Amy Coney Barrett: “Thẩm phán tốt là áp dụng luật như đã được viết”

28/09/2020 - 07:36

PNO - Không mấy ngạc nhiên nhưng cả thế giới đều đang tò mò về người phụ nữ vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử vào ghế thẩm phán ở Tối cao pháp viện Hoa Kỳ. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố trong một buổi lễ giản dị tại Vườn Hồng rằng, đây sẽ là chiến binh cho một nền công lý theo khuôn mẫu bảo thủ.

Bà Amy Coney Barrett, người được Tổng thống Trump đề cử cho vị trí thẩm phán  ở Tối cao pháp viện - Ảnh: Getty Images
Bà Amy Coney Barrett, người được Tổng thống Trump đề cử cho vị trí thẩm phán ở Tối cao pháp viện - Ảnh: Getty Images

Mẹ của 7 đứa con đang tuổi đi học

Nếu được Thượng viện phê chuẩn để thay thế “biểu tượng tự do” Ruth Bader Ginsburg - người vừa qua đời hôm 18/9 ở tuổi 87 - Barrett sẽ trở thành người phụ nữ thứ năm phục vụ ở Tòa án Tối cao và sẽ nâng phe bảo thủ của mình tại Tối cao pháp viện lên “tỷ số 6-3”. 

Giống như hai người trước được ông Trump bổ nhiệm - Neil Gorsuch năm 2017 và Brett Kavanaugh năm 2018 - Barrett đủ trẻ để có thể phục vụ trong nhiều chục năm tới với một vị trí không có nhiệm kỳ, bảo đảm để lại dấu ấn bảo thủ lâu dài cho nền tư pháp Mỹ. Bà là người trẻ nhất được đề cử chức thẩm phán Tòa án Tối cao kể từ năm 1991.

Gia đình 9 người của
Gia đình 9 người của bà Barrett

Amy Coney Barrett sinh ngày 28/1/1972 với tên khai sinh Amy Vivian Coney, là một luật sư. Năm 2017, bà được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ khu vực VII, có trụ sở tại Chicago. Trong khi phục vụ cho tòa liên bang, bà đồng thời là giáo sư giảng dạy về tố tụng dân sự và Luật Hiến pháp tại Trường luật Notre Dame (bang Indiana). Trước đó, Barrett từng là thư ký của Antonin Scalia ở Tòa án Tối cao. Ông Scalia qua đời năm 2016 và là một trong những thẩm phán bảo thủ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử cơ quan tư pháp hàng đầu Hoa Kỳ.

Riêng Barrett đã mô tả Scalia “ảnh hưởng khôn lường” đối với sự nghiệp của bà. “Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là của tôi. Thẩm phán phải áp dụng luật như đã được viết. Các thẩm phán không phải là người hoạch định chính sách” - Barrett nói. Trong vai trò thẩm phán, Scalia đã bỏ phiếu hạn chế quyền phá thai, bày tỏ sự bất đồng quan điểm khi tòa án hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và ông gọi đó là “hành động tư pháp”.

Trong khi đó, Barrett - một tín đồ Công giáo sùng đạo - là chọn lựa của những người có niềm tin tôn giáo, “át chủ bài” của ông Trump trong khối cử tri. “Hôm nay, tôi rất vinh dự đề cử một trong những bộ óc pháp lý lỗi lạc và tài năng nhất của quốc gia chúng ta vào Tối cao pháp viện” - Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ Bảy 26/9. 

Barrett xuất hiện với hình ảnh rướn cao đầu ôm các con bà - hai trong số đó là con nuôi nhận từ Haiti - cùng chồng, cũng là luật sư, trong buổi lễ đề cử. Ông Trump nhấn mạnh chi tiết Barrett sẽ là người mẹ đầu tiên của bảy đứa trẻ trong độ tuổi đi học sẽ phục vụ tại Tòa án Tối cao. 

Lựa chọn đúng đắn cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Vào buổi tối, ông Trump tiếp tục kêu gọi sự cổ vũ từ hàng ngàn người ủng hộ tại cuộc vận động tranh cử ở Middletown, bang Pennsylvania, khi ông gọi Barrett là “một học giả phi thường”, người sẽ bảo vệ “các quyền và tự do mà Chúa ban cho nhân loại”. Tổng thống đương nhiệm cũng cạnh khóe với đối thủ đảng Dân chủ khi nói “bà ấy nên tranh cử tổng thống”, để so sánh về thành tích học tập của Barrett với Joe Biden.

David Mcintosh - Chủ tịch Câu lạc bộ Phát triển Hoa Kỳ - nhận định: “Thẩm phán Amy Coney Barrett là một sự lựa chọn xuất sắc. Bà đã thể hiện một cam kết vững chắc đối với hiến pháp. Sự lựa chọn này sẽ định hình tương lai của nước Mỹ bởi tòa sẽ xem xét các trường hợp liên quan đến vấn đề vi hiến của chính phủ và liệu các cơ quan liên bang có nên được quyền tự do ban hành các quy tắc mà không cần thông qua Quốc hội hay không”.

“Amy Coney Barrett là lựa chọn đúng đắn cho Tối cao pháp viện Hoa Kỳ vì bà ấy áp dụng đúng ý chí và bản văn của hiến pháp cho các đạo luật. Một thẩm phán nên là một người giải thích hiến pháp một cách trung lập. Một thẩm phán cũng phải là người biết ý nghĩa của việc giải thích và áp dụng luật hơn là một nhà lập pháp cố gắng tạo ra luật” - Mat Staver, thuộc Bộ Giáo dục, nói.

Các đảng viên Dân chủ lo ngại rằng, yếu tố đức tin Công giáo của Barrett có thể ảnh hưởng đến cách giải thích của bà về các vấn đề pháp lý liên quan quyền phá thai. Họ đã nêu vấn đề này trong phiên điều trần chuẩn thuận Barrett vào ghế thẩm phán tòa phúc thẩm năm 2017. Barrett cho biết, bà sẽ không để niềm tin tôn giáo can thiệp vào hành động của mình với tư cách là một thẩm phán. 

Quốc Ngọc (theo Reuters, NPR, Morning Consult)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI