Laali ở nhà một mình khi cô nhận ra chân mình ướt đẫm máu. Máu không ngừng chảy trong tám giờ. Khi bất tỉnh, cô nghĩ rằng mình sẽ chết cùng với thai nhi mà cô đang mất dần trong bụng.
Cô gái 25 tuổi đã mang thai được 3 tháng và khi giới tính đứa bé được xác định, cô cảm thấy như sụp đổ. “Khi tôi biết đó là một bé gái, tôi bắt đầu cảm thấy như bị nghẹt thở”, Laali nói.
Thế là một viên thuốc phá thai được đưa vào miệng Laali mà không có sự giám sát của bác sĩ, và các biến chứng sau đó khiến cô phải nhập viện. Vào đêm được ra viện, Laali đã khóc đến mất ngủ, để rồi vào buổi sáng hôm sau, cô phải quay trở lại công việc đồng áng như bình thường.
Con gái chưa sinh của Laali nằm trong số 46 triệu "trẻ em gái bị giết từ trong bụng mẹ" được ước tính ở Ấn Độ trong khoảng thời gian 50 năm. Theo tờ Guardian, sự lệch lạc về giới ngày càng sâu sắc cũng như các vụ phá thai chọn lọc giới tính và sát hại phụ nữ, đã khiến Ấn Độ chiếm gần một nửa số trẻ em gái chết trên toàn cầu.
|
Của hồi môn và chi phí nuôi dạy con gái thường được coi là gánh nặng ở Ấn Độ, nơi tình trạng phá thai chọn lọc giới tính diễn ra phổ biến |
Prem Chowdhry, một nhà hoạt động giới và là giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Delhi, cho biết: “Hình thức hôn nhân và phong tục truyền thống Ấn Độ dẫn đến vị thế phụ nữ thấp kém trong xã hội, vì thế việc phá thai chọn lọc giới tính là phổ biến".
Xác định giới tính trước khi sinh đã được Ấn Độ hình sự hóa vào năm 1994, nhưng nó vẫn diễn ra rộng rãi, nhất là ở các vùng nông thôn.
Được bao quanh bởi những cánh đồng mía bạt ngàn, ngôi làng mà Laali ở cách Delhi 40km. Các nhà hoạt động y tế xã hội hỗ trợ phụ nữ ở đây ước tính rằng cứ 3 nhà thì có 1 nhà có người phá thai vì giới tính.
“Các gia đình muốn có con trai bằng mọi giá. Với bất kỳ chi phí nào!. Nếu tôi chết, chồng tôi sẽ tái hôn vào sáng mai, hy vọng người phụ nữ tiếp theo sẽ sinh được một đứa con trai", Laali nói.
Laali kết hôn năm 19 tuổi trong cuộc hôn nhân được sắp đặt với một người nông dân. Trong 3 năm tiếp theo, cô sinh 2 cô con gái. Cô kể, trong lần mang thai thứ 2, cô thường xuyên bị các thầy lang "làm thuốc, làm phép" để sinh bé trai.
Khi 2 cô con gái chào đời, không có ai trong gia đình đến thăm ở bệnh viện. Trở về nhà còn tệ hơn. “Mẹ chồng tôi không chịu nhìn mặt cháu gái”, Laali kể: “Bà ấy từ chối chăm sóc tôi, nói rằng: Mày sinh hết đứa con gái này đến đứa khác. Tao có thể chăm sóc mày sao?”.
Mỗi tối, khi cô ngồi ăn tối sau một ngày lao động ngoài đồng, sẽ có người châm chọc. “Khi ai đó sinh được con trai trong làng, đó là một cơn ác mộng đối với tôi. Gia đình tôi sẽ chửi, nói nặng tôi vô dụng, không sinh được con trai".
|
Một chiến dịch quảng cáo ở Delhi khuyến khích các bậc cha mẹ đón nhận việc sinh con gái nhưng phần lớn thực tế không phải vậy - Ảnh: AFP |
Theo một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ đã ca ngợi, lần đầu tiên Ấn Độ có nhiều phụ nữ hơn nam giới. Tuy nhiên, các nhà hoạt động giới và các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ dữ liệu này. Sabu George, một nhà nghiên cứu và nhà hoạt động có trụ sở tại Delhi, cho biết: “Mục tiêu chính của cuộc khảo sát là xem xét dữ liệu về sức khỏe sinh sản và các chỉ số phúc lợi gia đình chứ không phải về tỷ số giới tính dân số".
Tiến sĩ Prabhat Jha của Đại học Toronto, đồng ý: “Bộ phận Dân số Liên Hợp Quốc, cơ quan nhân khẩu học thì ước tính số lượng đàn ông dư thừa ở Ấn Độ đang tăng lên".
Một nghiên cứu năm 2021 của Lancet, do Jha đồng tác giả, tuyên bố rằng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn, với tỷ lệ sinh con gái bị "bức tử từ trong bụng mẹ" tăng từ 3,5 triệu trong năm 1987-1996 lên 5,5 triệu trong năm 2007-2016.
Vào tháng 8, một phụ nữ 40 tuổi thuộc một gia đình thượng lưu giàu có ở Mumbai cho biết cô đã bị buộc phải phá thai 8 lần để thỏa mãn mong muốn có con trai của gia đình. Cô đã được tiêm hơn 1.500 liều nội tiết tố và steroid trước khi nộp đơn tố cáo với cảnh sát. Năm ngoái, ở Karnataka, miền Nam Ấn Độ, một phụ nữ 28 tuổi đã chết sau những biến chứng trong lần bị ép phá thai thứ 3.
Với Laali thì sự quấy rối không dứt đã khiến cô phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý và đang điều trị bằng thuốc. Sau 2 lần phá thai và 1 lần phẫu thuật, các bác sĩ đều khuyên cô không nên mang thai lần nữa. “Tử cung của tôi đã yếu đi và cơ thể tôi không thể sinh thêm đứa trẻ nào nữa”, cô nói.
Sự can thiệp của gia đình có thể gây ra căng thẳng rất lớn cho phụ nữ. Bhavna Joshi, 39 tuổi, ở Rajasthan, đã mang thai 8 lần trong 11 năm kết hôn và cảm thấy quá đau đớn khi nói về điều đó. Cô kể không thể đếm xuể những lần bị đưa đến thầy lang để làm bùa hy vọng sinh con trai, cô đã phá thai 3 lần và mất 2 đứa trẻ khi còn nhỏ. Mọi chuyện chỉ dừng lại cho đến khi cuối cùng cô sinh được 1 cậu con trai, hiện đã 5 tuổi.
Sau 2 lần phá thai, Laali cũng mong muốn có 1 bé trai. “Tôi muốn chuyện này kết thúc. Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi điều tồi tệ này", cô nói.
Nghiên cứu của Lancet cho thấy, hiện có nhiều gia đình ở Ấn Độ phá thai ở lần mang thai thứ 3. “Các gia đình để tự nhiên quyết định 2 lần, nhưng sau đó - lần thứ 3 - họ chắc chắn rằng đó là 1 bé trai”, Jha nói. “Bạo lực đối với phụ nữ là một nét văn hóa ở Ấn Độ".
Sau khi có 2 con gái, Meenakshi, 36 tuổi, được chồng đưa đi kiểm tra giới tính trước sinh khi mang thai lần thứ 3. “Khu vực này hoàn toàn vắng vẻ và khuất nẻo. Tôi đã hoảng sợ. Đó không phải là một phòng khám bình thường", cô kể.
Meenakshi, hiện đang mang thai 7 tháng, không được thông báo trực tiếp về kết quả. “Chồng tôi và mẹ anh ấy trông rất hạnh phúc nên tôi hiểu rằng đó sẽ là 1 bé trai”, cô nói. "Nếu không, họ đã giết nó trước khi sinh ra".
Trong xã hội gia trưởng sâu sắc của Ấn Độ, quyền sinh sản và tình dục đầy đủ của phụ nữ vẫn là một giấc mơ xa vời. Những người phụ nữ như Meenakshi, Laali đang đấu tranh để được chấp nhận trong gia đình. Cha mẹ của Meenakshi đã nuôi nấng cô để mong được tự do sau khi kết hôn. "Nhưng mọi thứ còn tồi tệ hơn", cô thổn thức nói.
Đối với Laali, bị quấy rối, lạm dụng bằng lời nói là một phần trong cuộc sống hàng ngày của cô. Khi cô 15 tuổi, mẹ cô đã phá thai 2 lần và em gái cô cũng đã phá thai ít nhất 3 lần.
Cả Laali và Meenakshi đều bị cô lập trong xã hội, không có sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Nói về những trải nghiệm của mình, họ đều khóc. Laali và Meenakshi cũng vô cùng lo lắng rằng họ sẽ không thể bảo vệ con gái mình khỏi những tổn thương tương tự, nhưng hiện tại các cô gái hầu như không biết gì.
Meenakshi kể cô chua xót khi con gái lớn nhảy cẫng lên vì sung sướng khi nhìn thấy một chiếc máy bay lướt qua trên bầu trời. “Con bé muốn trở thành một phi công. Khi tôi khóc, con bé nói với tôi: 'Mẹ ơi, mọi chuyện sẽ tốt hơn thôi, và một ngày nào đó chúng ta sẽ bay cùng nhau, trên chiếc máy bay mà con sẽ lái...", , Meenakshi vừa nói, vừa lau nước mắt.
Thảo Nguyễn (theo Guardian)