Ấn Độ có ca nhiễm COVID-19 kỷ lục toàn cầu: Cái giá phải trả cho những sai lầm

23/04/2021 - 18:38

PNO - Ấn Độ đối diện ngày tồi tệ nhất trong lịch sử đại dịch vào hôm 23/4 khi có gần 333.000 ca nhiễm mới. Kỷ lục này vượt qua con số hơn 300.000 ca mà nước Mỹ trải qua hồi tháng Giêng. Tuy nhiên, điều đáng sợ là con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhân viên y tế và người thân khiêng thi thể chết vì COVID-19 tại một lò hỏa táng ở New Delhi - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế và người thân khiêng thi thể chết vì COVID-19 tại một lò hỏa táng ở New Delhi - Ảnh: Reuters

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, Ấn Độ đang trải qua thời gian khủng khiếp khi số ca nhiễm và người chết vì COVID-19 không ngừng tăng lên. Một kỷ lục đáng buồn với đất nước đông dân thứ hai trên thế giới khi có 330.000 trường hợp nhiễm thêm trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu lên 15,9 triệu. Số người chết đã tăng 2.263 người/ngày cũng trong ngày 22/4, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch ở Ấn Độ lên hơn185.000 người. 

Hỏa táng người chết ngay trên vỉa hè

Tình trạng này đã đẩy hệ thống y tế của Ấn Độ vào tình cảnh kiệt quệ. Thiếu giường bệnh, thuốc men và thiếu ô-xy khiến các bệnh viện rơi vào hỗn loạn. Trong khi bên ngoài bệnh viện, ở nhiều nơi, người dân gần như mất kiểm soát. “Tình hình đang rất nguy kịch. Bệnh nhân phải chật vật để có giường tại các bệnh viện điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, số giường chăm sóc tích cực và lượng ô-xy y tế đang thiếu hụt trầm trọng”, bác sĩ Kirit Gadhvi, Giám đốc Hiệp hội Y khoa Ahmedabad, cho biết.

Tiến sĩ - bác sĩ Sanjay Gururaj, Bệnh viện và Trung tâm Nghiên cứu Shanti có trụ sở tại Bengaluru, cho biết thêm: “Mỗi ngày, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những bệnh nhân đang khao khát tìm một chiếc giường. Tôi đã rất cố gắng, nhưng thật đau buồn khi không thể giúp họ. Tuần trước, nhiều bệnh nhân của tôi đã chết tại nhà vì họ không thể lấy được giường. Đó là một cảm giác khủng khiếp đối với một bác sĩ”.

Trước tình cảnh này, Tòa án Tối cao New Delhi đã ra lệnh cho chính phủ các bang chuyển hướng, sử dụng ô-xy công nghiệp cho các bệnh viện để cứu sống người dân. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đang gấp rút tăng cường các tàu vận chuyển để chở ô-xy bổ sung cho các bệnh viện.

Hình ảnh quen thuộc trên khắp Ấn Độ những ngày qua là các chiếc xe cấp cứu lao từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, cố gắng tìm một chiếc giường trống cho các bệnh nhân nguy kịch trên xe. Nhiều bệnh viện buộc phải từ chối nhận bệnh vì không còn giường hay nguồn thuốc để cứu chữa. Trong khi đó, tại các khu hỏa táng, những người thân đau buồn đang xếp hàng bên ngoài, nơi những xác chết được chuyển đến liên tục. Tại khu hỏa táng chính ở Lucknow, mỗi ngày, hàng trăm thi thể được chuyển đến. “Đâu đâu cũng thấy người chết, các khu hỏa táng quá tải, người chết thậm chí được hỏa táng trên vỉa hè. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều xác chết đến như vậy trong đời”, Shekhar Chakraborty, 68 tuổi, cho biết.

Hệ lụy cho toàn thế giới

Cách đây không lâu, mặc dù là quốc gia đông dân thứ hai thế giới nhưng Ấn Độ vẫn được cho là kiểm soát dịch bệnh tốt. Vào đầu tháng Hai, hằng ngày, nước này chỉ có hơn 10.000 ca - được coi là thấp đối với một đất nước 1,3 tỷ dân. Nhưng sự lơ là sau đó đã khiến Ấn Độ phải trả giá đắt. Từng là cường quốc dược phẩm của châu Á, Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt thuốc men chữa bệnh. 

Không những thế, đầu năm 2021, Ấn Độ vẫn còn đem vắc-xin đi bán đại trà, mang vắc-xin đi ngoại giao để cạnh tranh với Trung Quốc nhưng nay đã nhanh chóng rơi vào hoàn cảnh ngược lại. Trước mắt, chính phủ đã cho phép nhập khẩu nhanh vắc-xin để khắc phục tình trạng thiếu hụt. Chẳng hạn trong tháng này, Ấn Độ sẽ nhập khẩu vắc-xin Sputnik V của Nga để tiêm chủng cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng bị chỉ trích rằng đã xem thường, hạ thấp cảnh giác khi thấy tình trạng nhiễm khuẩn giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng. Cụ thể là đã cho phép các lễ hội tôn giáo diễn ra với sự tham gia của hàng trăm ngàn người cũng như các cuộc biểu tình chính trị đã khiến các ca lây nhiễm nhiều và nhanh hơn.

Ấn Độ đang phải trả giá cho những sai lầm của chính mình. Thế nhưng, sự sụp đổ của Ấn Độ cũng đã kéo theo những hệ lụy cho toàn thế giới đặc biệt là những nước nghèo. Bởi, Ấn Độ là nơi sản xuất vắc-xin lớn nhất cho thế giới, việc quốc gia này dự kiến chuyển hướng sản xuất cho nội địa cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu vắc-xin ở những nơi khác và điều này sẽ khiến đại dịch kéo dài hơn. 

 Trọng Trí (theo AP, Reuters, The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI