Ấn Độ điều tra nguyên nhân "bệnh lạ" khiến hơn 300 trẻ em nhập viện

08/12/2020 - 17:03

PNO - Ấn Độ đang tiến hành xem xét liệu organochlorines (hợp chất clo hữu cơ) có phải là nguyên nhân gây ra căn bệnh lạ, khiến hơn 300 người ở đông nam Ấn Độ phải nhập viện, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.

Quan chức Ấn Độ cho biết căn bệnh không rõ nguyên nhân đã khiến hơn 300 trẻ em mắc bệnh, hầu hết các em đều có các triệu chứng chóng mặt, ngất xỉu, đau đầu và nôn mửa. Tuy nhiên, toàn bộ nạn nhân đều thử nghiệm âm tính với COVID-19.

Nhà lập pháp liên bang Andhra Pradesh, Narasimha Rao, cho biết trên Twitter rằng ông đã nói chuyện với các chuyên gia y tế của chính phủ và “nguyên nhân rất có thể là do hợp chất clo hữu cơ độc hại”.

Ấn Độ điều tra nguyên nhân gây ra căn bệnh lạ khiến hơn 300 trẻ em nhập viện.
Ấn Độ điều tra nguyên nhân gây ra căn bệnh lạ khiến hơn 300 trẻ em nhập viện

Tương tự, Geeta Prasadini, Giám đốc y tế công cộng ở bang Andhra Pradesh, chia sẻ: “Organochlorines có khả năng cao gây nên sự việc và chúng tôi đang chờ báo cáo xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác nhất”.

Bà cho biết không có trường hợp nghiêm trọng mới nào được phát hiện trong 24 giờ qua. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất người đàn ông 45 tuổi đã chết vào cuối tuần qua vì căn bệnh lạ.

Organochlorines là chất bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều quốc gia, sau khi các nghiên cứu cho thấy có khả năng gây ra ung thư và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác. Tuy nhiên, hợp chất clo hữu cơ này vẫn tồn tại trong môi trường suốt nhiều năm qua và tích tụ trong mỡ động vật và cơ thể người.

Các cơ quan chức năng của Ấn Độ hiện chưa thông tin ngay lập tức về lý do các hóa chất độc hại làm cách nào được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ, mặc dù nó được tìm thấy trong DDT (chất diệt côn trùng) được áp dụng để tiêu diệt muỗi.

Tiếp xúc với thuốc trừ sâu clo hữu cơ trong một thời gian ngắn sẽ khiến con người bị co giật, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, run, yếu cơ, nói lắp, tiết nước bọt và mồ hôi…

Bắt đầu từ ngày 5/12, nhiều người dân tại bang Andhra Pradesh liên tục nhập viện không rõ nguyên nhân, cũng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc nhiễm virus, chẳng hạn như sốt xuất huyết hoặc sốt chikungunya.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI