Ấn Độ phóng thành công vệ tinh lên mặt trời

02/09/2023 - 20:03

PNO - Sau thành công từ cuộc đổ bộ lên mặt trăng, ngày 2/9, cơ quan vũ trụ của Ấn Độ tiếp tục phóng thêm 1 tên lửa lên không gian với sứ mệnh nghiên cứu mặt trời.

Tên lửa PSLV-C57 của Ấn Độ phóng to mang theo tàu vũ trụ Aditya-L1 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, - Ảnh: Stringer /Reuters
Tên lửa PSLV-C57 được phóng lên hôm 2/9 mang theo tàu vũ trụ Aditya-L1 với sứ mệnh nghiên cứu mặt trời - Ảnh: Stringer /Reuters

“Vệ tinh đã được phóng lên thành công và hiện đã đi vào quỹ đạo” - Cơ quan vũ trụ Ấn Độ cho biết trong 1 chương trình truyền hình trực tiếp phát sóng cách đây ít giờ.

Buổi phát sóng thu hút sự quan tâm của hơn 860.000 khán giả theo dõi qua các nền tảng trực tuyến. Hàng ngàn người cũng đã tập trung tại 1 địa điểm gần khu vực diễn ra sự kiện để chứng kiến việc phóng tàu thăm dò có mục đích nghiên cứu hiện tượng cực quang - thường xuất hiện sau khi xảy ra sự phun trào ánh sáng của mặt trời.

Tàu vũ trụ Aditya-L1 (có nghĩa là Mặt trời trong tiếng Hindu) đã cất cánh chỉ một tuần sau khi Ấn Độ vượt mặt Nga để trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng.

Thủ tướng Narendra Modi được cho là đang thúc đẩy các sứ mệnh không gian của Ấn Độ. Đây là lĩnh vực vốn do Mỹ và Trung Quốc thống trị từ lâu nay. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết, đây là “bước tiến vĩ mô” nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Thủ tướng Modi.

Vệ tinh Aditya-L1 được thiết kế đặc biệt để có thể di chuyển 1,5 triệu km trong suốt 4 tháng trong quỹ đạo cách xa trái đất 150 triệu km.

Học sinh Ấn Độ bên cạnh mô hình tàu vũ trụ Aditya-L1 - Ảnh: Amit Dave/Reuters
Học sinh Ấn Độ bên cạnh mô hình tàu vũ trụ Aditya-L1 - Ảnh: Amit Dave/Reuters

Ông Sankar Subramanian - trưởng nhóm thực hiện sứ mệnh - cho biết, hoạt động nghiên cứu sẽ giúp Ấn Độ có 1 bộ dữ liệu duy nhất về mặt trời mà các sứ mệnh trước đây chưa thể thu thập được.

Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm hiểu thêm về tác động của bức xạ mặt trời lên hàng ngàn vệ tinh trên quỹ đạo. Con số này ngày càng tăng thêm nhờ sự thành công của các dự án mạo hiểm như mạng truyền thông Starlink thuộc dự án SpaceX do tỉ phú Elon Musk sở hữu.

Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, về lâu dài, dữ liệu từ sứ mệnh này có thể giúp con người hiểu rõ hơn về tác động của mặt trời đối với các loại hình khí hậu trên trái đất, nguồn gốc của gió mặt trời và các vấn đề khác liên quan đến hệ mặt trời.

Toàn cảnh tàu vũ trụ Aditya-L1 được phóng lên vệ tinh hôm 2/9 - Video: Zeebiz

Được biết, Ấn Độ có chiến lược tư nhân hóa các hoạt động phóng vệ tinh vào không gian, đồng thời đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của Thủ tướng Modi là tăng gấp 5 lần thị phần của Ấn Độ đối với thị trường phóng vệ tinh toàn cầu trong vòng 1 thập kỷ tới.

Nguyễn Thuận (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI