|
Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, ông Madan Mohan Sethi chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp công nghệ cao từ Ấn Độ và Việt Nam đến tham dự buổi giao lưu |
Với chủ đề “Đổi mới trong giáo dục: Đào tạo và hợp tác”, chương trình gặp gỡ Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục hân hạnh chào đón sự hiện diện của ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu Sương – quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở Khoa học & Công nghệ, đại diện Phòng Thương mại Ấn Độ, cùng hơn 40 lãnh đạo, chuyên gia từ các trường đại học, tổ chức giáo dục của Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Madan Mohan Sethi khẳng định Việt Nam và Ấn Độ đều có những mục tiêu phát triển lâu dài và có những điểm tương đồng, những thách thức cùng phải đối mặt như vấn đề xung đột thế giới, kinh tế thị trường toàn cầu bất ổn... Dù vậy, cả 2 quốc gia đều đang phát triển rất mạnh mẽ.
Đến với nhiều tỉnh thành của Việt Nam, ông Madan Mohan Sethi cảm nhận được rằng mỗi vùng đất đều có sự hấp dẫn riêng đối với du khách. Không chỉ vậy, Việt Nam và Ấn Độ còn chia sẻ những nét tương đồng văn hóa, chẳng hạn như Phật giáo. Theo ông, 2 nước có thể hợp tác thêm về văn hóa, giáo dục, kỹ thuật, công nghệ, ngân hàng...
Nhắc riêng về thế hệ trẻ tại Việt Nam, ngài Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM cho rằng các bạn sinh viên có nhiều ý tưởng và sáng kiến hay về đổi mới khoa học, công nghệ. Ông nhấn mạnh: “Giáo dục chính là nền tảng xây dựng nguồn nhân sự cho tương lai. Việc này sẽ giúp thế hệ mai sau phát triển hơn”.
|
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM - phát biểu mở đầu buổi giao lưu |
|
Bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - trình bày những thế mạnh của TPHCM trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao |
Về phía Việt Nam, bà Lê Thụy Mỵ Châu có đôi lời chia sẻ tổng quan về giáo dục đại học Việt Nam và cơ hội hợp tác với Ấn Độ. Bà cho biết, hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 57 cơ sở giáo dục đại học được sự quản lý thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Các cơ sở giáo dục đại học TPHCM đã và đang trở thành nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trọng yếu, không chỉ phục vụ riêng cho sự phát triển của TPHCM mà còn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh lân cận và cho sự phát triển chung của Việt Nam”, bà Mỵ Châu nói.
Nhìn chung, TPHCM là nơi thúc đẩy và chuyển giao công nghệ để đưa những thành tựu của khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, tình hình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TPHCM vẫn còn ở trong tình trạng “cung chưa đủ cầu”.
Trích dẫn nghiên cứu của PGS.TS Trần Thiện Phúc – Trường Đại học Bách khoa TPHCM - bà Nguyễn Thị Thu Sương cho biết chỉ khoảng 40 trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố có ngành đào tạo Công nghệ Thông tin – Truyền thông (CNTT - TT). Trong đó chỉ có 9 chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài phổ biến khác.
Trong khi đó, dữ liệu từ chuyên trang tuyển dụng TopDev dự báo TPHCM cần từ 80.000 – 108.000 nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ phần mềm trong giai đoạn 2022 – 2024. Sự chênh lệch này càng khẳng định nhu cầu hợp tác đào tạo từ phía Việt Nam với đối tác Ấn Độ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), vi mạch, robotics…
Bà Nguyễn Thị Thu Sương kết luận: “Các nội dung TPHCM đang triển khai rất phù hợp với kinh nghiệm đã triển khai và phát triển của Ấn Độ… Các bên có thể xem xét thiết lập các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, cùng nhau tổ chức các hội thảo, workshop chuyên sâu và các dự án nghiên cứu chung”.
Trong buổi trao đổi, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp từ Ấn Độ cũng chia sẻ thêm về thế mạnh và thành tựu đạt được về những chương trình đào tạo, hoạc động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao.
Tất cả đều bày tỏ mong muốn đẩy mạnh cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, phía Ấn Độ cũng thực hiện ký kết bản ghi nhớ hợp tác riêng với các tổ chức giáo dục Việt Nam tham dự chương trình.
|
Đại diện tổ chức giáo dục Ấn Độ ký kết bản ghi nhớ với Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ - PGS.TS Trần Trung Tính |
Tấn Vĩ