Ấn định ‘tiền thách cưới’ để giảm áp lực cưới hỏi

02/02/2019 - 08:44

PNO - Nhà chức trách thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, mới đây đã ban hành quy định nhằm “kiềm chế chi phí đính hôn cao và thay đổi tập quán”, bằng cách ấn định mức “thách cưới" tương đương 7.450 USD.

Những năm gần đây, chi phí cưới hỏi ngày càng cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi khoảng cách chênh lệch về nam nữ đang khiến cho hàng triệu đàn ông Trung Quốc phải chật vật mới lấy được vợ.

An dinh ‘tien thach cuoi’ de giam ap luc cuoi hoi
Một cặp vợ chồng trẻ khoe giấy chứng nhận kết hôn - Ảnh: China Foto Press

“Tiền thách cưới”, hay chi phí quà đính hôn nhà trai trao cho nhà gái, tăng cao ngất ngưởng trong bối cảnh Trung Quốc mất cân bằng nặng về giới tính đã khiến chính quyền thành phố Bộc Dương quyết định can thiệp.

Tuần này, thành phố đã ban hành các quy định mới với mục đích ấn định chi phí đính hôn cho nhà gái để giảm áp lực cưới xin. Theo một cuộc khảo sát của do Yidian Zixun công bố năm ngoái, “tiền thách cưới” trung bình trong thành phố đã đạt mức 139.100 nhân dân tệ (20.740 USD).

Giờ đây, giá trị của những sính lễ - thường là tiền hoặc tài sản - được chú rể và gia đình nhà trai tặng cho nhà gái được giới hạn ở mức 60.000 NDT cho khu vực nông thôn và 50.000 NDT cho khu vực thành thị. Con số này không phải nhỏ, vì thu nhập trung bình hàng năm ở Bộc Dương chỉ ở mức 18.197 NDT (số liệu năm 2017).

Đối với các quan chức chính quyền ở khu vực nông thôn, giới hạn mức “thách cưới” là 30.000 NDT, còn ở thành phố, con số này là 20.000 NDT.

An dinh ‘tien thach cuoi’ de giam ap luc cuoi hoi
Quà đính hôn cho nhà gái là một phần trong phong tục hôn nhân truyền thống ở Trung Quốc nhưng chi phí này ngày nay trở nên ngày càng đắt đỏ - Ảnh: Getty Images/iStockphoto

Quy định cưới hỏi mới của thành phố khuyến cáo tiệc cưới tối đa nên khoảng 15 bàn, với chi phí mỗi bàn không quá 300 NDT ở nông thôn và 600 NDT ở khu vực thành thị. Thậm chí, quy định còn đề cập đến mức giá 1 bao thuốc lá nên chỉ vào khoảng 30 NDT và một chai rượu vang nên chi không quá 60 NDT.

Quy định nói: “Những người vi phạm sẽ bị công bố tên tuổi và chính quyền sẽ làm việc với họ”. Tuy nhiên, quy định không nói rõ hình phạt có thể là gì.

Chính quyền Bộc Dương cho biết “tiền thách cưới” quá cao khiến các gia đình nhà trai rơi vào tình trạng căng thẳng, và các quan chức địa phương hy vọng quy định mới về cưới hỏi đến năm 2020 sẽ có kết quả.

Chênh lệch nam nữ ở Trung Quốc được cho là hệ quả của chính sách một con và tập tục trong nam khinh nữ. Theo khảo sát của Cục Thống kê Quốc gia về những người chưa kết hôn trên 15 tuổi năm 2017, có 4.625 nam trên 3.060 nữ, nói cách khác tỷ lệ nam – nữ là 1,5. Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2017 cho biết năm đó số nam giới nhiều hơn nữ giới ở Trung Quốc đến 42 triệu người.

An dinh ‘tien thach cuoi’ de giam ap luc cuoi hoi
 

“Tiền thách cưới” tăng không giúp ích gì cho tình trạng của những người đàn ông chưa có vợ. Năm 2017, tại huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam, một cuộc tranh cãi về quà đính hôn đã kết thúc bằng việc chú rể sát hại cô dâu ngay trong đêm tân hôn. Gia đình nhà trai đã gánh món nợ gần 300.000 NDT để sắm quà đính hôn 110.000 NDT và trang trải chi phí tiệc cưới.

Ở các thành phố và huyện khác, chính quyền cũng đã có hành động. Năm ngoái, một ủy ban khu phố ở huyện Lankao, cũng ở Hà Nam, đã giới hạn “tiền thách cưới” ở mức 20.000 NDT, và tuyên bố những ai trả và nhận cao hơn mức này sẽ được báo cho cảnh sát như một hành động buôn bán người.

Trên phương tiện truyền thông xã hội Weibo, không ít người ngạc nhiên trước quy định của chính quyền Bộc Dương. Một số người cho rằng “thách cưới” cao không có nghĩa là nhà gái bán con, mà thực ra họ để khoản này dùng trong trường hợp con trai nhà họ đi hỏi vợ.

Những người khác thì hoan nghênh chính quyền đã can thiệp vào việc này, nhưng một số người chỉ ra nguyên nhân sâu xa của chênh lệch nam nữ. Cũng có người tuyên bố quy định này không khả thi.

Thanh Hải (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI