Ấn Độ "kết liễu" nạn đẻ thuê

13/09/2016 - 10:12

PNO - Mang thai hộ là nhu cầu có thật trong cuộc sống nhưng thương mại hóa việc đẻ thuê lại là một bước đi vô cùng phức tạp, không chỉ ở góc độ pháp lý mà còn ảnh hưởng đến tình mẫu tử.

Là một trong số hiếm các quốc gia “mở cửa” cho ngành công nghiệp đẻ thuê với chi phí cạnh tranh, nhiều năm qua Ấn Độ đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai có nhu cầu thuê người sinh giúp một đứa trẻ. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, ngành “dịch vụ” này đã dần mất kiểm soát, gây ra nhiều bi kịch cho phụ nữ Ấn Độ. Đó là nguyên nhân buộc chính phủ Ấn Độ vừa ra một dự luật cấm tất cả hoạt động đẻ thuê vì mục đích thương mại.

Theo giới phân tích, dự luật sẽ sớm được thông qua để tái lập ổn định xã hội. Theo dự luật này, chỉ người thân trong gia đình mới được phép mang thai hộ. Những trường hợp không có hộ chiếu Ấn Độ, bố mẹ đơn thân và người đồng tính bị cấm có con bằng phương pháp này. Theo các nhà làm luật, một đứa bé sinh ra cần được sống trong vòng tay bố mẹ chứ không phải chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu có con của bất cứ ai. Án phạt đối với người phạm tội là ít nhất 5 năm tù và mức phạt tiền lên đến 15.000 USD. Dư luật hiện đang gây tranh cãi. T

hời gian qua, đẻ thuê đã trở thành ngành công nghiệp trị giá đến 2,3 tỷ USD, mỗi năm cho ra đời hàng ngàn đứa trẻ ở Ấn Độ; trong đó khoảng 50% là ra đời theo “đơn đặt hàng” từ những cặp đôi phương Tây. Ngành đẻ thuê ở Ấn Độ phát triển rầm rộ vì chi phí “mềm” hơn so với Gruzia, Nga, Ukraine và một số tiểu bang của Mỹ. Mọi hoạt động chỉ thông qua hướng dẫn từ Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), quy định phụ nữ không được đẻ thuê nếu chưa có con riêng và chỉ được đẻ thuê một lần.

An Do
Với nhiều phụ nữ, đẻ thuê là để thoát nghèo - Ảnh: India Express

Đẻ thuê mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp không ít phụ nữ đổi đời. Tuy nhiên, những kẻ môi giới cũng đã lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều phụ nữ để chèn ép, ăn chặn và đẩy họ vào tình trạng vô cùng rủi ro. Chi phí trung bình cho một “giao kèo” đẻ thuê là từ 25.000-30.000 USD nhưng người đẻ thuê chỉ nhận được 7.000 USD - tương đương với số tiền có được từ việc làm thuê khoảng sáu-bảy năm. Những tay cò mồi nhận số tiền còn lại với mục đích chi trả cho dịch vụ thăm khám sức khỏe sản phụ và thai nhi.

Thực tế, trong các hợp đồng đẻ thuê, người mẹ phải cam kết bất chấp tình trạng nguy kịch thế nào, cũng phải chấp nhận duy trì mạng sống cho đến khi đứa trẻ chào đời. Chưa hết, họ phải gánh chịu mọi rủi ro về tâm lý, y tế mà không được “làm phiền” những người thuê mình cũng như bác sĩ hay bất cứ ai khác. Premila Vaghela (30 tuổi), một phụ nữ nghèo ở Ahmedabad, bang Gujarat đã qua đời sau khi hoàn thành hợp đồng, cho ra đời em bé chỉ mới tám tháng của một cặp đôi người Mỹ.

Premila qua đời trong lúc chờ khám thai. Cảnh sát kết luận cái chết là do rủi ro sinh nở nhưng sự thật là do Premila (một bà mẹ hai con sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn) đã không nhận được những dịch vụ y tế lẽ ra phải có. Sau khi Premila qua đời, người ta nhanh chóng quên lãng cô vì theo hợp đồng, họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Ở Ahmedabad, một trong những trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ đẻ thuê, bệnh viện không khác gì nhà tạm cư với cơ sở vật chất thiếu thốn, không gian ẩm thấp khiến bất cứ ai bước vào cũng rùng mình. Mặt tối của vấn đề đẻ thuê không chỉ ở điều kiện chăm sóc y tế dành cho người mẹ. Vì không được quản lý chặt nên có những trường hợp khách hàng không chịu nhận con. Năm 2012, một cặp vợ chồng người Australia đã để lại một trong hai đứa trẻ song sinh cho người đẻ thuê Ấn Độ vì không đủ khả năng nuôi hai bé cùng lúc.

Nhiều phụ nữ chọn đẻ thuê như giải pháp thoát nghèo, để rồi có khi chính họ phải nhận lãnh hậu quả của nó. Thái Lan từng là thiên đường đẻ thuê nhưng năm 2015, nước này đã có luật cấm loại hình này với người thuê nước ngoài, đồng thời siết chặt đối tượng cần hỗ trợ sử dụng dịch vụ.

Theo đó, Thái Lan chỉ cho hoạt động đẻ thuê diễn ra khi các cặp chứng minh không thể có con và cũng không có họ hàng, người thân giúp đỡ. Trên thế giới, các nước cũng có những quy định khác nhau đối với đẻ thuê. Cụ thể chia làm bốn nhóm: nhóm nước chưa có quy định, nhóm nước phản đối, nhóm nước cho phép vì mục đích nhân đạo và nhóm các nước chấp thuận thương mại hóa.

Tại một số quốc gia có nền y tế và pháp luật tiến bộ như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp hay Đức, việc mang thai hộ là bất hợp pháp và người vi phạm bị khép vào tội hình sự. Ở những nơi có luật thương mại hóa hoạt động đẻ thuê thì vẫn vấp phải nhiều tình huống ngoài ý muốn.

An Do
Chị Kelly và đứa bé mình dứt ruột đẻ ra - Ảnh: CNN

Năm 2011, chị Crystal Kelley (ở Mỹ) gặp khó khăn về tài chính và chấp nhận đẻ thuê để có 22.000 USD trang trải cuộc sống. Trong quá trình mang thai, kết quả siêu âm cho thấy đứa bé trong bụng Kelly có nhiều dị tật, sau khi chào đời sẽ không sống được lâu. Vì thế, bố mẹ pháp lý của đứa bé yêu cầu Kelly bỏ con và cho cô thêm 10.000 USD nhưng cô từ chối, vẫn sinh con rồi trốn đi nơi khác, cho đứa bé làm con nuôi.

Mang thai hộ là nhu cầu có thật trong cuộc sống nhưng thương mại hóa việc đẻ thuê lại là một bước đi vô cùng phức tạp, không chỉ ở góc độ pháp lý mà còn ảnh hưởng đến tình mẫu tử, sự gắn kết tự nhiên giữa người “mang nặng, đẻ đau” và đứa trẻ được chào đời.

Thiên Như 

(Theo India Express, Guardian, CNN, LA Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI