Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021)

Ấm tình quân dân trong đại dịch

22/12/2021 - 06:21

PNO - TPHCM đã trải qua những tháng ngày cam go nhất của cuộc chiến chống dịch bệnh. Trong cuộc chiến ấy, hàng ngàn chiến sĩ nữ đã ra tuyến đầu. Họ trực chốt, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, có bệnh nền…

1. Căn nhà khuất sâu trong một con hẻm nhỏ. Mấy sợi dây màu đỏ mỏng mảnh sờn cũ còn lủng lẳng trước nhà. Tấm bảng “cách ly y tế” qua mấy cơn mưa đã cũ mèm, bạc thếch. Đại úy Nguyễn Thị Thu Thảo (Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hóc Môn) khẽ khàng gõ cửa. Người đàn bà lớn tuổi đón chị bằng ánh nhìn ngơ ngác. “Thưa dì, con muốn hỏi điều này, nhưng nếu không đúng với trường hợp của gia đình thì xin dì lượng thứ” - trong bộ quân phục, đại úy Thảo ái ngại. “Cô bộ đội cứ nói, tui xin nghe” - người đàn bà lộ rõ sự mệt mỏi. “Hồi tháng 8, có phải nhà mình có một thai phụ nhập viện để điều trị COVID-19, nhưng đứa trẻ…”. Đại úy Thảo chưa hết câu, người đàn bà nghẹn giọng: “Là nhà tui, đứa trẻ là cháu tui”. 

Từ trong nhà, một phụ nữ khoảng ngoài 20 tuổi, dáng hình nhỏ bé, gương mặt đầy nước mắt ào ra: “Em là mẹ bé. Em chờ con hoài mấy tháng nay. Bệnh viện báo bộ đội đang giữ, nhưng em chờ hoài”. Chờ cho cơn xúc động của hai phụ nữ lắng dịu, đại úy Thảo chậm rãi hỏi thăm một số thông tin xác minh. P. - tên của người phụ nữ trẻ - từng vào Bệnh viện Hùng Vương điều trị COVID-19. Khi đó, P. đang mang thai 7 tháng. Bệnh diễn biến nhanh, các bác sĩ buộc phải mổ lấy con ra để cứu sống người mẹ. Thi hài trẻ được Bộ Tư lệnh TPHCM hỏa thiêu. Lúc bấy giờ, trong cơn hoảng loạn, P. không cho đúng thông tin, địa chỉ của gia đình, cả số điện thoại cũng sai. Hai tháng ròng, bình tro cốt của đứa trẻ vẫn còn đó. 

Đại úy Thảo không nằm trong lực lượng trao gửi tro cốt cho thân nhân người tử vong vì COVID-19 của đơn vị nhưng khi được một đồng nghiệp nhờ tìm địa chỉ, chị đồng ý ngay: “Vì tôi nghĩ hoài về chuyện này. Gia đình của đứa trẻ có lẽ đang rất mong con, nhất là người mẹ. Có điều, mang chuyện buồn như vậy đi gõ cửa xác minh là rất ngại. Không hiểu sao chỉ trong một buổi chiều, tôi đã đi đúng con đường rồi chọn đúng căn nhà đó để bước vào”. Hơn 20 năm theo nghiệp binh, những ngày tháng chiến đấu với đại dịch COVID-19 mang lại bao cảm xúc đan xen cho đại úy Thảo.

Đại úy Nguyễn Thị Thu Thảo đang phân rau do các mạnh thường quân gửi tặng để mang ra phiên chợ 0 đồng hỗ trợ cho người dân trong những ngày chống dịch căng thẳng
Đại úy Nguyễn Thị Thu Thảo đang phân rau do các mạnh thường quân gửi tặng để mang ra phiên chợ 0 đồng hỗ trợ cho người dân trong những ngày chống dịch căng thẳng

Ngày 26/7, TPHCM bước vào tuần thứ ba áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đại úy Thảo nhận lệnh tham gia phòng, chống dịch. Gần ba tháng ròng, chị phối hợp trực ở các chốt kiểm soát COVID-19, luân phiên từ Cầu Xáng qua chốt Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), đến chốt giáp ranh huyện Bình Chánh - tỉnh Long An. Công việc không vất vả nhưng khiến chị ưu tư. Chị kể, lúc trực chốt, có một người đàn ông ngày ngày dắt chiếc xe đạp lủng lẳng chai nhựa, bao ni-lông để đi lượm ve chai. Ông cứ đi đến chốt, được nghe giải thích, mới chịu quay về. “Có lúc, kíp trực muốn xử phạt ông, nhưng nghĩ lại thấy thương” - đại úy Thảo chia sẻ. 

Không việc làm, không còn tiền đóng trọ, một số người liều mình vượt chốt, mong về được quê. Đôi vợ chồng chỉ có 20.000 đồng, trên chiếc xe chất đầy áo quần, quạt máy, bếp gas cùng đứa con đỏ hỏn, chào đời khoảng hai tháng xin cho qua chốt để về quê Bạc Liêu. Một cụ ông lỉnh kỉnh áo quần, chén bát giữa cơn mưa nặng hạt, xin cán bộ cho qua chốt để về quê Cần Thơ… “Chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh của họ nên phần lớn là động viên, khuyên nhủ họ quay trở lại nhà trọ. Hơn nữa, có qua được chốt này thì không biết những chốt sau ở các tỉnh khác có cho qua không” - đại úy Thảo tâm sự.

Thuyết phục quay về, nhưng để tạo sự an lòng cho người dân, chị Thảo cùng lực lượng trực chốt liên tục gọi cho chính quyền địa phương, đề nghị giải quyết. Mỗi ngày đi làm, chị Thảo đều để sẵn trong túi một ít tiền để gửi tặng những hoàn cảnh quá khó khăn. Công tác ở chốt trực nào, đại úy Thảo cũng được người dân thương mến. Họ thường mang cho chị rau, củ, quả. Cùng với rau củ được đơn vị phân cho, sau giờ trực chốt, chị Thảo mang đến các xóm nhà trọ gửi tặng lại cho người dân. 

Bà P. - sống đơn chiếc trong căn phòng trọ nhỏ ở huyện Hóc Môn - nhớ lại: “Tự dưng buổi trưa, tui nghe gõ cửa. Bước ra thì thấy bịch quà và dáng cô Thảo rời đi. Mừng lắm. Tui qua được mùa dịch cũng nhờ mấy bó rau, hộp cơm mà cô Thảo mang từ chốt về cho”.

2. Căn phòng chỉ chừng 6m2, đặt tạm mấy tấm nệm mỏng, nhỏ là phòng nghỉ “dã chiến” dành cho các y, bác sĩ của Khoa Điều trị COVID-19 I (Khoa COVID I), Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 7. Cách một bức tường là căn phòng rộng hơn, làm nơi khử khuẩn và thay đồ bảo hộ. Từ đó, bước qua khoảng không nhỏ với một bức tường khác là lối dẫn vào Khoa Điều trị COVID-19. Những bức tường dã chiến được trưng dụng từ đủ loại thùng các-tông, manh chiếu, bao ni-lông… Gần 6 tháng qua, bác sĩ Thái Thị Mỹ Lệ (chuyên khoa 1, Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện) chưa một lần rời khỏi khu vực này.

 

Bác sĩ Thái Thị Mỹ Lệ tận tình chăm sóc cho một nữ bệnh nhân 69 tuổi, đút cho bà từng muỗng cơm và tự tay vệ sinh cá nhân cho bà
Bác sĩ Thái Thị Mỹ Lệ tận tình chăm sóc cho một nữ bệnh nhân 69 tuổi, đút cho bà từng muỗng cơm và tự tay vệ sinh cá nhân cho bà

Hồi đầu tháng 7, khi Bệnh viện Quân dân y Miền Đông được yêu cầu chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Điều trị COVID-19, bác sĩ Lệ viết đơn xung phong chống dịch. Bệnh viện gồm 4 khoa điều trị. Chị được giao phụ trách Khoa COVID I, chuyên tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân nặng và có bệnh nền. Ban giám đốc bố trí một cơ sở lưu trú tinh tươm riêng biệt cho đội ngũ của khoa, gồm 6 thành viên, nhưng bác sĩ Lệ từ chối. Chị nói: “Chúng tôi xác định phải ở gần bệnh nhân. Vài chục bước chân cũng là xa xôi lắm, không kịp cho các tình huống cấp bách”. 

Sức chứa của cả bệnh viện khoảng 400 bệnh nhân, nhưng cao điểm dịch bệnh, Khoa COVID I tiếp nhận, điều trị cho hơn 200 người/ngày. Phòng kín người, bệnh nhân nằm ra hành lang dọc khoa. Sáu y, bác sĩ và điều dưỡng chia nhau xoay xở. Tiếng máy thở rì rì, tiếng vỗ lưng đôm đốp kèm yêu cầu “hít đi, thở đi”. Ca rất nặng, nguy cấp được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Nhưng trong tình hình quá tải chung bấy giờ, nhiều bệnh nhân nhập viện, vừa mới thều thào “bác sĩ ơi, khó thở”, đã tử vong. Lúc đó, mỗi ngày đêm, bác sĩ Lệ ngủ chưa đầy 3 giờ, cơm không kịp ăn. Chị nhớ lại: “Có ngủ cũng mơ màng nghe “bác sĩ ơi” rồi giật mình thức dậy”.

Ở Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, bác sĩ Lệ được mệnh danh là “nữ tướng”. Khoa COVID I đến nay đã điều trị thành công hơn 2.000 bệnh nhân nặng, có bệnh nền. Bệnh nhân M.T.H. - 23 tuổi, ung thư máu, mắc COVID-19, nhập viện ngày 7/10 trong tình trạng lơ mơ, sốt 400C. Vừa tiếp nhận, bác sĩ Lệ liền xin y lệnh: “Phải truyền máu gấp”. Lệnh được duyệt, chị nhanh chóng truyền hai đơn vị máu, hồi sức và cho H. thở oxy. Dần tỉnh, H. trải qua thêm 16 ngày điều trị, cho kết quả xét nghiệm âm tính và được xuất viện. Suốt thời gian đó, bác sĩ Lệ bỏ tiền túi, nhờ người mua mấy hộp sữa để kíp trực thay phiên nhau pha, bón cho H. uống để tăng sức đề kháng. 

Bác sĩ Lệ cho tôi xem một tin nhắn vừa nhận được: “Gia đình chân thành cảm ơn bác sĩ. Mẹ em hôm nay khỏe nhiều, đã hoạt động nhẹ và ăn được. Mẹ chỉ còn buồn chuyện của ba”. Người mẹ trong tin nhắn nói trên là bà X. - 69 tuổi, bị tai biến, bệnh Parkinson, tiểu đường, huyết áp, nhập Khoa COVID I điều trị cùng chồng. Một ngày sau, ông mất. Sợ bà X. sốc, bác sĩ Lệ dặn giấu kín. Nhiều lần đút cháo, vệ sinh cho bà X., bác sĩ Lệ cố kìm nén cảm xúc khi bà X. hỏi thăm về chồng. 

Hoảng loạn, sợ chết là tâm trạng chung của tất cả bệnh nhân ở Khoa COVID I lúc bấy giờ. “Càng hoảng loạn, càng khó thở, nguy hiểm tính mạng. Chúng tôi phải làm đủ mọi cách để tâm lý bệnh nhân ổn định trước tiên” - bác sĩ Lệ chia sẻ. Không ít lần, giữa lúc chạy chữa cho một bệnh nhân, chị chứng kiến một điều dưỡng đang động viên bệnh nhân thì bất ngờ ngất xỉu. Vị “nữ tướng” lập tức lao đến cõng đồng nghiệp ra ngoài trao cho phòng cấp cứu rồi tiếp tục quay lại choàng gánh công việc.

“Phải đến hôm nay, tôi mới dám thở phào, cảm giác vừa đặt xuống một gánh nặng” - bác sĩ Lệ mỉm cười. Khoa hiện chỉ còn hơn 100 bệnh nhân. Công việc đã nhẹ đi rất nhiều, đồng đội được luân phiên thay ca. Dù vậy, bác sĩ Lệ vẫn quyết tâm “trực chiến”. Chị trải lòng: “Vẫn còn bệnh nhân nặng nên tôi chưa muốn nghỉ ngơi”. 

Chị đưa mắt nhìn về cuối hành lang, nơi bệnh nhân N.T.V. - 37 tuổi - đang nằm thở oxy. V. nhập viện được sáu hôm. Trước đó, V. tự điều trị COVID-19 tại nhà, đến ngày thứ năm thì ho dữ dội, lịm dần, nhập viện khi phổi đã tổn thương 35%. Ở căn phòng đầu khoa, ông H.V.T. - 62 tuổi, bị tai biến, nằm một chỗ gần 10 năm qua - mắc COVID-19, ngỡ đã chết ngay hôm nhập viện cấp cứu. Sức khỏe ông hiện tiến triển tốt. 

3. Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, Bộ Tư lệnh TPHCM đã huy động hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia phòng, chống dịch, trong đó có hàng ngàn phụ nữ. “Làm lính thì phải luôn sẵn tinh thần cho mọi nhiệm vụ” - đại úy Thảo khẳng định. 

Tháng 3/2021, chị Thảo lập gia đình, cuối tháng 4 thì tham gia cấm trại 24/7, sau đó trực chốt kiểm soát. Đơn vị bố trí để chị xong việc là có thể trở về nhà, nhưng: “Mẹ tôi bệnh, nằm một chỗ nhiều năm nên mỗi lần về, tôi chỉ dám đứng từ xa hỏi thăm”. Trong lúc đi trực chốt, chị Thảo phải nhờ người chồng mới cưới chăm sóc mẹ.

Những ngày này, nữ dân quân Trần Thị Thanh Thủy đã có thể thở phào với nhiệm vụ lấy thông tin, phát thuốc, hỗ trợ cho các F0 điều trị tại nhà theo phân công của Ban Chỉ huy Quân sự P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức. Chị bắt đầu nhiệm vụ này từ giữa tháng Chín. Trước đó, chị được Ban Chỉ huy Quân sự TP.Thủ Đức điều động tham gia đi lấy mẫu xét nghiệm cho cộng đồng. “Rất nhiều người test ra kết quả dương tính, làm tôi cũng sợ. Nhưng tôi lo sợ cho họ hơn vì khi đó, không nhiều người muốn nhập viện điều trị”. 

Nữ dân quân Trần Thị Thanh Thủy tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng
Nữ dân quân Trần Thị Thanh Thủy tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng

Chị nhớ như in một thai phụ có chồng mắc COVID-19. Sau khi chồng đi cách ly điều trị, người vợ “cố thủ” trong phòng, không cho ai xét nghiệm. Chị Thủy thuyết phục, động viên và phân tích thiệt hơn, người phụ nữ mở cửa cho chị vào lấy mẫu, kết quả dương tính, được đưa đi điều trị và đến nay đã mẹ tròn con vuông, gia đình đoàn tụ.

Chị Thủy cho hay, nhìn lại, chị không thấy mình vất vả trong những ngày tham gia chống dịch, chỉ buồn khi cha mẹ và con nhỏ mới ba tuổi rưỡi đều dương tính mà chị không thể ở cạnh để chăm sóc. 9g sáng một ngày giữa tháng 8, khi đang lấy mẫu xét nghiệm cho một xóm trọ, chị Thủy nhận tin người dì mắc COVID-19. Chỉ 2 giờ sau, dì mất. Chị nén nỗi đau, tiếp tục chuyến công tác của mình.

Được gọi là “nữ tướng”, nhưng thi thoảng, bác sĩ Thái Thị Mỹ Lệ vẫn thấp thỏm khi nghĩ đến người thân của mình. Chồng chị - một quân nhân đã về hưu - mắc bệnh ung thư. Gần nửa năm không rời Khoa COVID I là chừng ấy thời gian bác sĩ Lệ “yêu cầu” anh phải ở trong nhà. Chị điều phối từ xa chuyện cơm nước, chợ búa của gia đình, nhờ người mua giúp, mang đến trước cửa nhà cho chồng.

Mới đây, bác sĩ Lệ vinh dự là một trong 97 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19. Tặng món quà đó cho chồng, chị gửi đến anh lời cảm ơn bởi đã không ngừng động viên chị an tâm công tác, và còn biết nghe “mệnh lệnh” của chị. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI