Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người lúc đầu rất sung, thậm chí còn tuyên truyền cho việc ăn chay nhưng chỉ được một thời gian, họ bắt đầu đuối và từ bỏ.
Đẹp đâu chưa thấy...
N.T.N.D., 34 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, đang là cô giáo dạy yoga tại TP.HCM. D. bắt đầu ăn chay cách đây ba tháng. Cô không chỉ ăn chay trường một mình mà còn phổ biến cho các học viên, bạn bè, cho rằng ăn chay rất tốt cho sức khỏe, đây hoàn toàn không vì tôn giáo mà chỉ đơn giản là dưỡng nhan. “Không ăn thịt, trứng, sữa da sẽ tự nhiên đẹp, chúng ta cũng thấy tràn trề sức sống hơn”, D. từng chia sẻ như vậy.
Cô “bật mí” cho bạn bè và các học viên yoga chế độ ăn chay của mình như sau: các loại ngũ cốc nấu thành cháo thay cho cơm, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nước ép từ rau củ quả theo nhu cầu.
|
Ăn chay phải đúng cách mới khỏe được |
Các món chế biến được nêm bằng muối hoặc loại bột nêm dành riêng cho người ăn chay. D. không uống sữa động vật, cô thay thế bằng sữa các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu xanh…; nước ép từ các loại hạt như óc chó, hạnh nhân…
D. nói do mình dạy yoga cho người khác, ăn chay để duy trì vóc dáng thon thả, nếu đẫy đà quá thì không thu hút được học viên. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng trở lại đây D. thường thấy uể oải, dường như cơ thể không đủ sức, thực hiện vài động tác yoga khó là hụt hơi, thở dốc. Bên cạnh đó, cô cho biết, cứ đến cữ ăn là như… uống thuốc, không thấy thèm, không cảm nhận ngon lành, chỉ đang cố ép bản thân phải ăn cho khỏi đói thôi.
Chị P.T.X., 45 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận theo bạn bè ăn chay trường khoảng hai tháng nay. Tiêu chí vẫn là uống sữa tươi, ăn các loại hạt, rau quả… tuyệt đối không ăn thịt động vật, chế phẩm từ động vật. Chị X. còn tin tưởng rằng, chế độ ăn như thế sẽ giúp chữa được căn bệnh tiểu đường của mình, phòng ngừa nhiều bệnh như: huyết áp, tim mạch, ung thư…
“Cao trào”, chị X. bỏ thuốc tiểu đường khiến mọi người trong gia đình và cả bác sĩ cũng rất lo lắng, hết lời khuyên can nhưng không “xi nhê”. Từ khi ăn chay, chị X. coi như ăn riêng, dù vẫn chung mâm với cả nhà. Vì ăn chay nên chị chẳng buồn nêm nếm lúc chế biến thức ăn mặn cho gia đình.
Nhiều bữa cơm trở thành thảm họa, lúc thì lạt nhách, lúc mặn chát không nuốt nổi. Chồng, con chị bắt đầu chịu hết nổi. Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình về các bất cập phát sinh sau khi ăn chay trường.
Thực tế cho thấy, gần đây, rất nhiều người, đặc biệt là những người nổi tiếng đã phải ngưng ăn chay hoặc thay vì ăn chay hoàn toàn như lúc đầu thì xen kẽ với các bữa ăn mặn. Chẳng hạn như Anne Hathaway, một diễn viên ở Mỹ. Cô bắt đầu ăn chay từ năm 2012 để giảm cân.
Sau đó nữ diễn viên này thừa nhận trong quá trình ăn chay mình đã rất khổ sở vì phải kìm nén và cô luôn thèm thịt, cá. Chẳng riêng Anne Hathaway, ca sĩ nhạc đồng quê Carrie Underwood đã phải ngưng ăn chay khi có bầu. Sau này cô có ăn chay trở lại nhưng không hoàn toàn như trước mà xen kẽ với các bữa ăn mặn. Nữ ca sĩ này chia sẻ cảm thấy ổn hơn rất nhiều khi kết hợp giữa ăn chay và ăn mặn.
Nên thử kết hợp xen kẽ với ăn mặn trước
Theo nghiên cứu của Trường đại học Cornell, ăn chay với chế độ chỉ có rau, củ quả trong một thời gian dài có thể làm thay đổi ADN và khiến con người dễ bị các chứng sưng viêm, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư ruột kết. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, 70% người sống ở Ấn Độ, quốc gia có rất nhiều người ăn chay, có tỷ lệ cao bị đột biến gen.
Quá trình đột biến sẽ xảy ra sau khi người ăn chay một thời gian dài khiến họ dễ dàng hấp thụ chất a-xít béo omega-6 từ trong thực vật, đồng thời làm tăng lượng a-xít arachidonic. A-xít này là một dạng của a-xít béo omega-6.
Mặc dù một lượng nhỏ của nó rất cần thiết để não hoạt động và phát triển, nhưng khi omega-6 và omega-3 mất cân bằng, lượng arachidonic nhiều quá mức sẽ dẫn tới sưng viêm. Nghiên cứu này cũng giúp giải thích việc người ăn chay thường có nguy cơ cao bị ung thư ruột kết, tỷ lệ lên đến 40%, so với người ăn chế độ bình thường.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, ăn chay tốt cho sức khỏe nhưng phải biết cân đối hợp lý. Ngày nay, ngoài mục đích tôn giáo, có nhiều nhóm người ăn chay vì sắc đẹp, sức khỏe, hoặc chỉ đơn giản để bảo vệ môi trường (phản đối giết động vật làm thức ăn).
Có thể hiểu nôm na ăn chay là không ăn đạm động vật. Vậy thì nguồn đạm thay thế sẽ từ thực vật, cụ thể là các loại đậu. Trong đậu giàu đạm và cả khoáng chất, nhiều chất xơ, không chứa cholesterol. Đây là ưu điểm nhưng hạn chế ở chỗ cơ thể ta rất khó hấp thụ sắt từ nguồn thực phẩm này, dễ dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Ăn chay mà đảm bảo được về dinh dưỡng thì vẫn khỏe nhưng đa phần những người ăn chay làm đẹp thường kết hợp với ăn kiêng. Có một thực tế, ăn chay sẽ rất dễ ngán, nguồn đạm từ ngũ cốc chế biến được ít kiểu, không đa dạng như thức ăn từ động vật.
Không những thế, những người ăn chay trường đột ngột không có lộ trình rất mau bị đói, thiếu hụt vi chất. Nếu cứ cố ép bản thân để sụt cân nhiều sẽ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng trường diễn. Lúc đó sức cơ và khả năng đề kháng giảm, suy kiệt lâu ngày thành hội chứng chán ăn thần kinh, bệnh nhân có thể tử vong. Còn một hậu quả nữa phải kể tới là hậu quả của sự thiếu vi chất do ăn chay không đúng cách làm rụng tóc.
Không đả kích ăn chay, bác sĩ Lưu Ngân Tâm nhận định nếu ăn chay hợp lý rất có lợi cho sức khỏe. Nếu có ý định ăn chay, mọi người nên thử chỉ ăn chay 1-2 ngày/tuần. Sau đó cảm giác cơ thể chấp nhận thì tăng dần số buổi ăn chay.
Khi ăn chay mọi người cần tính toán hàm lượng dinh dưỡng thay thế sao cho tương xứng. Ví dụ, bình thường một người cần ăn 300 gram thịt/cá mỗi ngày. Nay không ăn thịt cá nữa phải quy đổi ra khẩu phần ngũ cốc tương ứng đủ với lượng protein mà 300 gram thịt/cá đem lại. Chẳng hạn, nếu ăn đậu phụ thì cần 100 gram mỗi bữa.
Bác sĩ Tâm khuyên, không nhất thiết phải ăn chay hoàn toàn, thực ra chỉ cần ăn chay vài ngày trong một tháng để thanh lọc cơ thể cũng rất có lợi cho sức khỏe, vì các thực phẩm từ thực vật giúp tăng cường chất chống ô-xy hóa. Duy trì sắc đẹp có nhiều cách, không nhất thiết phải ăn chay. Chị em cần hiểu rằng trước tiên phải khỏe mới đẹp được.
Một khẩu phần hợp lý dù ăn mặn hay ăn chay cần có tỷ lệ phù hợp giữa chất bột đường, chất béo và chất đạm. Trong đó, khoảng 55-60% năng lượng từ carbohydrate, dưới 30% là chất béo và 10-15% đạm. Đồng thời các a-xít amin cần thiết, vitamin, khoáng chất... cũng phải đảm bảo.
Người ăn chay hoàn toàn có thể đảm bảo dinh dưỡng nếu biết cách ăn cân đối. Vì vậy, nên nạp đủ chất đạm thông qua các nhóm đậu như đậu Hà Lan, đậu đũa, các chế phẩm làm từ đậu nành như tàu hũ, tương hột. Bổ sung canxi từ rau có màu xanh đậm như cải thìa, bông cải xanh; sắt và kẽm trong rau xanh như cải thìa, bắp cải, cải bó xôi, súp lơ xanh hay các loại hạt như hạnh nhân, ngũ cốc nguyên hạt.
Trong thực đơn chay có thể dùng gạo lứt thay thế gạo trắng. Gạo lứt rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magie, mangan, sắt và chất xơ. Trong đó, vitamin B1 và chất xơ có hàm lượng cao hơn nhiều so với gạo trắng thông thường nhờ được giữ lại lớp vỏ lụa của hạt gạo. Đậu nành được sử dụng nhiều trong chế độ ăn chay. Chúng chứa chất béo bão hòa và chất đạm.
|
Các dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn chay sai cách
- Thường xuyên đói.
- Không tập trung khi làm việc, sức bền kém.
- Sụt cân nhiều (trên 5% trọng lượng cơ thể/tuần).
- Uể oải, buồn ngủ (thiếu máu, thiếu sắt).
- Da dẻ không tươi tắn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do thiếu protein gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
- Nếu đang ăn chay mà xuất hiện các triệu chứng trên bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn lại chế độ ăn uống của mình vì nhiều khả năng bạn đang ăn chay sai cách.
Tiến sĩ - bác sĩ Lưu Ngân Tâm
|
Thanh Huyền