Vào đúng sinh nhật lần thứ 66 của đạo diễn Lý An, ngày 23/10, tôi tình cờ xem lại bộ phim Ẩm thực nam nữ (Eat drink man woman) của ông. Ra mắt từ năm 1994, bộ phim được xem như bước ngoặt lớn trong sự nghiệp lẫy lừng của Lý An sau này. 27 năm đã trôi qua nhưng triết lý đơn giản của bộ phim - “Ẩm thực nam nữ - thức ăn và tình dục là những ham muốn cơ bản của con người, không thể tránh được” dường như vẫn luôn đúng dù chúng ta đang ở thời đại nào.
Tài “nội trợ” của Lý An
Lý An từng là một “ông nội trợ” đúng nghĩa trong suốt mười năm, khi ông thất nghiệp và không thể tìm được công việc làm phim ở Hollywood. Quãng thời gian đó, ông ở nhà “nấu cơm, lau dọn nhà cửa, chờ vợ về” như lời phát biểu của ông nhân sự kiện ra mắt phim Cuộc đời của Pi vào năm 2012. Dường như những ngày “sung sức nhất đời người” - theo lời Lý An - đã giúp ông hiểu và thấu được hình ảnh một người đàn ông với bếp núc chai lọ. Ẩm thực nam nữ có được sự sâu sắc khác lạ, mà theo đánh giá của giới chuyên môn, một phần nhờ vào tài… nội trợ của Lý An.
|
Qua Ẩm thực nam nữ, đạo diễn Lý An đã bày biện một bữa tiệc lớn phô bày mọi ngóc ngách của một gia đình vốn mang đậm văn hóa truyền thống phương Đông nay đang dần bị đời sống hiện đại cuốn phăng đi. |
Có lẽ vì thế, dù sau này có hàng loạt tác phẩm đưa tên tuổi của ông vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ, với khán giả, Ẩm thực nam nữ có lẽ vẫn là bộ phim đúng chất Lý An nhất: không quá tham lam thoại, không quá cầu kỳ trong việc chọn diễn viên, không quá khắt khe trong từng khuôn hình, biểu đạt mọi thứ xung quanh thật đơn giản nhưng lại lồng vào nhiều bất ngờ thú vị. Khác với sự hoành tráng của các bộ phim khác có đề tài về ẩm thực, Lý An không có ý đồ truyền cảm hứng về việc nấu nướng. Dường như điều ông muốn gửi gắm chính là sự quan tâm dành cho nhau giữa những người đang sống dưới một mái nhà.
Toàn bộ Ẩm thực nam nữ chỉ quẩn quanh chuyện gia đình ông Chu - nhân vật chính của phim (diễn viên Lang Hùng thủ vai) - một đầu bếp nổi tiếng, góa vợ, đang sống cùng ba cô con gái đã trưởng thành - một câu chuyện mà ta có thể dễ dàng nhìn thấy xung quanh mình. Chúng ta có thể nhắm mắt lại và hình dung mọi thứ rõ mồn một, quen thuộc đến ngỡ ngàng như chính chúng ta là người trong cuộc.
|
Từ đầu cho đến kết phim, không ít lần khán giả phải ồ à trước cảnh bàn ăn ăm ắp thức ăn của gia đình ông Chu vào những cuối tuần |
Đó là một ông già hết tuổi lao động, ở nhà và nhận trách nhiệm chuẩn bị những bữa cơm cho cả nhà vì vợ ông mất sớm. Sống cùng ông là những cô con gái đang vật lộn với cuộc đời, kiếm tiền và mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Họ dường như chẳng có gì để nói với nhau bởi ai cũng có những bận rộn, toan tính của riêng mình. Trong khi đó, ông Chu đã dùng tài bếp núc của mình như sợi dây vô hình mà hữu ý kéo những con người rời rạc đó lại gần nhau. Chỉ bấy nhiêu cùng một mạch phim chậm buồn, nhưng Lý An đã chiêu đãi chúng ta một đại tiệc thị giác thực sự.
Dù ẩm thực phương Đông, đặc biệt là ẩm thực Trung Hoa lên phim không ít, có lẽ chỉ tay nghề điêu luyện của Lý An mới đủ khiến khán giả say đắm những thước phim rặt chuyện bếp núc. Từng món ăn được bày biện như nỗi lòng của người cha luôn khát khao mang đến cho con mình những gì ngon nhất. Người Trung Hoa vẫn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực lâu đời của dân tộc mình, luôn muốn quảng bá nghệ thuật ẩm thực truyền thống ra thế giới, nên quả không phí lời khi khen Lý An đã dành rất nhiều tâm huyết để bày “mâm bát” với ý đồ khoe món ăn Trung Hoa rất rõ ràng. Thậm chí có người từng nói, khi xem Ẩm thực nam nữ, họ lên cơn thèm ăn không cưỡng lại được.
Còn đó những bữa cơm nhà…
Từ đầu đến kết phim, không ít lần khán giả phải ồ à trước cảnh bàn ăn ăm ắp thức ăn của gia đình ông Chu vào những cuối tuần. Cách Lý An chọn bàn ăn làm bối cảnh chính là một quyết định vừa liều lĩnh vừa thú vị. Phim như thể cuộc đời - nơi có những công thức được mặc định sẵn, chẳng hạn cứ Chủ nhật sẽ chuẩn bị một bữa ăn tươm tất hơn thường ngày rồi ngồi lại bên nhau như một quy ước ngầm bất di bất dịch - ngày dành cho gia đình. Dường như trong chúng ta, ai cũng từng vướng vào những quy định tương tự - dành thời gian cho gia đình vào những ngày cuối tuần - một cách máy móc và nặng nề. Nhà ông Chu cũng thế, mọi chuyện cứ lặp lại đều tắp vào những ngày cuối tuần.
Lý An đã vô cùng tinh tế khi cài cắm những việc phát sinh xoay quanh cái bàn ăn đó. Những câu chuyện dở dang, những bất ngờ xảy ra đều chỉ quanh cái bàn ăn mang tính tượng trưng cho gia đình ấy - một cái bàn thể hiện đậm nét Lý An, để ăn uống tâm tình, mời mọc khách khứa, gặp mặt... Lý An đã xào nấu, nêm nếm các “món ăn” của ông vừa vặn với khẩu vị của người châu Á. Qua bộ phim, ông đã bày biện một bữa tiệc lớn phô bày mọi ngóc ngách của một gia đình vốn mang đậm văn hóa truyền thống phương Đông nay đang dần bị đời sống hiện đại cuốn phăng đi.
Trên bàn ăn đó, sự ấm áp sum vầy vẫn được cố gắng duy trì nhưng không thành công do những xung đột thế hệ: một bên là một người lớn tuổi vẫn muốn trì níu những giá trị truyền thống, điển hình là những bữa ăn Trung Hoa vào dịp cuối tuần, phía còn lại là những người trẻ luôn muốn thoát ly và khẳng định bản thân theo cách của họ. Dường như đối với Lý An, xung khắc là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển - một cuộc sống mà “văn hóa fast food” lên ngôi.
Bao năm qua, ông Chu khát khao giữ lại giá trị gia đình bằng những bữa cơm và ông dồn hết tâm sức vào đó, cố gắng duy trì điều đó như thói quen của cả nhà. Với người đàn ông ở tuổi xế chiều ấy, thói quen quây quần bên nhau trong những bữa cơm cuối tuần là cách kết nối. Ông xem mỗi món ăn như một niềm hy vọng dù thực tế nó đã chẳng còn đủ sức kết dính những mối quan hệ có sự chênh lệch quá lớn về suy nghĩ, phong cách và cả nhu cầu sống. Đó chính là khác biệt mà chúng ta phải dùng sự thấu cảm để hiểu và chấp nhận nhau, như cách ông Chu đã dùng để hiểu và tôn trọng cách sống của các con mình. Ngoài ra, đó cũng chính là sự cảm thông của Lý An dành cho những xung khắc văn hóa đang diễn ra với sự thay đổi đến chóng mặt của dòng chảy cuộc sống.
Dù sống ở Mỹ suốt một thời gian dài, Lý An vẫn là người mang nặng tư tưởng Á châu. Thế nên với Ẩm thực nam nữ, từ văn hóa, phong cách, chuyện nam nữ cho đến hình ảnh một gian bếp với hàng dao dài xắp gọn gàng được thể hiện đầy ngụ ý xuyên suốt phim luôn có sự kín đáo, chừng mực. Ngay cả cách ông xử lý những câu chuyện trong gia đình cũng rất truyền thống.
Bộ phim kết thúc với hình ảnh một bữa cơm nhà do cô con gái thứ hai của ông Chu đứng ra tổ chức và chỉ một mình ông đến dự. Cô chính là hình ảnh tượng trưng cho dòng chảy tiếp nối truyền thống văn hóa gia đình mà dù cuộc sống có hiện đại đến đâu cũng không thể dễ dàng mai một.
Trailer Ẩm thực nam nữ:
Ẩm thực nam nữ tuy không mang lại cho Lý An những giải thưởng danh giá như các bộ phim đình đám sau này nhưng đây chính là tác phẩm đánh dấu “chất” Lý An rõ ràng nhất. Đặc biệt, sự tái ngộ của Lý An với bộ môn nghệ thuật thứ bảy qua Ẩm thực nam nữ cũng giống như việc ông Chu tìm lại được vị giác của mình sau một thời gian bị mất vị giác. Một đầu bếp nổi tiếng nhưng lại bị mất vị giác khác nào một người được đào tạo về làm phim nhưng không có việc làm. Sự đau đớn và tuyệt vọng như nhau. Sự trân quý và hạnh phúc như nhau.
Lan Khôi