Ấn Độ hạn chế xuất khẩu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 khi số ca nhiễm tăng cao

06/04/2020 - 10:35

PNO - Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại thuốc, máy trợ thở, khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế cần thiết khác.

Mới đây, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu phần lớn các bộ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 khi số ca nhiễm tại đây tăng vọt lên 3.374 người, tính đến tối ngày 5/4. Trước đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Cụ thể, quốc gia Nam Á này đã cấm xuất khẩu một số loại thuốc, máy trợ thở, khẩu trang chống độc và các thiết bị bảo hộ cần thiết khác cho các bệnh nhân cùng đội ngũ nhân viên y tế, tuân theo chỉ thị mới nhất.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2

Đáng chú ý, động thái này được đưa ra ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa có cuộc điện đàm thảo luận về các biện pháp đối phó dịch COVID-19. Mỹ kêu gọi chính phủ Ấn Độ mở lại việc xuất khẩu hydroxychloroquine - loại thuốc phòng ngừa và điều trị sốt rét - đang được thử nghiệm như một phương pháp điều trị khả thi cho các bệnh nhân nhiễm virus corona.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng Judd Deere cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý giữ liên lạc, giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm các loại dược phẩm và vật tư y tế trong cuộc khủng hoảng sức khỏe. Đồng thời, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác song phương Hoa Kỳ - Ấn Độ nhằm đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả nhất.

Cũng trong chiều ngày 5/4, Ấn Độ báo cáo thêm 2 người dân sống tại khu ổ chuột Dharavi (một trong những khu ổ chuột lớn nhất thế giới) ở Mumbai dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 4. Các quan chức y tế nước này đang vô cùng lo ngại vì nếu dịch bùng phát tại đây sẽ trở thành một thảm họa.

Được biết khu ổ chuột Dharavi có hơn 1 triệu người sinh sống, mật độ dân số rất cao 280.000 người/km2, gấp 30 lần so với New York.

Khu ổ chuột Dharavi, Mumbai, Ấn Độ.
Khu ổ chuột Dharavi, Mumbai, Ấn Độ

Bên cạnh Ấn Độ, các quốc gia thuộc khu vực Nam Á khác như Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka và Bangladesh cũng liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao trong những ngày qua.

Tính đến ngày 5/4, Nam Á công bố gần 7.000 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Số liệu thống kê tương đối thấp so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ, tuy nhiên các chuyên gia y tế lo ngại sự bùng phát dịch COVID-19 tại đây khi hệ thống y tế công cộng của các quốc gia Nam Á vốn đã yếu.

Trong ngày 5/4, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã công bố gói kích thích trị giá 727,5 tỷ taka (tương đương 8,56 tỷ USD) giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trước đó, ngày 26/3, Ấn Độ cũng bơm gói kích thích 22,5 tỷ USD hỗ trợ hàng triệu hộ gia đình có thu nhập thấp đối phó với lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày.

Chung Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI