Ấn Độ đau đầu xử lý "cơn sốt Reels" ở giới trẻ

19/03/2023 - 12:03

PNO - “Cơn sốt Reels” đang lan rộng ở Ấn Độ và nhiều người đã bất chấp nguy hiểm, kể cả tính mạng để thực hiện những video ngắn.

Một cô gái mặc áo ngắn và quần bò màu xám bắt đầu thực hiện một điệu nhảy trong toa tàu điện ngầm Mass Rapid Transit (MRT) đông đúc. Theo sau cô gái này có người quay phim cho cô, trong khi những người khác tỏ ra ngạc nhiên.

Trong một video khác, một cô gái trẻ đu người trên tay vịn và nhảy múa trên ghế ở khu vực trống của toa tàu điện ngầm. Thậm chí, cô gái này còn vẫy tay và hôn gió trước camera.

Thời gian gần đây, những đoạn video ngắn như thế này diễn ra ngày càng nhiều khiến Tập đoàn Đường sắt Delhi Metro (DMRC) đau đầu và buộc phải đưa ra quy định là cấm quay video cũng như bất kỳ hoạt động nào khác có thể làm phiền những hành khách khác. “Hãy là một hành khách, không phải là một sự bất tiện” - thông điệp của DMRC.

Anuj Dayal, phát ngôn viên của DMRC, bức xúc: “Tàu điện ngầm về cơ bản là để đi lại thoải mái và bình thường... Chúng tôi không muốn hành khách của mình gặp bất tiện bởi những hoạt động này".

“Cơn sốt Reels” này đang lan rộng ở Ấn Độ, nơi có gần một nửa dân số dưới 25 tuổi và hơn 750 triệu người sử dụng điện thoại thông minh.
“Cơn sốt Reels” này đang lan rộng ở Ấn Độ, nơi có gần một nửa dân số dưới 25 tuổi và hơn 750 triệu người sử dụng điện thoại thông minh

Việc giới trẻ đang chạy theo thực hiện những đoạn video ngắn để chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến các nhà chức trách ở nhiều nơi phải đau đầu. Hầu hết những người này thường chọn quay những địa điểm nổi tiếng và gây nên rủi ro không chỉ cho chính họ mà còn cho những người khác.

Gần đây tại Ghaziabad - một thành phố ở rìa Delhi - cảnh sát đã buộc phải lắp đặt 45 camera quan sát trên một đoạn đường cao tốc trên cao sau khi nó trở thành địa điểm được các nhà sản xuất video yêu thích. Họ thực hiện những pha nguy hiểm liều lĩnh trên xe máy và ô tô, khiêu vũ bên cạnh những phương tiện đậu bên lề đường và thậm chí là tổ chức sinh nhật dọc đường cao tốc...

Theo cảnh sát, khả năng gây tai nạn tăng lên khi những người lái xe dừng xe hoặc giảm tốc độ đột ngột để xem những trường hợp quay phim như vậy.

Hồi tháng 1 vừa qua, cảnh sát Ghaziabad đã bắt giữ hơn 40 người vì quay video hoặc tổ chức ăn mừng trên nhiều tuyến đường khác nhau, đồng thời phạt hơn 95 người vi phạm khác.

Tiến sĩ Janarthanan Balakrishnan, trợ lý giáo sư tại Viện Công nghệ Quốc gia ở Tiruchirappalli, nói rằng hành vi này được thúc đẩy bởi mong muốn thu hút lượng người xem và lượt thích trực tuyến nhiều hơn. Các lý do khác có thể là áp lực từ bạn bè hoặc mong muốn bắt chước các video tương tự nhằm thu hút sự chú ý. “Về cơ bản, nó bắt nguồn từ chứng tự ái và tìm kiếm sự chú ý" - tiến sĩ Balakrishnan, cho biết thêm.

Tuy nhiên, đôi khi việc sản xuất những video hay selfie (chụp ảnh "tự sướng") có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đầu tháng 3, một phụ nữ 31 tuổi đã chết ở Pune sau khi bị một chiếc mô tô đâm khi tài xế vì mải mê quay clip. Một người đàn ông 27 tuổi khác đã bị một con voi hoang dã ở quận Krishnagiri của Tamil Nadu giẫm chết hồi tuần này khi anh ta cố gắng chụp ảnh với chiếc xe khổng lồ.

Một trường hợp tử vong do chụp ảnh selfie tồi tệ nhất là vụ sét đánh đã giết chết 16 người vào tháng 7/2021 ở Jaipur khi họ đang chụp ảnh tự sướng dưới mưa trên đỉnh tháp canh ở pháo đài Amer thế kỷ 12...

Hiện tại Ấn Độ, có nhiều địa điểm nổi tiếng nhưng đã để bảng “khu vực cấm chụp ảnh tự sướng”. Điển hình như một quận ở Gujarat, đã cấm chụp ảnh selfie tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng của quận, bao gồm cả thác nước Gira từ năm 2021, mặc dù bị chỉ trích nhưng đến nay lệnh cấm vẫn được áp dụng.

Trọng Trí (theo Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI