Ăn cả vào tương lai

05/10/2013 - 13:50

PNO - PN - Mới khai trường, phụ huynh vừa phát sốt phát rét vì tiền “đóng góp tự nguyện”, “đồng phục hai tạ thóc mỗi bộ”, “phí học thêm” v.v… thì ngay lập tức, giá sữa tăng phi mã lại sồng sộc ập tới.

edf40wrjww2tblPage:Content

Những ai có con nhỏ, đang chăm sóc bố mẹ già ắt không thể bỏ qua những cái tít trên báo giấy và báo mạng: “Giá sữa Việt Nam đắt nhất thế giới”, “Bảo kê để tăng giá sữa”, “Sữa ào ạt tăng giá”, “Liên Hiệp Quốc lo ngại về việc đổi tên sữa ở Việt Nam” v.v… Và đây là những con số đáng kinh ngạc: “Công bố mới đây của hải quan về giá sữa ngoại tháng Bảy đã khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng: Sữa Nestlé Kinder nhập 105.500đ, bán giá 950.000đ, sữa Similac Go&Grow nhập cũng 105.500đ, bán giá 670.000đ. Rẻ nhất là sữa Enfatoodler, nhập 84.400đ nhưng cũng bán 590.000đ.” (Vietnamnet 16/9). Chao ôi! “Ăn quá dày”, “ăn cả cơm chim” vẫn là điều tối kỵ trong đạo đức (và cả nghệ thuật) kinh doanh. Vậy mà mấy ông bà buôn sữa ở nước ta bao năm múa gậy vườn hoang, “đi tươi về tốt, nhất bản vạn lợi” đến kinh hoàng!

An ca vao tuong lai

Ảnh minh họa: Nguồn: Internet.

Hàng chục năm nay, ít nhất đã có ba bộ quản lý sữa và giá sữa. Bộ Y tế giúp dân biết thế nào là sữa đủ chất, không pha chất độc, trẻ con có thể uống ngon chóng lớn; Bộ Công thương trông coi việc xuất nhập, mua bán, lợi nhuận và Bộ Tài chính thì kiểm soát giá cả, thu thuế…Vậy mà xem ra chẳng có ai kiểm soát được giá sữa.

Đùng một cái, như tặng gió cho diều, đổ dầu vào lửa, Bộ Y tế có “sáng kiến” quy định lại thế nào là sữa. Trước đây có 10 đến 17% độ đạm mới được coi là sữa, nay Bộ nâng lên 34%. Dưới mức đó là thứ khác, ví như thịt bột, rau bột chứ không phải sữa. Được lời như cởi tấm lòng, các nhà buôn sữa vốn thông minh và rành nghề lách luật, đã ồ ạt đổi tên sản phẩm. Họ không gọi thứ hàng bán lâu nay là sữa vẫn nằm trong danh sách phải bình ổn giá (thực ra cũng chẳng bình ổn được gì nhiều), mà là “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung”, tha hồ múa gậy vườn hoang.

Và sữa từ nay không còn là sữa tăng giá không phanh. Giống như con sói trong chuồng, được thả ra vườn trẻ, chắc chỉ con sói là vui. Bộ Tài chính nói sữa không được gọi là sữa nữa thì Bộ vô phương bình ổn giá vì không còn quyền hạn với những mặt hàng được luật thả nổi. Bộ Công thương cũng lắc lư không phải lỗi tôi. Bộ Y tế thì nói đây là vấn đề chuyên môn, việc tôi tôi làm, tôi không có quyền gì về giá cả.

Ba bộ đùn đẩy đổ lỗi cho nhau chứ không phải “ba bộ đồng tình… tăng sữa con tôi”. Đến mức Thủ tướng phải yêu cầu chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng buông giá sữa vì “cha chung không ai khóc”. Tất cả chắc sẽ đều vô sự, trừ trẻ con uống sữa và túi tiền còm của cha mẹ chúng.

Nòi giống còi cọc vì thiếu sữa, điều này ai cũng biết. Nếu được uống sữa bổ sung vào các bữa cơm năm này qua năm khác, thế hệ này đến thế hệ khác, con em chúng ta sẽ cao lớn không thua gì người Nhật, người Hàn. Hiện nay thanh niên chúng ta thấp nhất Đông Nam Á. Sữa là chiến lược lâu dài của tương lai đất nước, vì sữa góp phần làm nên thể chất và tinh thần, trí thông minh của con em.

Với các nhà kinh doanh, lợi nhuận thường vô giới hạn. Sinh ra các bộ là để đặt cái hàng rào luật pháp và đạo lý, cái giới hạn cho túi lợi nhuận vô đáy. Các bộ thừa sức làm điều đó. Nhưng xem ra người ta đang làm ngơ cho những món lời kếch sù khoét vào tương lai. “Ăn dày” trong giá sữa như hiện nay là đang gặm vào chiều cao cơ thể, trí tuệ và sức mạnh của tương lai. Ăn cả vào tương lai thì còn gì để hy vọng? 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI