Ẩm thực đường phố gặp khó khi xã hội thay đổi

31/03/2025 - 06:30

PNO - Ẩm thực đường phố gắn liền với cuộc sống của người dân ở khu vực thành thị và cũng là một nét đặc trưng cho văn hóa du lịch địa phương. Tuy vậy, áp lực kinh tế và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, chính sách quản lý đang dần đẩy những quầy hàng rong vào dĩ vãng.

Những trung tâm bán hàng rong tại Singapore giúp duy trì nét văn hóa ẩm thực đường phố và cung cấp bữa ăn giá rẻ cho cộng đồng - ẢNH: JASON QUAH (Straits Times)
Những trung tâm bán hàng rong tại Singapore giúp duy trì nét văn hóa ẩm thực đường phố và cung cấp bữa ăn giá rẻ cho cộng đồng - Ảnh: Jason Quah (Straits Times)

Kinh doanh bấp bênh

Trong 4 thập niên, vợ chồng bà Nampueng Thong-auam đã điều hành xe bán đồ ăn vặt ngay cạnh tượng đài Chiến thắng của thủ đô Bangkok, Thái Lan. Với giá 40 baht (30.000 đồng), vợ chồng bà phục vụ người qua đường món bắp nướng thơm ngon được tẩm nước cốt dừa, muối và đường thốt nốt.

Ngoài 70 tuổi, công việc kinh doanh chỉ giúp họ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Bà Nampueng cho biết: “Chúng tôi mệt mỏi nhưng sẽ tiếp tục làm việc này cho đến khi không thể làm được nữa”. Trên khắp thành phố, những người bán hàng rong như vợ chồng bà đang phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì nghệ thuật ẩm thực vốn là nét đặc trưng của địa phương.

Suốt nhiều thế hệ, những người bán hàng rong đã tạo ra một bối cảnh ẩm thực độc đáo, thu hút du khách đến Bangkok để thưởng thức những món ăn đường phố nổi tiếng. Nhưng những năm gần đây, chính phủ đã tăng cường kiểm soát trật tự, cải thiện tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời hỗ trợ người Thái có thu nhập thấp.

Năm 2024, chính quyền Bangkok đã ban hành các quy định mới nhằm hạn chế số người bán hàng rong trên khắp thủ đô. Người bán hàng rong chỉ được phép dựng quầy hàng ở những khu vực cụ thể, không làm cản trở lối đi dành cho người đi bộ và chỉ những công dân Thái Lan hưởng trợ cấp mới được phép làm công việc này.

Bên cạnh áp lực từ quy định mới, một số người bán hàng rong cảm thấy việc kiếm sống ngày càng khó khăn. Bà Ponthip Janjamsri đã bán thịt viên trong 4 thập niên. Hầu hết khách hàng của bà là thanh thiếu niên. Người phụ nữ 60 tuổi hiện chỉ kiếm được khoảng 500 baht (khoảng 380.000 đồng) mỗi ngày, chỉ bằng 1/5 so với trước đây và không đủ nuôi sống gia đình.

Bà Ponthip bộc bạch: “Đây là cách tôi kiếm sống qua ngày giữa tình trạng kinh tế bất ổn. Nếu không bán hàng, tôi chẳng còn biết làm gì”.

Tại quận Tây của Hồng Kông (Trung Quốc), vào dịp tết Nguyên đán năm 2025, một truyền thống lâu đời phải dừng lại đột ngột. Ông Lee - người bán hàng rong tiếp nối di sản 3 thập niên của gia đình - đã nhận khoản tiền phạt lên tới hơn 20.000 đô la Hồng Kông (khoảng 65 triệu đồng) vì không có giấy phép.

Trong nhiều thế hệ, chiếc bánh trứng tại quầy hàng của ông Lee đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực của Hồng Kông. Món ăn hoài cổ này gợi lên những kỷ niệm đẹp cho cả người dân địa phương và du khách.

Án phạt cho gian hàng của ông Lee làm bùng nổ cuộc tranh luận xung quanh cách tiếp cận của thành phố đối với những người bán hàng rong. Mặc dù mối quan tâm của chính quyền về vấn đề vệ sinh là có cơ sở nhưng nhiều người mong đợi ở cách làm tinh tế hơn, nhằm tạo ra sự cân bằng giữa việc thực thi pháp luật, gìn giữ truyền thống và lòng trắc ẩn.

Duy trì nét đẹp hàng rong trong khuôn khổ

Nét độc đáo mà mỗi người bán hàng rong đặt vào các món ăn của họ là điều khiến văn hóa ẩm thực đường phố Singapore trở thành một vẻ đẹp được yêu thích. Dù vậy, giữa tình trạng lạm phát toàn cầu, những người bán hàng rong cảm thấy áp lực vì chi phí nguyên liệu tăng cao, chiếm phần lớn chi phí hoạt động.

Việc đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng về giá thực phẩm thấp hơn và đảm bảo quyền lợi cho những người bán hàng đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính phủ.

Trong nhiều thập niên, chính quyền cung cấp cho người bán hàng rong môi trường hoạt động thuận lợi bằng cách xây dựng các trung tâm bán hàng rong. Các trung tâm này cung cấp một số gian hàng cho thuê với giá thấp hơn giá thị trường, có khi chỉ vỏn vẹn 1 đô la Singapore.

Những người bán hàng rong phải tự mình điều hành các gian hàng như một biện pháp để ngăn chặn việc cho thuê lại. Điều này cũng tạo rào cản gia nhập đối với các doanh nghiệp nhỏ và bảo tồn tính xác thực của văn hóa bán hàng rong.

Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Koh Poh Koon chia sẻ tại Quốc hội nước này vào ngày 10/3: “Các trung tâm bán hàng rong đóng vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng quốc gia, đồng thời văn hóa ẩm thực đường phố là một phần quan trọng trong bản sắc của Singapore.

Các trung tâm bán hàng rong sẽ tiếp tục cung cấp cơ hội cho người dân trực tiếp điều hành những doanh nghiệp nhỏ của riêng mình. Chúng ta cần cân bằng giữa việc bảo vệ di sản, giữ cho thực phẩm có giá cả phải chăng và đảm bảo cơ hội công bằng cho những người bán hàng rong mới”.

Linh La

(theo CNA, Asia One, Dimsum Daily, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI