Ăn bún đỏ Buôn Ma Thuột ở TPHCM

24/10/2024 - 07:51

PNO - Bạn tôi người Buôn Ma Thuột, vẫn hay nói rằng, mỗi lần về quê, nhất định phải ăn bún đỏ. Tôi tò mò, không biết cái món đó ngon như thế nào. Rồi hôm nay, tình cờ, ở TPHCM, tôi cũng được thưởng thức bún đỏ Buôn Ma Thuột.

Quán nhỏ nằm trên đường Trường Sa. Tình cờ đi ngang, thấy tấm biển "Bún đỏ, bún riêu Ban Mê Thuột", tôi lập tức ghé vào ăn thử, xem có gì đặc biệt, đến mức trở thành đặc sản, thành món ăn dân dã mang đậm chất phố núi mà người bạn của tôi mỗi lần về quê phải "ăn cho bằng được", lại còn nói, ai đi Buôn Ma Thuột mà chưa ăn bún đỏ thì khoan hãy về.

Bún đỏ có sợi bún to và dai, nước dùng đặc trưng màu đỏ của dầu màu điều, rau ăn kèm là giá và cần nước chần sơ
Bún đỏ có sợi bún to và dai, nước dùng đặc trưng màu đỏ của dầu màu điều, rau ăn kèm là giá và cần nước chần sơ

Thoạt nhìn, bún đỏ có vẻ hơi giống món canh bún ở TPHCM. Nhưng bún đỏ có sợi bún to hơn, và có độ dai. Sợi bún được "áo" bởi một lớp màu đỏ mà sau khi tìm hiểu thì tôi được biết người nấu dùng dầu màu điều để tạo nên màu đỏ đặc trưng này. Nước dùng màu đỏ, trong veo. Tô bún đầy đặn, với 2 miếng riêu, trứng cút, huyết heo, tóp mỡ. Theo như bạn tôi thì, đây là bún đỏ truyền thống, còn bún đỏ được biến tấu sẽ có thêm đậu hũ chiên vàng, cà chua cắt múi cau, có cả chân giò và chả lụa.

Không như canh bún, bún đỏ Buôn Ma Thuột được ăn kèm với giá, rau cần nước luộc (ở Buôn Ma Thuột thì sẽ có thêm cải bẹ ngọt luộc). Gia vị nêm thì cũng như bún riêu, là mắm tôm, ớt, chanh.

Nghe nói rằng, để sợi bún mềm và thấm đẫm gia vị, phải canh chừng thời gian cho bún vào nồi, không quá sớm, cũng không quá trễ, khi nước dùng đã sôi lâu. Thường, bún sẽ được nấu trong nước dùng khoảng 10 phút, lúc này bún sẽ vừa nở, ăn ngon nhất.

Bún đỏ là sự hòa quyện màu đỏ của sợi bún, nước dùng, màu trắng của trứng cút, huyết heo, tóp mỡ, hành phi và màu xanh của rau cần chần vừa chín tới, trông bắt mắt vô cùng.

Bạn tôi nói, ở Buôn Ma Thuột, người ta thường dùng con ruốc, giã nhuyễn, trộn với thịt heo xay, trứng vịt để làm riêu. Món riêu đặc trưng này có vị béo của thịt heo, vị bùi bùi của con ruốc quyện lại, làm nên "linh hồn" của món bún đỏ.

Cho chanh ớt, mắm tôm, rồi múc một muỗng nước dùng nếm thử, đã cảm nhận vị ngọt, gắp một miếng bún, xắn thêm miếng riêu béo ngậy ăn thử, vị ngon ngọt quyện với vị cay của ớt, mùi mắm tôm đặc trưng khiến tôi hiểu, vì sao ai đến Buôn Ma Thuột cũng nhất định phải thử bằng được món bún đỏ, và người Buôn Ma Thuột xa quê, mỗi khi về phải ăn bằng được bún đỏ, có khi là ăn một lúc 2 tô, có khi là ăn mỗi ngày cho thỏa cơn thèm. Cũng như, nhắc đến ẩm thực Buôn Ma Thuột, bún đỏ luôn đứng đầu danh sách, dù chỉ là món ăn bình dân.

Nếu bạn muốn thử món bún đỏ Buôn Ma Thuột, có thể ghé quán Bà Giao, số 1156 Trường Sa, phường 13, quận Phú Nhuận. Quán bán buổi sáng từ 6g30 đến 11g30, buổi chiều từ 15g đến 20g.

Bạch Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI