Ấn Độ có thể sản xuất 3,5 tỷ liều vắc-xin COVID-19 trong năm nay

18/02/2021 - 16:26

PNO - Theo hãng tư vấn Deloitte, Ấn Độ có thể trở thành nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 quan trọng, lớn thứ hai thế giới và chỉ đứng sau Mỹ. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, quốc gia Nam Á này đã là nhà cung cấp 60% vắc-xin của thế giới với giá tương đối thấp.

Công ty tư vấn Deloitte dự đoán Ấn Độ sẽ chỉ đứng sau Mỹ về sản lượng vắc-xin COVID-19 trong năm nay. PS Easwaran, một đối tác của Deloitte Ấn Độ, cho biết hơn 3,5 tỷ liều vắc-xin COVID-19 có thể được sản xuất tại nước này vào năm 2021, so với khoảng 4 tỷ liều ở Mỹ. Hơn nữa, các công ty Ấn Độ cũng đang mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Công ty tư vấn Deloitte dự đoán rằng Ấn Độ sẽ chỉ đứng sau Mỹ về sản lượng vắc-xin COVID-19 trong năm nay
Công ty tư vấn Deloitte dự đoán rằng Ấn Độ sẽ chỉ đứng sau Mỹ về sản lượng vắc-xin COVID-19 trong năm nay

Ấn Độ đã phê duyệt hai loại vắc-xin Covaxin và Covishield để sử dụng khẩn cấp.

Covishield do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Loại vắc-xin này được Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất khoảng 50 triệu liều mỗi tháng và có kế hoạch nâng lên 100 triệu liều mỗi tháng vào tháng 3.

Các công ty Ấn Độ khác cũng đồng ý “gia công” cho các nhà phát triển vắc-xin như Russian Direct Investment Fund của Nga và công ty Mỹ Johnson & Johnson.

Theo nhận định của tập đoàn tài chính JPMorgan, ngay cả khi Ấn Độ không thể phát triển thành công loại vắc-xin riêng thì năng lực sản xuất sẵn có cũng giúp nước này có cơ hội “gia công” cho các nhà phát triển vắc-xin được phê duyệt chính thức nhằm đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ và các nước đang phát triển khác.

K Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức y tế cộng đồng của Ấn Độ, cho biết vắc-xin do Ấn Độ sản xuất có thể sẽ phù hợp hơn với các nước đang phát triển.

Một số vắc-xin hàng đầu hiện nay, chẳng hạn như vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna, dùng công nghệ mRNA sử dụng chất truyền tin di truyền để kích hoạt quá trình chống nhiễm khuẩn của cơ thể.

Reddy cho biết những loại vắc-xin này đòi hỏi “các yêu cầu nghiêm ngặt về dây chuyền bảo quản lạnh” và điều này sẽ gây khó khăn hoặc thậm chí là “ngoài khả năng” đối với hầu hết các hệ thống y tế.

Các loại vắc-xin mà Ấn Độ sản xuất hiện nay yêu cầu được giữ lạnh bình thường, nhưng vắc-xin do Pfizer-BioNTech sản xuất cần được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh -70oC, còn vắc-xin của Moderna phải được giữ lạnh ở nhiệt độ -20oC.

“Vắc-xin sản xuất tại Ấn Độ dễ vận chuyển hơn, rẻ hơn và dễ đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển hơn so với vắc-xin của Mỹ và châu Âu”, Reddy giải thích thêm.

Năng suất sản xuất rất lớn của Ấn Độ cũng khiến các nhà phân tích tin tưởng rằng họ có thể cung cấp vắc-xin cho các quốc gia khác. New Delhi đã cam kết gửi vắc-xin đến các nước láng giềng và đã cung cấp 15,6 triệu liều cho 17 quốc gia, theo Reuters.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang gặp thách thức với số lượng người cần được tiêm chủng. Đây là lần đầu tiên một chương trình tiêm chủng cho người lớn được thực hiện ở quy mô chưa từng có như vậy.

Long Hồ (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI