Ấn Độ: Nghèo đói, sợ hãi và sự thiếu thốn các nguồn lực y tế đang đẩy nhiều người đến cái chết vì COVID-19

27/05/2021 - 13:46

PNO - Vì nghèo đói và sợ hãi, nhiều người dân ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ không muốn làm xét nghiệm COVID-19 hoặc không đến các bệnh viện lớn để điều trị khi đã nhiễm bệnh. Thêm vào đó, sự yếu kém của hệ thống y tế địa phương đã đẩy nhiều người đến cái chết.

Đêm 23/5, Pramila Devi - một bà mẹ ba con 36 tuổi ở một ngôi làng miền núi thuộc bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ - đã qua đời, chỉ một ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Thi thể của cô được khâm liệm và đặt trên một chiếc giá đỡ thô sơ, dựa vào một tảng đá bên bờ sông Hằng. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở làng Pitha, Bắc Uttarakhand, Ấn Độ
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở làng Pitha, bắc Uttarakhand, Ấn Độ

Theo Reuters, cái chết của Devi là một dấu hiệu cho thấy sự nghèo đói, nỗi lo sợ và tình trạng thiếu thốn ở các cơ sở y tế địa phương đang làm cho số ca tử vong do COVID-19 tăng nhanh ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ. Ở đây, rất nhiều người đang tìm cách trốn xét nghiệm vì sợ có kết quả dương tính và bị buộc phải vào các bệnh viện xa nhà.

Theo số liệu của chính phủ liên bang Ấn Độ vào ngày 26/5, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này là 27,16 triệu với 311.388 ca tử vong. Tuy nhiên, một số chuyên gia ước tính rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều, một phần là do tỷ lệ những người đã làm xét nghiệm ở vùng sâu vùng xa của Ấn Độ khá thấp, trong khi số ca nhiễm COVID-19 mới ở đây lại đang tăng rất nhanh.

Con gái lớn của Devi đã kết hôn và chuyển đến sống ở nơi khác vào cuối tháng 4, sau khi gia đình cô tổ chức một lễ cưới với hơn 20 người tham dự, chồng của Devi - Suresh Kumar, 43 tuổi - cho Reuters biết.

Hai tuần sau đó, Devi bị tiêu chảy. Nhưng phải đến 10 ngày sau, chồng cô là Kumar - hiện không có thu nhập và sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của những người xung quanh - mới đưa vợ đến một trạm y tế gần đó, nơi đã được chuyển thành một cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nhỏ chỉ có 4 giường. Aishwary Anand - bác sĩ duy nhất ở cơ sở này - cho biết trạm y tế chỉ được trang bị một bình oxy và một máy tạo oxy.

Devi được đưa đến bệnh viện nhưng quá muộn
Devi được đưa đến trạm y tế nhưng đã quá muộn

Kết quả xét nghiệm cho thấy Devi dương tính với COVID-19 và có nồng độ oxy trong máu rất thấp. Bác sĩ Anand khuyên Kumar nên đưa vợ đến một bệnh viện lớn hơn, nhưng vì không có tiền, anh đành phải đưa vợ về nhà, nơi 2 đứa con khác của họ - một bé trai 16 tuổi và một bé gái 10 tuổi - đang ngóng cha mẹ về.

Ngày hôm sau, một người cháu trai của Devi chở cô quay lại trạm y tế. Khi đó, một bệnh nhân khác đang sử dụng bình oxy, còn máy tạo oxy không hoạt động do mất điện. “Chúng tôi cần nguồn điện”, bác sĩ Anand đã gọi điện thoại cầu cứu một nhân viên thuộc cơ quan quản lý điện ở địa phương. Cuối cùng nguồn điện cũng được phục hồi, Devi được thở oxy và đủ khỏe để trở về nhà. Nhưng ngay sau đó, cô cảm thấy mệt trở lại và gia đình gọi xe cấp cứu để đưa cô quay lại trạm y tế. Tuy nhiên, Devi đã mất trên đường đi.

“Tôi vẫn chưa báo cho con gái lớn về cái chết của mẹ nó", Kumar đau khổ nói khi ngồi gục bên bờ sông Hằng.

Tính đến ngày 25/5, bang Uttarakhand - nơi có chung biên giới với Trung Quốc và Nepal - đã ghi nhận 45.568 trường hợp nhiễm COVID-19 với 6.020 ca tử vong. Gần đây, thành phố Haridwar thuộc bang này đã tổ chức những đợt tụ tập để ăn mừng lễ hội Kumbh Mela kéo dài mấy tuần liền. Tại những lễ hội này, ​​hàng trăm ngàn tín đồ Hindu giáo đã bôi tro và chen lấn nhau để được ngâm mình dưới sông Hằng - con sông được xem là chốn linh thiêng ở Ấn Độ.

Một số chuyên gia lo ngại rằng sự kiện tôn giáo nói trên đã làm cho số ca nhiễm COVID-19 mới ở Ấn Độ tăng mạnh, cả ở những thành phố đông đúc lẫn các vùng khác của Ấn Độ khi những người sùng đạo trở về nhà sau đợt hành hương.

Ở Pauri Garhwal - một huyện phía đông của Haridwar, nơi gia đình Devi sinh sống - đã có 5.155 trường hợp nhiễm COVID-19 và 241 ca tử vong. Thế nhưng, một số người dân địa phương và các bác sĩ cho biết, nhiều người trong huyện có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 đã từ chối đi xét nghiệm hoặc chỉ làm xét nghiệm khi đã quá muộn.

“Chúng tôi đã phát động các chiến dịch trên đài phát thanh và báo chí để truyền thông các kiến thức COVID-19 và khuyến khích người dân làm xét nghiệm. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chúng tôi, nhiều người dân ở các vùng nông thôn vẫn không muốn làm xét nghiệm”, Manoj Kumar Sharma - một quan chức y tế hàng đầu của Pauri Garhwal - cho biết.

Nhất Nguyên (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI