Ấn Độ rộ làn sóng bài trừ vắc-xin mặc số người chết vì COVID-19 tiếp tục gia tăng

14/05/2021 - 15:25

PNO - Tính đến sáng ngày 14/5, Ấn Độ đã ghi nhận 343.144 trường hợp nhiễm COVID-19 mới và hơn 4.000 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hon 4.000 trường hợp tử vong.

Con số trên nâng tổng ca nhiễm COVID-19 tích lũy của quốc gia lên hơn 24 triệu, với hơn 260.000 ca tử vong. Khoảng 49,79% các ca nhiễm mới được báo cáo từ 5 bang: Maharashtra, Kerala, Karnataka, Tamil Nadu và Andhra Pradesh. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ tính đến sáng 14/5, số liều vắc-xin COVID-19 đạt 179.298.584 mũi tiêm.

Nhưng trong khi đó, niềm tin sai lầm về các phương thuốc “truyền thống”, những câu chuyện kinh hoàng về tác dụng phụ của vắc-xin,… ngày càng lan rộng, được thúc đẩy bởi sự đau khổ, tuyệt vọng và không tin tưởng vào chính phủ. Những tin đồn và trò lừa bịp đang lan truyền nhanh qua lời truyền miệng và trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Ấn Độ, làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân đạo của đất nước.

Một tin nhắn cho rằng đại dịch COVID-19 không tồn tại và đây chỉ là một vi khuẩn bình thường được lưu hành trên ứng dụng WhatsApp của một chiếc điện thoại ở Dharmsala
Tin nhắn cho rằng đại dịch COVID-19 không tồn tại và đây chỉ là một vi khuẩn bình thường, được lưu hành trên ứng dụng WhatsApp ở Dharmsala

Rahul Namboori, người đồng sáng lập Fact Crescendo, một tổ chức kiểm tra thực tế độc lập ở Ấn Độ, cho biết: “Sự hoảng loạn lan rộng đã dẫn đến rất nhiều thông tin sai lệch”.

Chẳng hạn trong một đoạn video trên WhatsApp, một người đàn ông mặc trang phục tôn giáo truyền thống cho biết anh ta đã thử và thành công: Nhỏ vài giọt nước chanh vào mũi giúp chữa khỏi COVID-19.

Người này nói: “Nếu bạn thực hành những gì tôi nói với niềm tin, bạn sẽ không còn lo sợ virus trong 5 giây nữa. Một quả chanh sẽ bảo vệ bạn khỏi virus giống như vắc-xin vậy”.

Mặc dù các phương pháp điều trị như nước chanh nghe có vẻ vô hại, nhưng những tuyên bố như vậy có thể gây ra hậu quả chết người nếu chúng khiến mọi người bỏ qua việc tiêm chủng hoặc bỏ qua các hướng dẫn y tế khác.

Chanh và ớt, được cho là có tác dụng xua đuổi ma quỷ được treo bên ngoài một cửa hàng ở Jammu, Ấn Độ.
Chanh và ớt, được cho là có tác dụng xua đuổi ma quỷ được treo bên ngoài một cửa hàng ở Jammu, Ấn Độ

Vào tháng Giêng, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng Ấn Độ đã “cứu nhân loại khỏi một thảm họa lớn bằng cách kiểm soát COVID-19 một cách hiệu quả.” Cuộc sống bắt đầu trở lại và việc tham dự các trận đấu cricket, các cuộc hành hương tôn giáo và các cuộc vận động chính trị ngày càng trở nên sôi nổi.

Bốn tháng sau, các ca bệnh và ca tử vong bùng nổ, việc triển khai vắc-xin của đất nước bị đình trệ và sự tức giận, ngờ vực của công chúng ngày càng tăng.

Sumitra Badrinathan, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết: “Tất cả những tuyên truyền, thông tin sai lệch và thuyết âm mưu mà tôi thấy trong vài tuần qua đều mang tính chính trị”.

Sự không tin tưởng vào vắc-xin và chăm sóc sức khỏe của phương Tây cũng đang dẫn đến những thông tin sai lệch về các phương pháp điều trị giả mạo, cũng như niềm tin mù quáng vào những tuyên bố về các phương pháp điều trị truyền thống.

Satyanarayan Prasad đã xem video về nước chanh và tin vào điều đó. Cư dân 51 tuổi tại bang Uttar Pradesh không tin tưởng vào y học hiện đại và có một lý thuyết khá điên rồ về lý do tại sao các chuyên gia y tế của đất nước tìm cách thúc giục mọi người tiêm vắc-xin.

Prasad nói: “Nếu chính phủ phê duyệt nước chanh như một biện pháp chữa trị, thì số tiền mà họ đã chi cho vắc-xin sẽ bị lãng phí”.

Một người Hồi giáo Ấn Độ đeo khẩu trang để đề phòng virus được bôi thuốc mỡ đen Surma vào mắt trước khi cầu nguyện vào thứ Sáu tuần trước trong tháng Ramadan tại Nhà thờ Hồi giáo Mecca ở Hyderabad, Ấn Độ.
Một người Hồi giáo Ấn Độ đeo khẩu trang để đề phòng virus được bôi thuốc mỡ đen Surma vào mắt trước khi cầu nguyện trong tháng Ramadan tại Nhà thờ Hồi giáo Mecca ở Hyderabad

Tuyên bố sai về nước chanh cũng đang lan truyền qua cộng đồng người Ấn Độ tại nước ngoài.

Emma Sachdev, một cư dân tại bang New Jersey (Mỹ) có nhiều người thân trong gia đình sống ở Ấn Độ cho biết: “Họ nghĩ rằng việc uống nước chanh mỗi ngày sẽ giúp bạn không bị ảnh hưởng bởi virus”.

Sachdev cho biết, một số người thân của cô đã bị nhiễm bệnh nhưng vẫn tiếp tục tuân theo các “phương thuốc” trên mạng xã hội, và nghĩ rằng những chuyến viếng thăm đền thờ sẽ giúp họ an toàn.

Ấn Độ cũng đang trải qua làn sóng của những loại thông tin sai lệch về vắc-xin và các phản ứng phụ của vắc xin, tương tự những gì xảy ra trên khắp thế giới.

Tháng trước, nam diễn viên nổi tiếng Vivek tại Tamil đã qua đời hai ngày sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Bệnh viện nơi anh qua đời cho biết Vivek bị bệnh tim nặng, nhưng cái chết của anh đã bị những kẻ bài trừ vắc-xin sử dụng như một bằng chứng cho thấy chính phủ tìm cách che giấu tác dụng phụ.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang để đề phòng virus coronavirus nói chuyện trên điện thoại di động khi chờ được xét nghiệm COVID-19 ở Jammu
Một người phụ nữ đeo khẩu trang để đề phòng virus nói chuyện trên điện thoại di động khi chờ được xét nghiệm COVID-19 ở Jammu

Phần lớn thông tin sai lệch lan truyền trên WhatsApp, ứng dụng có hơn 400 triệu người dùng ở Ấn Độ. Không giống như các trang web mở hơn như Facebook hay Twitter, WhatsApp - thuộc sở hữu của Facebook - là một nền tảng được mã hóa cho phép người dùng trao đổi tin nhắn một cách riêng tư.

Những tin tức giả lan truyền trực tuyến từng gây chết người vào năm 2018, khi ít nhất 20 người thiệt mạng do bị đám đông kích động tấn công, sau các bài đăng về băng nhóm được cho là bắt cóc trẻ em.

WhatsApp cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang làm mọi cách để hạn chế nội dung gây hiểu lầm hoặc nguy hiểm, kết hợp cùng với các cơ quan y tế công cộng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức kiểm tra thực tế. Nền tảng cũng đã bổ sung các biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế sự lan truyền của các thông điệp chuỗi và hướng người dùng đến thông tin trực tuyến chính xác.

Dịch vụ này cũng đang giúp người dùng ở Ấn Độ và các quốc gia khác sử dụng dịch vụ của họ để tìm kiếm thông tin về tiêm chủng dễ dàng hơn.

Linh La (theo AP, India Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI