Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp amiang vào nhóm những chất gây ung thư nguy hiểm. Trên thế giới, đã có hơn 60 quốc gia cấm sử dụng amiang. Thế nhưng, tại Việt Nam, tấm lợp fibro xi măng vẫn được sản xuất từ sợi amiang.
|
Những tấm lợp sản xuất từ chất độc rồi bán ra cho bà con nghèo khó mang về lợp nhà, đặc biệt là ở miền núi |
Làng ung thư bên mỏ “đá mồ côi”
Hơn 10 năm nay, làng Thổ Vị (xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) được biết đến là “làng ung thư”. Bộ Tài nguyên và Môi trường còn xếp Thổ Vị vào danh sách 10 làng có người mắc ung thư nhiều nhất cả nước.
Ông Trần Minh Hán - người được bà con làng Thổ Vị nhờ viết và đọc điếu văn mỗi khi có người mất - lật những trang giấy ngả vàng trong cuốn sổ theo dõi hộ khẩu của làng Thổ Vị trong gần 30 năm ông làm trưởng thôn. Trong đó, có nhiều cái tên được gạch chân bằng mực đỏ với chú thích K (ung thư).
Nhiều trang có hai, ba dấu đỏ sát nhau vì không ít hộ mất từ 3 - 5 người do ung thư. “Vợ chồng Lê Huy Nghĩa và Lê Thị Thủy cùng bị ung thư. Ở góc chợ đầu thôn, có 5 - 6 bà góa, chồng đều chết vì ung thư. Chị gái và anh rể tôi, 7 - 8 người hàng xóm của tôi cũng chết vì ung thư” - ông Hán liệt kê.
Ông cho biết, từ năm 1993, số người chết do ung thư ở Thổ Vị nhiều hơn các làng khác một cách bất thường, nên ông lập sổ theo dõi. Con số chết do ung thư ngày càng tăng.
Năm 2005, ông Hán báo cáo tình hình này ra trạm y tế xã, báo cáo lên cả Phòng Y tế huyện Nông Cống, nhưng “lúc đó, chưa ai quan tâm”.
Chết danh “làng ung thư” từ khi nào không rõ, nhưng cuối cùng, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cũng về xét nghiệm mẫu nước của làng Thổ Vị. 70 mẫu nước được lấy khắp xã, chỉ có 2 mẫu dùng được, còn lại đều nhiễm vi khuẩn, vi trùng và các chất độc hại (23 chất).
Bà con bàng hoàng hơn khi sở y tế công bố thống kê ở Thổ Vị: trong số người có mắc bệnh, số mắc ung thư gan, phổi chiếm hơn 80%; trong số đã chết tính trong 5 năm (từ 2009-2014), người dưới 30 tuổi chết do ung thư chiếm 8%, người từ 30 - 55 tuổi chết vì ung thư chiếm tới 54% và số người từ 55 tuổi trở lên là 38%.
Không cơ quan nào đưa ra kết luận đâu là nguyên nhân chính khiến người Thổ Vị mắc ung thư nhiều, nhưng ông Hán khẳng định là do amiang, bởi mấy chục năm trước, ông đã được học kiến thức về amiang trong quân ngũ.
“Đó là loại hợp chất người ta thường dùng trong xây dựng, sản xuất vật liệu cách nhiệt, amiang chỉ bị cháy khi đốt ở nhiệt độ ngang với dung nham núi lửa, tức 4.3000C” - ông Hán nói.
Chuyện bắt đầu từ những năm 1960, một xí nghiệp của nhà nước về khai mỏ đá phong hóa (bà con gọi là đá mồ côi) ở dãy núi Nưa, cách Thổ Vị chỉ 1km. Được một thời gian ngắn, hiệu quả kinh tế không cao nên người ta bỏ, đá nằm lăn lóc đầy chân núi, đá ấy chứa amiang.
Khi đó, Thổ Vị phát động phong trào đào giếng khơi lấy nước sinh hoạt. Sẵn đá xí nghiệp kia bỏ lại, nhà nào cũng vào chân núi lấy về xây giếng, kè bờ ao. Lúc thả gàu múc nước, nước vỗ vào đá, các sợi amiang bị bào mòn, hòa lẫn vào nước.
Từ năm 2000, bà con mới dần bỏ giếng khơi để dùng nước giếng khoan, nhưng không ai biết được, sâu trong lòng đất, nước có bị nhiễm amiang hay không.
|
Trong “sổ tử” mà ông Hán ghi chép lại, gia đình này có đến năm người cùng mất vì ung thư |
Phố ung thư cạnh nhà máy sản xuất tấm lợp
Khu phố Ngọc Sơn (phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nằm giữa ba bề bốn bên là nhà máy, xí nghiệp, bến bãi.
Ai cũng biết bầu không khí mình đang hít thở mỗi ngày độc hại thế nào. Và ai cũng khẳng định, nguyên nhân chết do ung thư của hơn 30 con người trong vỏn vẹn một trăm nóc nhà kia là do nhà máy sản xuất tấm lợp.
Ông Phạm Hồng Khang mất cả vợ và con; bà Hoàng Thị Vân mất vì ung thư khi 42 tuổi, con trai là Phạm Văn Thành cũng mất vì ung thư ở tuổi 24; gia đình bà Trần Thị Ngọt có ba người thì cả ba cùng mắc ung thư, người con trai qua đời trước mẹ, khi mới 19 tuổi…
Hơn 30 người mắc ung thư của khu phố Ngọc Sơn tập trung ở chợ Sáng. Chợ có hai dãy nhà cách nhau một con đường chưa đầy 5m nhưng số người chết vì ung thư lại tập trung ở dãy nhà bao quanh nhà máy sản xuất tấm lợp, còn dãy bên kia hầu như vẫn an toàn.
Hơn 20 năm trước, xí nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng Đông Anh III được xây dựng ở khu phố này và đi vào hoạt động, nguyên liệu chính là amiang trắng.
Khói bụi mù mịt, nước thải từ xí nghiệp đổ ra đen kịt, nhưng bà con không có ý kiến gì vì chưa thấy tổn hại đến ai. Cho đến khi nước thải xả trực tiếp vào ao nuôi cá của người dân, chỉ sau một đêm, cá nổi trắng ao, mắt con nào cũng bị nổ.
Rồi sức khỏe của người dân giảm sút, trong vài năm mà hơn 20 người chết vì ung thư, tất cả đều ở tuổi thanh niên và trung niên, chưa kể chừng 10 người vẫn đang chống chọi với ung thư. Bà con hốt hoảng tìm hiểu thì biết nguyên liệu để sản xuất tấm lợp là amiang - một chất cực độc.
Cả khu phố đã ký đơn kiến nghị gửi xí nghiệp, thậm chí gửi đến trung ương. Hai năm sau, xí nghiệp dừng hoạt động, nhưng cơ sở vật chất thì bán lại cho một công ty tư nhân để công ty này tiếp tục sản xuất tấm lợp.
Bà Nguyễn Thị Vỹ kể, khi công ty kia vận hành buổi đầu tiên, bà con đã kéo đến bao vây nhà máy, phản đối. Bà con đổ đất, đá trước cổng công ty, mang cả ba chục bát nhang ra đặt, yêu cầu chấm dứt ngay mọi hoạt động sản xuất liên quan đến amiang.
Trước áp lực của người dân, công ty đã phải dừng hoạt động. Sáu năm nay, người đân khu phố Ngọc Sơn không còn phải hít bụi amiang nữa, nhưng cái án ung thư vẫn đang hiện hữu, số người chờ thần chết gọi tên vẫn cứ nối dài.
|
Amiang trắng lẫn trong đá ở Thổ Vị, bà con từng dùng đá này để xây giếng khơi lấy nước trong nhiều năm |
Một trong 10 quốc gia tiêu thụ amiang nhiều nhất
Từ năm 1973, sau 40 năm nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có đủ bằng chứng về việc amiang là nguyên nhân gây ra phân nửa số ca ung thư do môi trường làm việc độc hại, 80% số ca ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim) là do amiang trắng. Amiang còn gây bệnh bụi phổi, ung thư phổi, ung thư thực quản, buồng trứng...
Ở nước ta, mới đây, Bộ Xây dựng công bố đề án "Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023". Đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm trong việc loại bỏ chất độc hại này.
Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên lộ trình được đưa ra.
Ngày 1/8/2001, Chính phủ ký Quyết định số 115/2001/QĐ-TT yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiang hiện có theo tiêu chuẩn môi trường và y tế, không tăng sản lượng và không đầu tư mới cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiang; từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiang trong sản xuất tấm lợp.
Nhưng gần 20 năm nay, sau ba lần điều chỉnh thời hạn chấm dứt sử dụng amiang (năm 2004, 2008 và 2014), lượng amiang nhập khẩu vào nước ta vẫn liên tục tăng.
Với gần 60.000 tấn mỗi năm, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia tiêu thụ amiang nhiều nhất thế giới.
Đề án mới nhất của Bộ Xây dựng nhận được sự ủng hộ của 39 đơn vị. Nhưng, cũng như những lần điều chỉnh trước, vẫn có hai đơn vị có văn bản không nhất trí là Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam và Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam.
Vậy thì liệu rằng năm 2023 có chấm dứt việc sử dụng sợi amiang trắng hay sẽ tiếp tục lùi hết lần này đến lần khác?
Uông Ngọc