chết và tro cốt mang rải trên các con sông được coi là linh thiêng hoặc trên một số địa điểm quan trọng khác đối với người đã khuất. "Trong trận đại dịch này, thân nhân của những nạn nhân này đã bỏ rơi họ. Tổ chức của chúng tôi thu thập những hài cốt này từ tất cả các lò hỏa táng và thực hiện các nghi lễ cuối cùng ở Haridwar, để họ có thể đạt được sự cứu rỗi", Kashyap, 28 tuổi, một thành viên trong nhóm tình nguyện cho biết.

Một nhóm tình nguyên đã thu nhận những tro cốt này để sau đó thực hiện những phong tục theo truyền thống
Một nhóm tình nguyên đã thu nhận những tro cốt này để sau đó thực hiện những phong tục theo truyền thống

Người Ấn Độ giáo tin rằng những nghi lễ trên sẽ giúp chết đạt được "Moksha", sự giải thoát hoặc được cứu rỗi khỏi vòng quay sinh tử luân hồi. Vijay Sharma, một thành viên khác của nhóm thiện nguyện cho biết họ đã thực hiện các nghi lễ này trong gần hai thập kỷ cho những người chết không có thân nhân hoặc những gia cảnh quá nghèo để thực hiện việc cầu siêu thoát. Năm ngoái, họ đã thu thập tro cốt của 3.700 người chết và bây giờ con số này dự kiến ​​sẽ gấp vài lần con số đó.

Trọng Trí (Theo Reuters, Hindustantimes)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI