Ẩm thực Việt: Khoảng trống trên phim, “tả pí lù” trên YouTube

22/09/2020 - 07:00

PNO - Màn ảnh nhỏ có rất ít phim về đề tài ẩm thực, ngược lại, “vai trò” quảng bá món ngon Việt Nam dường như lại nghiêng hẳn về đội ngũ làm YouTube. Tiếc thay, cuộc đua làm clip ẩm thực trên mạng ngày càng có nhiều hệ lụy.

Từ ngày 22/9, khán giả bắt đầu được xem bộ phim truyền hình Việt hóa Vua bánh mì của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Điền (20g thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần, trên kênh THVL1). Bối cảnh chính ở cửa hàng sản xuất bánh kẹo của “vua bánh mì” Kao Siêu Lực.

Trước ngày Vua bánh mì chính thức được bấm máy, các diễn viên phải đến học làm bánh tại đây. Đạo diễn yêu cầu khi lên phim, tất cả nhân vật trong tiệm bánh đều phải thuần thục mọi thao tác như thợ làm bánh có nghề. 

Những cảnh quay làm bánh trong phim Vua bánh mì được thực hiện công phu
Những cảnh quay làm bánh trong phim "Vua bánh mì" được thực hiện công phu

Đạo diễn Phương Điền cho biết, các món bánh mì trong phim đã được chỉnh sửa phù hợp với văn hóa Việt. Bánh mì Việt Nam từng là biểu tượng được tôn vinh trên Google Doodle, ý thức được giá trị bản sắc, đoàn làm phim đã rất cẩn trọng và công phu trong những phân đoạn quay cảnh làm bánh.

Vua bánh mì không hẳn là phim về ẩm thực, nhưng có thể xem đây là phim truyền hình hiếm hoi đầu tư công phu cho những cảnh quay về nghề làm bánh và tôn vinh món bánh mì nói riêng. Trước đó, bộ phim Gạo nếp gạo tẻ 2 cũng mang đến cho người xem những thước phim vô cùng bắt mắt, tinh tế về những món ngon Việt Nam: bún, cháo, bánh xèo… là một nỗ lực tâm huyết dành cho ẩm thực Việt của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh.

Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) vừa công nhận năm kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt: đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới, đất nước có nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới, đất nước có nhiều món ăn chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới, đất nước có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới và đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới.

Chỉ bao nhiêu đó thôi, đã thấy cả một kho tàng tinh hoa ẩm thực vô cùng tự hào của Việt Nam. Vậy nhưng, ngoài phở từng được xuất hiện trong phim Mùi ngò gai (2006) và Kungfu phở (2015), màn ảnh nhỏ nhiều năm qua rất hiếm phim khai thác đề tài ẩm thực. Nếu có, cũng chỉ được làm rất qua loa. 

Phim truyền hình nhiều năm qua nổi lên những phim Việt hóa, hoặc chủ yếu đề tài hình sự, hôn nhân - gia đình. Có vẻ như các biên kịch đã bỏ quên một mảng đề tài cực kỳ phong phú và rất ý nghĩa: ẩm thực Việt. Trong khi đó, đây là đề tài “hái ra tiền” cho các kênh về ẩm thực trên YouTube.

Nhưng sự “nhộn nhịp” của các kênh YouTube ẩm thực càng lúc cho thấy nhiều hệ lụy. Để câu view, không ít youtuber đã nghĩ ra đủ mọi cách “quái dị” nhất. Điển hình mới đây là chuyện con trai bà Tân - Hưng Vlog quay clip nấu cháo gà còn để nguyên lông (đã bị phạt 7,5 triệu đồng). Một số youtuber khác còn nghĩ ra trò ăn thịt sống rất phản cảm. 

Bánh mì Việt lên màn ảnh nhỏ - trong phim Vua bánh mì của đạo diễn – NSƯT Nguyễn Phương Điền
Bánh mì Việt lên màn ảnh nhỏ - trong phim "Vua bánh mì" của đạo diễn – NSƯT Nguyễn Phương Điền

Một số kênh YouTube ẩm thực được yêu thích hiện nay có thể kể: Khoai Lang Thang, Ẩm Thực Mẹ Làm, Hương vị quê hương, Cô Ba miền Tây… Tuy nhiên, trong chừng mực cho phép, các kênh ẩm thực trên YouTube cũng chỉ bước đầu góp phần giới thiệu, quảng bá những món ăn ngon các vùng miền. Còn để có câu chuyện, tình yêu, thân phận… thì phải cần đến sự nhào nặn của những bàn tay biên kịch, đạo diễn mới mong có được những thước phim đẹp về nghề, về người và những giá trị tinh túy của ẩm thực Việt. Tiếc thay, màn ảnh nhỏ cho đến bây giờ vẫn là khoảng trống rất lớn về đề tài này. 

Giữa tháng 7/2020, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tổ chức casting diễn viên cho series sitcom Căn bếp tình yêu. Dự án được giới thiệu sẽ là phim về tình yêu và ẩm thực, dự kiến phát sóng trên dịch vụ theo yêu cầu DANET. Cũng chưa thể nói trước được điều gì. Còn trong kế hoạch sản xuất nhiều đơn vị làm phim khác, có không ít các kịch bản Việt hóa chuẩn bị bấm máy.

Nếu cứ mải mê chạy theo những bộ phim vay mượn của nước ngoài, đến bao giờ chúng ta mới có được những bộ phim thật sự là “của mình”, để tự tin giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của đất nước mình ra thế giới? 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI