Trong một bài phỏng vấn năm 2016, đạo diễn Jean-Pierre Jeunet cho biết, 15 năm trước, phim ra mắt ở Liên hoan phim Toronto, Canada, vào ngày 10/9/2001, ngày hôm sau đúng là ngày 11/9 định mệnh. Đạo diễn cũng sốc như mọi người và nghĩ: “Vậy là Amélie tiêu đời ở Mỹ rồi”.
Tuy vậy, tình hình lại trở nên trái ngược. Dù suất chiếu hạn chế nhưng với doanh thu phòng vé hơn 33 triệu USD, Amélie là bộ phim nói tiếng Pháp có doanh thu cao nhất tại Mỹ và là một trong những bộ phim Pháp thành công nhất ở quốc tế. Lý do? Mọi người cần một câu chuyện tích cực. Họ cần niềm vui, cần ánh sáng.
Những niềm vui bé nhỏ
Phim xoay quanh câu chuyện của Amélie - một cô hầu bàn tại quán cà phê Cối Xay Gió ở đồi Montmartre, Paris, Pháp. Từ nhỏ đã sống tách biệt với mọi người, Amélie luôn cô đơn và không có bạn chơi chung. Dù vậy, cô nàng không bị rơi vào cảm giác buồn bã, cô độc hay bi quan, chán nản. Ngược lại, Amélie sống khá thú vị, tích cực và luôn muốn đem đến niềm vui cho mọi người.
Điều đặc biệt ở Amélie mà phần đông người lớn thường đánh mất, đó là thế giới tuổi thơ, thế giới của trí tưởng tượng. Sống trong thế giới nội tâm ấy, Amélie có một “vỏ bọc” để không bị cuộc đời làm cho tổn thương.
Đạo diễn Jean-Pierre Jeunet cho biết, chọn câu chuyện tích cực để làm phim vốn là điều mạo hiểm. Vì đa phần những bộ phim bạo lực dễ ăn khách hơn. Bên cạnh đó, viết kịch bản về một câu chuyện tích cực cũng không đơn giản. May mắn, bộ phim được làm tốt ở những chi tiết riêng tư, thú vị, nêu bật tính cách của từng nhân vật.
Theo Jean-Pierre Jeunet, quan trọng là mang đến một cảm giác. Nếu chỉ đơn thuần là “tôi thích đậu phộng”, thì chẳng có gì thú vị. Tuy nhiên, nếu là “tôi thích thọc tay vào túi ngũ cốc” hoặc dùng thìa inox đập vỡ lớp màng đá đông trên hộp kem thì lại khác ngay! Như chính sở thích của cô nàng Amélie. Và hầu hết các nhân vật trong Amélie đều có những sở thích định hình con người đáng yêu như vậy.
Ngoài việc khéo chọn những chi tiết khiến bạn xem một lần sẽ nhớ mãi, đạo diễn còn nắm được bí quyết kể chuyện hết sức duyên dáng, hài hước. Nhờ vậy mà phim không bị rơi vào cảnh một màu, nhàm chán, giáo điều.
Amélie tốt bụng. Tuy nhiên, điều thú vị ở nàng là thể hiện lòng tốt hết sức âm thầm. Amélie xuất hiện và ra tay nghĩa hiệp như một thiên thần giấu mặt. Dù vậy, đôi khi nàng cũng rất quái chiêu khi đòi lại lẽ công bằng cho những người “thấp cổ bé họng” - như anh chàng khờ phụ việc ở cửa hàng rau củ Lucien.
Thế giới của các nhân vật trong Amélie là một thế giới không hề trẻ con, hời hợt như vẻ bề ngoài. Ở đó, những điều nhỏ bé được trân trọng. Và khi sống hết mình với những điều nhỏ bé ấy, người ta chạm đến phần cốt lõi ẩn giấu bên trong mỗi người.
Khi cuộc đời được nhúng đũa phép
Xem Amélie, người ta nhận ra đâu cần đến một bà tiên xa xôi nào mà bất cứ ai cũng có thể mang đến niềm vui và thay đổi cuộc đời một ai đó chỉ bằng những sự quan tâm rất nhỏ.
Jean-Pierre Jeunet cho biết, con người ta thay đổi từ những sự quan tâm nho nhỏ như thế. Chẳng hạn như từ câu chuyện mà ông đọc được. Có anh chàng nọ không có gu thẩm mỹ chút nào. Thế là một cô gái bí mật tặng anh khi thì áo sơ-mi, lúc lại là chiếc cà-vạt, đương nhiên là với gu thẩm mỹ tinh tế. Ấy vậy, anh chàng dần “lên trình” hẳn. Hoặc người đàn bà cứ mỗi ngày lại nhận được 10 đô-la mà không biết từ đâu. Những điều bất ngờ bí mật như vậy khiến người ta tò mò, tin vào phép mầu và khiến người ta nhân lên gấp bội tình yêu, niềm tin vào lòng tốt, vào cuộc sống, cả niềm tin vào chính bản thân.
Với Amélie, người ta cũng nhận ra những điều bình thường trong cuộc sống hóa ra lại đẹp biết bao nhiêu. Những cửa hàng phô mai, giá cả thịt lợn, cái biển bị sứt một miếng, trẻ em chơi với chim bồ câu, âm thanh phố xá... tất thảy đều là những điều kỳ diệu. Có thể nói, đoạn Amélie đưa ông cụ mù qua đường là một trong những đoạn đáng nhớ nhất phim. Vì nhịp điệu rộn rã, vì niềm vui đầy ắp, vì sự lắng nghe cuộc sống với trái tim rộng mở.
Trailer phim Amélie:
Bữa tiệc của màu sắc, âm nhạc
Phim vẽ nên thế giới của một Paris trong mơ. Người làm phim xóa bớt những phần tiêu cực như kẹt xe, mưa gió và cả… phân chó. Đạo diễn muốn mỗi khung hình đều giống như một bức tranh với hầu hết là gam màu tươi sáng, rực rỡ của xanh lá, hồng, đỏ là chủ đạo.
“Tôi bắt đầu casting ở Pháp và một ngày nọ, khi tôi đi qua một cái poster, tôi bị ấn tượng ngay bởi đôi mắt đen, ánh nhìn ngây thơ và phong cách hiếm có: đó là Audrey Tautou trên poster phim Vénus Beauté Institute. Tôi hẹn gặp ngay và cô thử vai một đoạn. 10 giây sau, tôi đã biết cô ấy chính là Amélie”, đạo diễn Jean-Pierre Jeunet chia sẻ.
|
Phim thực hiện nhiều cú máy tracking (bao gồm việc chuyển động máy quay tiến về trước hoặc ra sau, sang trái hoặc sang phải hoặc bất cứ sự kết hợp nào của chúng trong không gian thực), sau đó là quay cận mặt để lột tả cảm xúc nhân vật. Và âm nhạc thì quá đỗi tuyệt vời. Bạn sẽ không thể nào quên tiếng đàn accordion dặt dìu với những điệu valse của tâm hồn Amélie. Điệu valse vốn là thứ nhạc điệu tạo nên trạng thái hạnh phúc cao độ.
Khác với việc dùng nhiều dàn nhạc hoành tráng như những nhạc phim thông thường, nhạc phim Amélie chọn cách thể hiện mộc mạc, duyên dáng với các loại nhạc cụ đơn lẻ hơn.
Âm nhạc hòa quyện với linh hồn của Amélie một cách tài tình. Âm nhạc và nhịp phim tạo cảm giác phim là những dao động nhanh và đều như con lắc đồng hồ nhưng không hề nhàm chán. Có cảm giác đó là một chuỗi hòa âm những loài côn trùng đang đập cánh để chuẩn bị cất cánh. Đó có thể là tiếng đập cánh của chuồn chuồn, bươm bướm, cào cào, bọ ngựa… Và trên hết, đó là tiếng đập cánh của những thiên thần bé nhỏ sắp trở về nước Chúa.
Ban đầu, Jean-Pierre Jeunet dự định chọn nhạc sĩ Michael Neyman làm nhạc cho Amélie. Tuy vậy, trong một lần đi nhờ xe của người trợ lý sản xuất, đạo diễn tình cờ nghe được những bản nhạc của Yann Tiersen và phải lòng ngay lập tức như thể đó là thứ âm nhạc được làm riêng cho Amélie.
“Chiều đó, tôi lùng được tất cả những bản ghi âm của Yann Tiersen. Tôi hẹn gặp ngay. Chỉ sau hai tuần, anh ấy đã sáng tác 19 bản cho chúng tôi. Thêm vào đó, anh cho phép chúng tôi lấy bất cứ bài nào trong những bản ghi âm của anh”.
Amélie được đề cử 5 giải Oscar. Dù vậy, phim không được đề cử ở Cannes do người chọn phim là Gilles Jacob xem bộ phim trước khi phim lồng nhạc.
Nói một cách khách quan theo cảm nhận của người viết, phim làm tốt ở phần dao động “đập cánh” nhưng lại thiếu phần nín thở của cái nhún vút bay.
Tất nhiên, đập cánh đúng dao động thì tự động sẽ vút bay, khi đã tích đủ lực và đúng “quỹ đạo”. Nói cách khác, phim đã đưa được mọi thứ vào đúng đường ray của mình, tác động tích cực đến người xem, làm người xem thay đổi ở phần bản chất cốt lõi.
Yến Lê