Cô ấy là tiến sĩ luật (chuyên ngành luật kinh doanh, Đại học Capitole Toulouse 1, Pháp) và đang là luật sư - giám đốc pháp lý của nhiều tập đoàn Pháp và một số công ty luật tại Paris. Cô ấy là một họa sĩ tài hoa (đã có tác phẩm trưng bày tại Pháp và Dubai). Từng đoạt giải Nouveau Talent Fondation Ar 3F 2013 dành cho tài năng mới tại Pháp. Và rồi cô ấy lại còn… viết văn. Năm 2015, cuốn Phố đàn bà được ra mắt độc giả Việt Nam với vai trò đồng tác giả với “câu chuyện” của hội họa. Nhưng ngày 14/7 tới, Lam (NXB Trẻ) là tập truyện ngắn - tản văn đầu tay hoàn toàn đứng tên cô ấy. Cô ấy là Amanda Huynh - Huỳnh Thụy Phan Trang, chỉ mới 28 tuổi, xinh đẹp, thời trang, bản lĩnh và tài hoa.
|
Amanda Huynh |
Bài phỏng vấn này được thực hiện vào đêm trước khi Amanda Huynh bay về Việt Nam, ngày 8/7.
* Vì sao là Lam thế Amanda Huynh?
Amanda Huynh: Lam là khoảng trời thiên thanh bên ngoài cửa sổ, là mùa gió thổi qua khu vườn, là góc đường ở một nơi xa quê hương mà khi bước ngang qua, ta có cảm giác đã nhìn thấy nó trước đây. Lam là tuổi xuân, là khát vọng, những phút giây hạnh phúc tươi vui; cũng là những tuyệt vọng cùng cực, những hy vọng và tha thứ… Lam là tên gọi phù hợp nhất với những cô gái nhẹ nhàng, mong manh như mây trời, dịu dàng như gió thoảng. Họ bước qua nơi nào, nơi đó bỗng trở nên yên lặng và an nhiên. Đó là lý do tất cả các cô gái trong tập truyện ngắn đều mang cùng một cái tên.
* Lam xinh đẹp và cô đơn, giàu có và đau khổ, tài hoa và mất mát… Cứ như thể người đọc thấy bóng dáng của tác giả trong cuốn sách?
- Lam là một khía cạnh nhẹ nhàng khác của Amanda. Là những cảm xúc dịu dàng của những cô đơn đã bước qua, giờ, còn lại là sự thanh thản. Lam là những say mê về những điều giản dị, một ô cửa không kính trên gác mái, một tiệm bán hoa cuối đường, một cây cầu trên kênh Saint Martin đã cũ… Lam mang rất nhiều gương mặt với những góc khuất đối lập. Tác giả càng không dám khẳng định mình “xinh đẹp, giàu có, tài hoa” như Lam, càng không thể sống hết cuộc đời các nhân vật.
Lam được xây dựng từ những phần đời mà tác giả đã sống qua, từ những câu chuyện được nghe kể trong những chiều mưa hối hả, từ điếu thuốc dang dở không buồn gạt tàn của những người ngồi cạnh nhau. Chỉ có một điều chắc chắn là cảm xúc và kinh nghiệm sống của tác giả hiện hữu trong cách các nhân vật sống. Lam cũng là cách tác giả đặt mình vào cuộc sống của người khác, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc của người khác, tận hưởng những may mắn, lẫn đau khổ, đổ vỡ của người khác, để thêm một lần nữa được khám phá bản thân mình, sửa chữa những suy nghĩ sai lầm của chính mình.
* Nhưng cách gì thì đọc Lam vẫn thấy một Amanda Huynh rất đỗi cô đơn…
- Có những bức tranh sơn dầu của tôi, khi đối diện với nó, người xem chắc chắn cảm nhận được sự đau đớn khốc liệt và cùng quẫn cô đơn của tâm hồn. Nhưng tôi nghĩ, cô đơn là điều cần thiết và không thể trốn tránh. Có người chọn cách phủ lấp nó bằng những cuộc vui, có người chọn cách đối diện chuyện trò cùng nó.
Trong cuộc sống, đôi lúc cô đơn rất đau đớn, nhưng đôi khi nó là chỗ dựa tinh thần duy nhất để đứng lên và bắt đầu lại mọi việc. Cô đơn khiến chúng ta dần khám phá những ngóc ngách của tâm hồn, để chấp nhận và yêu thương bản thân nhiều hơn. Nên nói cho cùng, cô đơn thật ra không đáng sợ. Khi học cách chung sống với nó, cô đơn là những phút giây đáng giá đến không ngờ. Ngoài ra, xét ở khía cạnh nghệ sĩ, thì vẽ tranh hay viết văn là những phút giây “cô đơn” sảng khoái nhất.
* Có bao giờ Amanda nghĩ rằng cô đơn là một “trả giá tất yếu” cho đam mê và thành công của một người?
- Khi chúng ta tận hưởng nỗi cô đơn để làm những điều tích cực thì cô đơn không phải là cái “giá phải trả”. Nếu quá vui, quá nhộn nhịp, thì làm sao nghe sự lay động tinh tế của tâm hồn? Làm sao lắng nghe được những nỗi đau mà tiếng đổ vỡ không khác gì thinh lặng? Làm sao cảm nhận được màu biếc rất xanh lay khẽ trong nhánh lá?
Tâm hồn biết dựa vào những nhỏ nhoi nào để đứng dậy ca hát mỗi ngày - khi những điều to lớn hô hào, những kiểu cách thời thượng ngoài kia chỉ là vỏ bọc cho những giá trị rỗng tuếch không tương lai? Mà khi làm một điều gì đó với đam mê, chúng ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa. Có những ngày, bước ra khỏi xưởng vẽ lúc nửa đêm, đường không bóng người, vây quanh là đêm đông mù mịt, tôi vẫn thấy lòng mình lâng lâng. Có lẽ, những lựa chọn trong cuộc đời chúng ta phụ thuộc vào tính cách từng người. Và những gì mọi người có thể nhìn thấy về tôi chính là những gì tôi đã lựa chọn.
* Có khi nào Amanda thử nghĩ, nếu mình không sang Pháp, nếu mình trở về, nếu… thì bây giờ mình sẽ ở đâu giữa những chiều chuyển động của thời gian?
- Tôi chưa bao giờ thử tưởng tượng mình ở đâu trong một cuộc sống khác, thậm chí đến bây giờ còn không biết được mình sẽ thế nào trong 5 năm sắp tới. Tôi chỉ luôn trong tư thế mở mọi cánh cửa, nhảy lên mọi con tàu, chỉ cần thấy lòng say mê. Có một điều bất biến trong thâm tâm từ những ngày còn rất trẻ, đó là tôi luôn khát khao đi và tìm ra chính mình. Khi chúng ta tìm được chính mình, yêu và được yêu thì cuộc đời nào cũng đáng sống.
* 10 năm lập thân xứ người, giờ nghĩ lại, những ám ảnh nhất, những điều đẹp nhất, tự hào nhất… với Amanda, là gì?
- Ở một đất nước khác, với những hệ quy chiếu về giá trị rất khác, khó khăn lớn nhất có lẽ là không định vị được giá trị của chính mình, bản sắc mình, điều làm sự tồn tại của bản thân có ý nghĩa. Ở một thành phố xa lạ, không gia đình bạn bè thân quen, sự yên ổn của nội tâm càng trở nên bấp bênh. Rất nhiều lý tưởng bỗng trở nên không còn ý nghĩa nữa. Nhiều quy tắc tưởng là khuôn mẫu bỗng mất đi. Điều này cần một sự thích ứng, mở lòng, học hỏi, nhìn nhận lại. Sự bấp bênh này khiến rất nhiều người trẻ mất niềm tin vào bản thân. Tôi từng đối diện với điều này, có lẽ đây là khó khăn lớn nhất.
Ngần ấy năm đã qua, đối với tôi lúc này, khi nhìn nhận lại, tôi thấy thật ra rồi mọi vấp váp đều có cách để vượt qua. Thử thách nào, bằng cách này hay cách khác, cũng rút ra được những bài học nhất định. Những trải nghiệm nào cũng thấy thiết thực và quý giá. Nhưng có lẽ thành quả lớn nhất là học được cách hiểu và chấp nhận bản thân, học được cách yêu thương chấp nhận mình như yêu thương chấp nhận người khác.
Học được cách bình thản trước nhiều điều và phấn đấu để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhận lại cho bản thân, những điều tích cực. Xét cho cùng, mục đích cuối cùng của đời người là sống hạnh phúc và bình an. Không một chức danh nào ngoài xã hội hay thành công nào trong cuộc đời, có thể đem lại điều này.
* Một Paris lãng mạn, một Huỳnh Thụy Phan Trang cũng lãng mạn… Không gian ấy, đoạn đời ấy đã làm thay đổi điều gì lớn nhất trong tâm hồn của Amanda Huynh sau ngần ấy năm?
- Thay đổi lớn nhất, có lẽ là cách nhìn nhận sự tồn tại của bản thân. Ở Paris, tôi tập sống rất chậm, tập đứng xếp hàng để làm giấy tờ, tập đi chợ làm những chiếc bánh nhỏ, tập may một chiếc túi, nặn một cái ly, cuối tuần đi viện bảo tàng, một buổi nhạc kịch… Mỗi ngày, tôi học cách dừng lại và lắng nghe. Học để ý cả những điều nhỏ nhất.
Tiếng đàn violon trên căn gác, tiếng mưa ngoài khung cửa, ánh đèn vàng đối diện quán cà phê, bản nhạc jazz hiu hắt, vệt son trên ly cocktail chưa cạn, mùi bánh sừng bò ngậy bơ buổi sớm, tiếng phiên chợ rau củ ồn ào sáng Chủ nhật, những hình ảnh nhò e nhoẹt trong những thước phim “số phận đáng kinh ngạc của Amélie Poulain”...
Thành phố này tập cho con người cách ngắm thời gian trôi một cách an vui nhất. Ngay cả lúc ngồi trên trụ cầu suốt đêm, thấy dưới chân mình sông Seine cuồn cuộn chảy; lúc đứng trên đỉnh đồi Montmartre, nhìn xuống thấy cả thành phố ngập trong mưa tuyết; nhiều khi tôi thấy cuộc đời… không thật. Như thể không có gì khác, ngoài những điều nhỏ bé và dữ dội này đang khiến trái tim tôi rung động và thấm thía sự tồn tại của chính mình.
* Người ta vẫn nói, phụ nữ không nên tài hoa quá, sẽ khổ. Amanda Huynh lại chọn bước chân qua cả hai cánh cửa “cô đơn” với văn chương và những gam màu…
- Văn chương hay hội họa đều là những cuộc du hành của tâm hồn, nên không đặt lên nó bất cứ áp lực nào. Tôi chỉ muốn ghi lại, vẽ lại lòng mình, cho mình, như thể đang cóp nhặt cho bản thân một bộ sưu tập cảm xúc, những phút giây quý giá. Thành công lớn nhất của bất kỳ người phụ nữ nào, có lẽ là giữ cho trái tim mình luôn được hạnh phúc, hoàn toàn làm chủ những ước ao hay quyết định của đời mình, yêu và được sống trong tình yêu một cách trọn vẹn.
* Dù sao, cuộc đời vẫn là câu nói “đời không cho ai cái gì tất cả”. Vậy “cái mất” - ví dụ, nếu có - trong cuộc đời của Amanda Huynh?
- Nếu suy nghĩ theo hướng duy cảm xúc, sẽ có nhiều người nhún vai bảo rằng, ở từng này tuổi đáng ra phải có một gia đình và những đứa trẻ, phải sống êm đềm, phải quần là áo lụa, phải… Nhưng tất cả những thành công hay thất bại của cuộc đời là kết quả của những sự chọn lựa. Và nếu đã “được” chọn lựa, biết rõ ràng được - mất thì khi ấy, cái mất cũng không còn được xem là “mất” nữa.
* Sống lý trí quá rồi vậy trái tim có còn chỗ cho “tình yêu là chiếc lá xanh…”?
- Tôi luôn thấy mình như cô gái đã đứng lặng trước cánh cửa gỗ của một căn nhà cũ, nhìn trân trối lên vòm cây phủ kín mái nhà và chờ hoài một bàn tay không bao giờ mở cửa. Có bao mùa mưa, có bao mùa nắng. Có những ngày cô gái ấy đã hát những bản tình ca. Mà không ngờ rồi cũng có những ngày dưới cơn mưa giá buốt của mùa đông, nước mắt hay nước mưa không còn phân biệt được. Không nắm một bàn tay nào, cô tự mình đi về, lặng lẽ bỏ lại sau lưng tiếng chuông nhà thờ lúc chiều chạng vạng.
Đôi lúc tuyệt vọng, cô chỉ muốn nhớ những tiếng cười và quay lưng trước những ngày ủ dột. Để rồi một sớm mai, thức dậy, thấy tóc mây không còn xanh thiên thanh như ngày trước. Bỗng thấy kỷ niệm, dù đớn đau, dù hạnh phúc, như những thước phim trắng đen, quay chậm về cuộc đời mình, trở nên đẹp đẽ vô cùng. Bỗng thấy, mình đã từng sống, đã từng khờ dại và từng khao khát những yêu thương. Và vẫn muốn khát khao lần nữa, yêu thương lần nữa, thậm chí là khổ đau lần nữa…
* Cũng hơi lạ là rất nhiều người chọn cách viết du ký, Amanda Huynh lại không. Liệu rằng sẽ có tiếp một cuốn sách kiểu như Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương như Ngô Thị Giáng Uyên đã từng viết cho nước Pháp?
- Cuốn sách tiếp theo dự kiến ra mắt độc giả sẽ là một cuốn du ký đầy hình ảnh và màu sắc về Paris. Những ngóc ngách bí mật nhất sẽ được tái hiện qua 400 bức ký họa, cùng những câu chuyện về Paris mà chưa chắc người Paris nào cũng biết. Ví dụ như “bí mật” tháp, lời nguyền của một nàng công chúa xinh đẹp trong nghĩa trang Père de la Chaise mà không ai giải được… Xin đợi cuốn sách tiếp theo của Amanda vào cuối năm nhé!
* Cảm ơn Amanda Huynh!
Tiểu Quyên (thực hiện)