Nghệ thuật đón chào
Khỏi cần phải dõi mắt đi xa cũng dễ thấy ngay các món ăn vùng miền rủ nhau tề tựu trên đường phố Sài Gòn. Phần vì phục vụ người đồng hương để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, phần vì dân Sài Gòn hồn hậu luôn mở lòng chào đón. Chưa nơi nào dễ trao cho mọi người cơ hội như ở Sài Gòn, kiểu như bạn bán món lạ đến cỡ nào cũng có người sẵn sàng làm “chuột bạch” ăn ủng hộ (nhưng có quay lại hay không lại là câu chuyện khác). Một thế giới mở đầy màu sắc từ món Hoa, món Khơ Me, món Trung, món Bắc, món miền Tây cho đến cao nguyên hay tận miền địa đầu tổ quốc… Du lịch ẩm thực 3 miền ở Sài Gòn chắc là mất cả tháng chứ chẳng chơi.
|
Thưởng thức những món ăn đường phố luôn là trải nghiệm thú vị với du khách nước ngoài tại TPHCM (ảnh chụp tại Bến Thành Street food) - Ảnh: Nguyễn Quang |
Sáng, đang còn ngái ngủ người Sài Gòn đã ngơ ngác thấy mấy xe bán bánh hạt dẻ nướng Sa Pa trên đường Điện Biên Phủ (khúc quận 1). Người đi đường bật lên suy nghĩ: “Lạ hén, ăn thử coi sao?”, “Ủa, bữa idol Tốp Tốp đi du lịch rì viu nè. Ăn coi ngon hông mà nói quá à”… Vậy đó, một điển hình cho việc Sài Gòn đón chào món lạ.
Tụ hội món ăn vùng miền là chuyện… quá thường tình với thành phố 9 triệu dân này. Vỉa hè Sài Gòn như muốn đem ẩm thực cả thế giới về với mình. Vì gần gũi nhau nên “street food” (món ăn đường phố) Thái Lan đổ bộ sang Sài Gòn một cách ào ạt và có phần… màu mè hơn cả. Trong khi đó các món từ Campuchia như bún mắm bò hóc, chuối quét nước muối nướng, xôi Xiêm… được khám phá trở lại. Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) bây giờ xôm tụ bậc nhất với đủ cung bậc hương vị từ món Việt cho đến món Á, Âu.
Quả là Sài Gòn chưa từng ngưng đón chào cái mới, cái bất ngờ. Các “oppa” Hàn Quốc chưa phút nào ngừng nghỉ việc chinh phục thành phố sôi động này với các món bánh cá, khoai tây lốc xoáy, mì cay... Rồi bánh đồng xu từ quê hương xứ kim chi đang “càn quét” phố phường. Người Sài Gòn không chỉ đón nhận mà còn muốn Việt hóa các món bánh Tây, mì Ý, pizza. Giờ đây, các bạn ngoại quốc cũng xuống vỉa hè đứng chào bán không khác gì người bản xứ. Mới nhất, gia nhập danh sách anh em từ bốn phương trời là quán chuối chiên Israel góc đường Cô Giang (quận 1), ăn cùng chocolate, đậu phộng, dừa. Quán còn bán món bánh pita đặc trưng của khu vực Trung Đông.
Nghệ thuật kết hợp sự dị biệt
Với nhiều người, mảnh đất Viễn Đông này có 2 đặc sản, đó là đồ ăn và… người. Theo như triết lý phương Đông thì Sài Gòn có tính chất hòa rất cao. Đó có thể hiểu là một sự độ lượng với những thứ khác biệt. Mở rộng lòng nên cũng khiến người khác cởi mở cùng hòa vào nhau tạo thành những thứ khác biệt, mới mẻ. Vòng tay vỉa hè, quán xá mở rộng đón sự mới lạ, dị biệt, nhưng cũng đòi hỏi các đặc sản phải điều chỉnh, thích nghi. Khi đôi bên cùng tiết chế “chất riêng” để giao hòa với nhau thì thứ mới lạ sẽ xuất hiện. Chính vì thế, ẩm thực Sài Gòn không chỉ có yếu tố hội tụ mà còn sáng tạo, điều chỉnh, để rồi lan tỏa.
Điển hình, ổ bánh mì theo chân người Pháp vào Việt Nam, qua nhiều cuộc biến đổi đã trở thành một món chính danh mang tên riêng bánh mì chứ không còn là “Vietnamese bread”.
|
Du khách không thể không dừng chân trước món thịt nướng thơm lừng - Ảnh: Nguyễn Quang |
Cái thành tựu to lớn đó, nếu không kể đến công lao của hàng ngàn xe bánh mì thịt trên vỉa hè, góc phố Sài Gòn thì phải nhắc đến ai đây? Du khách hôm nay đến khám phá ẩm thực đường phố Sài Gòn mà không gặm ổ bánh mì thịt thì quả là đáng tiếc. Cũng là món bánh Pháp, nhưng bánh plan của Sài Gòn rất độc đáo, gây nhớ…
Khách nước ngoài hảo ngọt thưởng thức chiếc bánh plan mát lạnh thêm chút đắng của cà phê hay tăng độ béo bằng nước cốt dừa thì sẽ nhận trải nghiệm nhớ đời.
Sài Gòn cũng trung hòa thành công tô canh chua tomyum của người Thái thành món bún Thái gây ngạc nhiên với khách chính quốc. Giữ lại hương vị chua cay, tôm, mực, nhưng tiếp nhận thêm vào đó mớ rau, cọng bún Việt Nam. Tính trung hòa của ẩm thực Sài Gòn đã kết hợp thành công như thế, chứ không đơn thuần là sự tổng hợp tạo ra khẩu vị, công thức hàng loạt.
Hay như món bún bò Huế ở Sài Gòn, như một chân trời khác so với bản gốc ở cố đô. Người Sài Gòn có dịp ra Huế thưởng thức món này đều bỡ ngỡ, ngạc nhiên, vì sự khác biệt từ khẩu vị đến cọng bún. Thậm chí, nhiều cuộc tranh cãi nổ ra, ăn bún bò Huế ở Sài Gòn có ngon hơn so với ở Huế? Cũng dễ hiểu, bởi trường phái bún bò Huế mang phong vị Sài Gòn được biến tấu thành công và giúp đưa món này vào ngôi nhà ẩm thực quốc tế.
Khởi phát từ vùng lân cận, nhưng phải đến khi chạm vào vị giác người Sài Gòn, món bánh tráng trộn mới có một hào quang rực rỡ . Từ đây, bánh tráng trộn đi khắp thế giới, trở thành chút quà quê hương lay động trái tim kiều bào. Đừng ngạc nhiên khi đọc dòng tin nhắn “Thèm bánh tráng trộn Sài Gòn quá đỗi” để diễn tả nỗi nhớ quê nhà của Việt kiều.
Một mạch sống lâu dài
Sự phát triển của ẩm thực đường phố Sài Gòn là tiến trình liên tục nhờ chất của đất và người. Từ hàng gánh vỉa hè cho đến khu ẩm thực hiện đại lấp lánh đèn trên con đường trung tâm, không ngừng ghi dấu tính chất “tụ” và “tán”. Dòng chảy ấy dẫu có lúc long đong vì người ta cứ mải nghĩ về một thành phố sạch đẹp vắng bóng hàng quán vỉa hè. Giờ đây, thành phố đang tính bài toán cho hàng quán chính danh tồn tại trên vỉa hè.
Người Sài Gòn không ngừng tìm tòi để nâng tầm vóc ẩm thực đường phố. Bên cạnh trải nghiệm truyền thống như ngồi xuống vỉa hè và thưởng thức, món ăn vặt Sài Gòn đã tụ hội thành các khu, các phố để đảm bảo tính an toàn, hấp dẫn; đã nâng cấp theo mô hình quốc tế để thu hút khách nước ngoài. Sự hiện diện của ngôi sao Michelin Guide càng giúp hành trình lan tỏa thức ăn đường phố Sài Gòn thêm rộng và xa.
Một chuyến du hành khám phá “street food” Sài Gòn chắc chắn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm đậm sâu. Những tay chơi ẩm thực chân chính luôn tôn sùng những vỉa hè bày bán món mang dấu ấn riêng của người chế biến. Ở đó, các nghệ sĩ siêu hạng gợi nhắc thực khách về một hạnh phúc cao vợi mang tên ẩm thực.
Phạm Thái Thanh