Ấm tình quân dân

17/12/2015 - 14:57

PNO - “Với lính đảo, không sợ kham khổ, chỉ sợ thiếu tình cảm. Đến ngày Tết, các anh em ngồi với nhau nấu bánh chưng, tổ chức văn nghệ xôm tụ lắm..."

Khi người dẫn chương trình hỏi: “Điều anh mong muốn nhất lúc này?”, chiến sĩ Nguyễn Thành Giang, pháo thủ tăng tại đảo Nam Yết - Vùng 4 Hải quân ngậm ngùi: “Tôi chỉ ước được gặp mẹ, gần hai năm rồi chưa được gặp mẹ, nhớ mẹ lắm!”. Người dẫn chương trình thông báo sẽ dành cho Giang một món quà. Và, bất ngờ mẹ anh xuất hiện. Giang lao xuống sân khấu, khóc nức nở trong vòng tay mẹ…

Giang là một trong 85 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc được vinh dự về thăm TP.HCM từ 12/12-18/12. Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức một buổi giao lưu ấm tình cho đoàn cùng các nữ thanh niên tiêu biểu và hội viên vào sáng 15/12.

Am tinh quan dan
Nguyễn Thành Giang trong vòng tay của bà và mẹ - Ảnh: P.Huy

Những chiến sĩ hải quân thoáng chút... bối rối khi được các bạn nữ xinh đẹp choàng chiếc khăn rằn lúc vừa tiến vào trụ sở Hội LHPN TP. Đại tá Nguyễn Văn Thư, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đại diện các cán bộ, chiến sĩ xúc động: “Về thăm thành phố, thấy thành phố thay đổi nhiều, lòng chúng tôi lâng lâng. Hàng ngày, khi làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi đều nghĩ về đất liền và luôn mong người dân đất liền được sung túc, bình yên”.

Đại tá Thư chân tình chia sẻ: “Năm 2015, tình hình Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, căng thẳng. Trung Quốc tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khẳng định chủ quyền yêu sách theo “đường lưỡi bò”, đẩy mạnh việc xây dựng, tôn tạo, mở rộng các đảo chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa. Đoàn Trường Sa đóng quân phân tán, độc lập tại 33 điểm đảo trên vùng biển rộng lớn, xa đất liền; nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. Thế nhưng, các cán bộ, chiến sĩ vẫn vững vàng với nhiệm vụ khi được đất liền ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình. Chúng tôi luôn nêu cao ý chí quyết tâm “còn người, còn đảo, còn chủ quyền”.

Chiến sĩ Nguyễn Thành Giang bộc bạch: “Từ nhỏ, xem ti vi, tôi thấy hình ảnh những người lính hải quân với đồng phục trắng đẹp quá. Lớn lên, càng tìm hiểu tôi càng yêu lính hải quân hơn và vun đắp ý định xung phong nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc”.

Nhưng cũng như bao chiến sĩ trẻ khác, Giang hơi choáng khi ngày đầu ra đảo làm nhiệm vụ, bởi mọi thứ không lãng mạn và “nhẹ nhàng” như trong phim ảnh. Một chàng trai người Sài Gòn vốn chưa quen vất vả, đã nhanh chóng được trui rèn và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Giang bảo: “Với lính đảo, không sợ kham khổ, chỉ sợ thiếu tình cảm. Đến ngày Tết, các anh em ngồi với nhau nấu bánh chưng, tổ chức văn nghệ xôm tụ lắm, nhưng lúc nào cũng đau đáu ước muốn được về nhà trong ba ngày Xuân”.

Lên sân khấu ôm con vào lòng, mắt chị Hà Thị Thừa (mẹ Giang) đỏ hoe: “Vẫn biết con đi vì nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc, nhưng cứ nghĩ đến con là khóc thôi, dù con đã trưởng thành, lập nhiều chiến công nhưng tôi vẫn thấy con bé bỏng”.

Khó kể hết được những thiệt thòi của lính trẻ khi tòng quân nơi đảo xa. Chiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, công tác tại đảo Sơn Ca, Vùng 4 Hải quân rưng rưng khi kể về câu chuyện trở thành bộ đội hải quân. Cách đây hai năm, khi đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Nhân bất ngờ thông báo với gia đình về việc “muốn đăng ký nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc”. Bố mẹ can ngăn, bởi chẳng ai muốn việc học hành của con trai dang dở. Thế nhưng, ông ngoại của Nhân lên tiếng ủng hộ. Sau đó các thành viên trong gia đình cũng xuôi theo.

Nhân cho biết, anh sẽ trở lại giảng đường sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. “Tôi muốn gửi lời đến các bạn trẻ khác rằng, các bạn hãy yên tâm học hành và làm việc để xây dựng thành phố, xây dựng đất nước, ngoài biên cương, nơi đảo xa đã có chúng tôi ngày đêm canh giữ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nếu bạn nào có điều kiện cũng nên tham gia nghĩa vụ quân sự như tôi, bởi sẽ được trải nghiệm ở một trường học ý nghĩa mà không trường học nào khác dạy được”.

Am tinh quan dan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI