Huyện đảo nhỏ bé của Quảng Ngãi giờ không còn xa lạ với dân mê du lịch và thích ăn ngon. Chỉ cần lướt tay trên điện thoại là có cả núi thông tin về đường đi nước bước, cảnh đẹp... Thế nhưng cái gọi là nét ẩm thực đặc sắc ở Lý Sơn vẫn là điều khó tìm. Sau gần bốn năm, tôi quyết quay lại đảo lần thứ hai lang thang tìm câu trả lời.
Chuyện ổ bánh mì khai vị
Đảo lớn Lý Sơn đãi ngộ tôi một khung cảnh chớm thu thật đẹp. Thời tiết thay đổi nhiều nên qua mùa cuối năm biển vẫn êm. Một chuyến lênh đênh ngắn trên biển cũng đủ làm bụng đói cồn cào. Chẳng kịp suy tư ăn gì, tôi đã tấp vào một xe bánh mì ngay bến tàu, định mua một ổ thật nhiều thịt cho nguôi ngoai cơn giận của bao tử. Nhưng ở dải đất miền Trung này, mọi thứ phải cần kiệm một chút mới đúng phong vị.
Ổ bánh mì ở đảo chẳng có thịt giò chả mà chỉ có nhân là chả cá chiên. Không có bơ hay pa-tê như ở chốn thành đô, ổ bánh mì của đảo dung dị với ít chả cá thái sợi dày, chan xốt cùng ít dưa leo, rau kèm. Chị bán bánh mì nhanh tay rải đậu phộng giã nhuyễn khắp ổ bánh. Vị bùi béo của đậu phộng kết hợp cùng mùi cá tạo ra một ấn tượng khá ngon và khác biệt. Tôi thành thật khuyên nếu bánh mì là món yêu thích của bạn thì phải thử ngay một ổ để thấy món ăn quen thuộc của người Việt được biến tấu theo vùng miền độc đáo thế nào.
Chưa ăn chưa biết cá tà ma
Bữa ăn hải sản đầu tiên của chúng tôi là gỏi rong biển và con cá tà ma trứ danh xứ Lý Sơn. Mùa này, muốn ăn phải lăn vào bếp vì dãy quán ốc sát bờ kè xưa kia giờ cũng chuyển sang… làm tỏi vì ít khách. Bữa hải sản của chúng tôi chủ yếu do chị chủ homestay thực hiện. Theo chị ra cảng, chúng tôi đi tìm mối quen, mua được con cá tà ma khá to với giá khá rẻ rồi mua thêm một ít rong biển để có rau xanh cho bữa ăn.
Giữa tiết trời chớm lạnh, cách chế biến lý tưởng nhất với cá tà ma là nướng mọi. Chẳng cần ướp bất cứ thứ gì, chỉ cần làm sạch cá, đợi lửa than cháy rực là đưa cá lên bếp. Trong lúc đợi trở cá, chị chủ homestay chuẩn bị món gỏi rong biển. Món này thật đơn giản: rửa sạch rong, nêm nếm một ít cho mặn mòi, thêm đậu phộng, ít rau thơm rồi trộn cùng ớt.
Một mặt cá cháy xém, chị trở con cá cho chín đều. Mùi thơm của cá lan tỏa khắp không gian nồng vị biển. Không để rảnh tay, chị quay sang làm nước mắm: thật nhiều tỏi nhiều ớt và phải giữ được độ mặn nồng của nước mắm. Vào bếp với chị, chúng tôi như ngộ ra chân lý của dân đảo, mọi thứ cứ giản đơn nhẹ nhàng mà vẫn thú vị.
Nước mắm dọn lên cùng gỏi, cùng cá. Tùy sở thích mà chan mà trộn. Ăn một ít gỏi rong biển có cảm giác mình đang trầm mình trong làn nước mát của biển xanh. Một hương vị thật tự nhiên, không hề bị lấn át bởi sự đậm đà của gia vị. Vị cá dai ngọt và không thể nhầm lẫn với các loại khác. Nhai kỹ sẽ cảm nhận được vị béo len trong thớ cá. Nếu chán ăn kiểu thanh cảnh, rưới một chút mắm lên cá để mọi thứ nâng nhau lên cũng là một cách ăn thú vị.
Khi bắp nướng không ăn với mỡ hành
Chưa kịp chán chê với hải sản thì nỗi lòng nhớ món ăn đường phố lại dâng lên. Trời quá trưa, chúng tôi đạp xe từ khu trung tâm đảo lên đỉnh Thới Lới với hy vọng tìm được món gì đó quen thuộc để nhâm nhi. Đi ngang chợ đảo, tôi chợt thấy mấy cô bán bắp nướng. Món quà vặt này thật bình thường nhưng trong cảnh mở mắt là mênh mông biển như thế này mới thấy trái bắp kia quý giá đến nhường nào.
Dường như gu nướng của vùng này là phải để hơi quá lửa cho thật dậy mùi món ăn. Vừa nướng xong, cô bán hàng chan một thứ nước màu vàng ngả nâu sậm lên trái bắp. Thì ra xứ này không chan mỡ hành lên bắp mà thay bằng mắm nêm. Rồi trái bắp được gói trong chiếc vỏ lụa của chính nó. Cầm trái bắp đặt trong chiếc vỏ lá chợt dâng lên cảm giác như được trở về thiên nhiên thực sự.
Đợi trời chiều tắt nắng, mọi thứ nhá nhem, chúng tôi từ cổng Tò Vò men theo hướng kè biển tìm quán bánh xèo Cây bàng. Đây là một hàng vỉa hè, dựng tạm trước một công trình xây dang dở. Ấn tượng nhất là cái bếp gạch dưới tán cây bàng với gần hai chục miệng lò củi cháy đỏ rực, khói nồng vừa xua tan cái lành lạnh vừa gợi nhớ kỷ niệm ấu thơ. Nếu bạn đến vào giờ cao điểm thì phải chờ trên dưới 30 phút vì khách đông nghịt, háo hức chờ được thưởng thức món bánh xèo nức tiếng nơi đây.
Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi bị món bánh xèo bé tí hin của miền Trung chinh phục. Có lẽ khi vào Nam, món quốc hồn của miền Trung đã bị làm mai một nên không gây ấn tượng nhiều nơi một người háu ăn như tôi. Bánh xèo ở đây bột mỏng, giòn tan, màu đẹp; nhưn thịt heo ướp sả, vị đậm và còn hẳn độ giòn của thịt. Con tôm nhỏ nhưng tươi rói.
Mỗi cái bánh chỉ có vài miếng thịt nhỏ, vài con tôm bé, đúng tinh thần cần kiệm miền Trung. Bù lại, dĩa rau thập cẩm lại khá to. Cọng cải bẹ xanh nho nhỏ nhưng vị cay thật nồng. Cọng giá, cọng hẹ gầy guộc làm chúng tôi yên bụng vì được ăn đồ gieo trồng tử tế. Dĩa rau còn có thêm nhúm cải mầm. Nước chấm màu đỏ quạch, vị đậm đà. Gói ghém tất cả là đủ vị, đủ mùi. Cô chủ gói bánh cho khách mua về trong chiếc lá bàng. Chúng tôi tự hỏi nhau, chắc những chiếc bánh xèo ủ trong lá bàng sẽ thơm thêm mùi đảo xa.
Thật tình ẩm thực Lý Sơn thoáng nhìn chẳng có gì hấp dẫn. Thế nhưng khi đã đến đây, bạn hãy tạm quên những vẻ ngoài bắt mắt. Mọi hàng quán ở đây cứ be bé đến nỗi đôi khi ta cứ thế lướt qua. Nếu thật sự muốn khám phá ẩm thực nơi này, bạn hãy thong thả mà đi rồi sẽ thấy nơi kia có quán cà phê dưới gốc cây bàng cổ thụ trăm năm, chỗ nọ có món cháo pha huyết ngả màu sậm… Thật vậy, Lý Sơn dẫu nhỏ bé nhưng vẫn giữ được tinh hoa ẩm thực miền Trung và cả bản sắc rất riêng của chính nó.
- Quán cháo vịt bộ đội cũng là nơi đáng ghé. Sở dĩ có tên gọi lạ lẫm này vì quán lấy nguyên liệu vịt do bộ đội nuôi trên đảo. Thịt vịt ở đây mềm, giòn thịt và không hôi lông. Do vịt đã ngon nên chế biến theo kiểu nào cũng ngon. Có thể xé một ít trộn gỏi kiểu miền Trung cay cay, mặn mặn dùng kèm tô cháo nóng.
Quán còn có thêm món vịt nướng níu chân khách lỡ chạy qua khu vực công viên Lý Sơn. Chảo ốc hút ở đây quyến rũ cực kỳ, sôi liu riu trên bếp tỏa mùi sả thơm lừng. Trong đó có ốc bươu béo ngậy, ốc lác nho nhỏ hút mỏi cả miệng mà vẫn còn thèm.
- Bạn cũng nên thử qua tô bún bò ở quán điểm tâm trong nhà nghỉ Viễn Đông vì chất lượng cao mà giá lại mềm. Nước dùng thanh ngọt, dù hơi nhạt so với gu của người Sài Gòn. Miếng giò heo mềm tới, ngọt thịt thơm xương. Miếng bắp bò và miếng chả khá chất lượng…