Tôi có một người bạn rất giống mình, thích món lạ để thêm yêu món Việt. Bạn tôi tuy xa Việt Nam đã hơn 30 năm nhưng vẫn yêu tha thiết mảnh đất hình chữ S, vẫn thường nấu món Việt, nói tiếng Việt để con cái trong nhà không quên nguồn cội. Còn tôi, trong hành lí luôn gọn nhẹ, giản tiện vẫn có ít gia vị để có thể sẵn sàng “lăn vào bếp”.
|
Người viết hướng dẫn học sinh cấp III Pingbei làm món gỏi cuốn |
Dù nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ bữa cơm cuối năm mình chuẩn bị cho gia đình Nicoletta, một nhà báo, giáo sư người Ý từng cùng cộng sự tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu y tế vì tình yêu dành cho Việt Nam.
Các con của Nicoletta chưa từng đến Việt Nam nhưng vô cùng tò mò về đất nước nơi mẹ chúng thường xuyên ghé thăm và mang về nhiều câu chuyện thú vị. Thực đơn của tôi đơn giản: chả giò, cà tím chiên nước mắm gừng ớt, canh bún nấu với nấm - đậu hũ non.
Thực ra tôi đã nấu những món này chỉ cách đó vài ngày cho gia đình bạn tôi đúng dịp Giáng sinh. Tuy Oberkirch là thành phố nhỏ ở phía Nam nước Đức nhưng tôi dễ dàng tìm thấy một vài cửa hàng chuyên bán thực phẩm châu Á, trong đó có cả nơi bán đủ loại thực phẩm made in Việt Nam. Vì vậy, việc đi chợ, tìm mua nguyên liệu vô cùng đơn giản.
Ngược lại, tại Rome, tôi và Nicoletta đã phải bắt bốn chuyến xe bus, đi hết siêu thị lớn nhỏ lẫn chợ vẫn không tìm thấy nước mắm, chưa kể bánh tráng thì chỉ được bán ở vài nơi, trong cửa hàng của người Hàn, Trung Quốc. Ngay lúc tôi sắp bỏ cuộc, đã tìm phương án thay thế, trên đường về nhà, chúng tôi đi ngang qua một cửa hàng tạp hóa nhỏ của người Pakistan, rẽ vào hú họa nhưng kỳ lạ thay, trên kệ có chai nước mắm…
Tôi đã reo lên: “A, đây rồi!” dù lòng không khỏi buồn khi đọc nhãn made in Thailand. Khoảnh khắc ấy đã trở thành lịch sử, hơn một năm sau Nicoletta vẫn còn nhắc đến với tiếng cười giòn tan.
Sau vài tiếng đứng bếp, tôi dọn bữa tối như một món quà cho những người bạn, lòng khấp khởi chờ đợi nhận xét. Bởi lẽ những thực khách của tôi, nhiều người trong số đó đã từng thử nước mắm và hoàn toàn không thích mùi lẫn vị. Do vậy, tôi đã phải thuyết phục họ cho mình cơ hội để thử loại gia vị quốc hồn quốc túy này một lần nữa.
Với cách pha nước mắm ớt tỏi học từ mẹ tôi với chanh, đường, ớt hiểm, tỏi, chút hành tươi/ khô được khử vàng trong dầu và chút nước lọc, tôi đã thay đổi định kiến về nước mắm của gia đình Miriam lẫn các con của Nicoletta hay Marieke, người bạn ở Bruges, Bỉ.
Với những người bạn ở các nước châu Á, tôi cũng thường trao đổi văn hóa ẩm thực trong nhà của họ để đổi lại những trải nghiệm khó quên. William ở Taipei, người bạn tôi vừa gặp khi cậu phụ mẹ bán món gỏi cuốn Đài Loan đặc biệt, từng du học nhiều năm tại Canada, bảo: “Ở Vancouver có nhiều nhà hàng Việt Nam, tao đã từng thử phở, bún, miến và thấy thích hơn cả món Thái, Mã, lẫn Indo vì cách dùng nguyên liệu của món Việt cân bằng hơn, mùi vị cũng không gây ngấy như các nước khác. Tiếc một nỗi, khi về Đài Loan, Đài Bắc, không có nhiều nơi tao có thể lui tới để thưởng thức ẩm thực Việt. May mà có mày, tao lại được nếm nước mắm cho đỡ nhớ”.
|
Món Việt “giao lưu” với món Malaysia |
Tôi biết William không chỉ nhớ những lúc đi ăn nhà hàng Việt mà còn nhớ mảnh đất cậu ấy trải qua đời sinh viên.
Miyako, bạn chung phòng người Nhật, từng đến Việt Nam cùng bạn và lê la gần hết các quán ăn vỉa hè ở trung tâm Sài Gòn. Dù hai năm đã trôi qua nhưng thời điểm tôi và Miyako gặp nhau, cô ấy vẫn còn nhớ rõ từng vị của các món ăn, phân biệt được giữa hủ tíu với bún bò, bánh tráng nướng thông thường với bánh tráng nướng kiểu Đà Lạt, mì Quảng với bánh canh.
Chúng tôi cùng nhau thử nhiều món ăn, thức uống, hào hứng trao đổi đề tài ẩm thực trong suốt 6 ngày đồng hành trên một vùng đất xa lạ và trở nên thân thiết đến mức đã hẹn nhau sẽ vào bếp trổ tài nấu nướng. Miyako sẽ nấu món Nhật với ramen, sushi, còn tôi chắc chắn là phải đãi bạn mình món gỏi hoa chuối, bún cá thu nấu chua ngọt.
Chẳng ngờ đâu, tôi đã làm hai món ấy cho Rita và các giáo viên ở trường tiểu học Alian, thuộc thành phố Cao Hùng trước khi Miyako được thưởng thức. Hơn 10 thầy cô giáo, cả thầy hiệu trưởng đã lên kế hoạch thưởng thức món gỏi cuốn, bún cá thu nấu chua ngọt của tôi từ một tháng trước ngày tôi khởi hành. Chúng tôi đã cùng nhau ra chợ, chọn mua cá, cùng sơ chế và nấu ăn với các loại nguyên liệu khác đã được một vị phụ huynh dựa theo hình ảnh tôi gửi mà tìm mua từ ngày hôm trước.
Tôi hướng dẫn các cô giáo trẻ nhặt rau, luộc thịt sao cho thơm với hành tím nướng, nhanh mềm lại ngọt với dứa, ướp và nấu món bún cá thế nào… Lần đầu tiên họ quây quần bên nhau cắt thịt luộc, dứa, dưa leo thành những thanh dài, thoa ướt những cái bánh tráng rồi cuộn các loại rau thơm kèm bún gạo. Ai cũng hào hứng, cười nói hồ hởi, chẳng ngại gói ghém một ít nguyên liệu mang về nhà, hay tỉ mỉ ghi chép lại công thức chế biến để tự trổ tài cho gia đình.
Các công đoạn này cũng được lặp lại tương tự với Sasha cùng đồng nghiệp khi cả hai mời tôi đến chơi nhà. Người Đài Loan không ăn cay nên tôi phải gia giảm gia vị sao cho vừa miệng, lại không thay đổi hương vị nguyên bản của món ăn. Đổi lại, tôi được họ khoản đãi món ngon quê hương ở xa tận mãi Malaysia, cùng những câu chuyện gắn liền với tình cảm mến yêu của người mẹ tảo tần luôn mong ngóng con gái ghé thăm.
Tôi cũng đã kể về mẹ mình trong lúc hướng dẫn 70 cô cậu học trò lớp 11 ở trường Pingbei, thuộc tỉnh Pingtung, Đài Loan. Rằng mẹ đã dạy tôi nếu thêm dứa vừa chín tới vào thành phần nguyên liệu của món gỏi cuốn thì vị của món ăn sẽ được cân bằng hơn; rằng hãy nấu ăn bằng trái tim, đặt tình yêu vào đấy.
Giữa “muôn trùng vây” của bảy nhóm học sinh, cả trai lẫn gái đều nghiêm túc học cách chế biến món gỏi cuốn được mẹ tôi gia giảm nguyên liệu lẫn nước chấm, nỗi buồn mất mẹ của tôi được khuây khỏa phần nào. Tôi đoán chắc, nếu lúc ấy mẹ tôi đứng giữa không gian tràn ngập mùi vị Việt Nam, ở một thành phố mà nếu muốn tìm mua nước mắm bạn phải đi mòn cả chân, bà hẳn sẽ ưỡn ngực tự hào.
Vậy đó, ẩm thực luôn là một phần quan trọng của một nền văn hóa, cách nhanh nhất để ghi dấu ấn trong lòng du khách mặc cho họ đã thực sự ghé chân đến hay chỉ dạo chơi trên chiếc bàn ăn. Chính những người bạn mới, chịu thử món Việt do tôi nấu, háo hức lắng nghe câu chuyện văn hóa thông qua món ăn khiến tôi thêm hào hứng học nhiều món mới, cách bài trí món ăn chuyên nghiệp hơn.
Bởi lúc này, tôi không chỉ đơn giản là một người bạn hào hiệp mà còn là đại sứ của Việt Nam dù trong phạm vi rất nhỏ, nhưng… miệng truyền miệng và thêm một người yêu nước Việt là thêm một niềm hạnh phúc mà tôi chắc chắn ai cũng muốn được nếm trải.
Ái Nhi