Những thông điệp từ âm nhạc
Rừng - với sự kết hợp giữa NSƯT Thành Lộc, rapper Yuno Bigboi, Vũ Cát Tường và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - gây tiếng vang thời gian gần đây. Độc thoại, rap, nhạc R&B cùng tiếng kèn saxophone da diết đã tạo nên một tổng thể độc đáo. Ngoài âm nhạc, tác phẩm còn truyền đi thông điệp giá trị về môi trường.
Lời độc thoại của nghệ sĩ Thành Lộc đặt vấn đề rừng bị mất đi mỗi ngày, nhiều gia đình phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. “Nếu đó là gia đình các bạn, các bạn nghĩ gì?”, anh nói.
|
Hà Anh Tuấn trong See sing share 4 |
No, thanks của Bùi Công Nam hay Dòng sông không trở lại của Mỹ Lệ cũng là những sản phẩm âm nhạc nêu các vấn đề khẩn thiết đối với môi trường như: rác thải nhựa, sự cạn kiệt nước sạch… ra mắt trong thời gian gần đây.
Ở một hướng khác, các nghệ sĩ tạo ra các dự án, thương hiệu để gián tiếp truyền tải thông điệp về môi trường, hoặc sử dụng lợi nhuận từ chúng để phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường.
See sing share là thương hiệu âm nhạc ăn khách của Hà Anh Tuấn nhiều năm qua. Với mùa bốn trình làng cách đây vài tháng, Hà Anh Tuấn mang khán giả đến với cánh rừng xanh mướt, dưới có một dòng thác nhỏ để khởi đầu cho câu chuyện Trong rừng có cơn mưa mát lành.
MV Rừng-NSƯT Thành Lộc, Trần Mạnh Tuấn, Vũ Cát Tường, Yuno Bigboi
Những bài hát trong series này không hề có thông điệp trực diện nào về môi trường: Chú ếch con, Mưa rừng, Khúc hát chim trời, Thành phố buồn… thu hút hàng triệu lượt xem. Không khó để nhận ra, sản phẩm này là sự tiếp nối một thông điệp về môi trường từng được Hà Anh Tuấn đề cập trước đó.
Trên sân khấu concert Truyện ngắn tại Hà Nội năm 2019 với hàng ngàn khán giả theo dõi, Hà Anh Tuấn cho biết sẽ thành lập dự án Rừng Việt Nam, đầu tư ban đầu 2 tỷ đồng từ nguồn thu của các đêm nhạc.
Đêm nhạc Xanh đã được tổ chức hai lần, với sự tham gia của Thắng (Ngọt band), Raditori, Bụng Mỡ, Humm, Nhím… Lợi nhuận thu được sau các đêm nhạc được dùng để ủng hộ các chiến dịch trồng rừng ở các địa phương. Các ca khúc được trình diễn đều không có thông điệp nào về môi trường, mà để nghệ sĩ tự do thể hiện theo cá tính riêng.
Và hàng ngàn cây xanh đã được trồng
Rừng có gần 600.000 lượt xem - con số khá khiêm tốn so với một sản phẩm âm nhạc hiện tại. Nhưng với một sản phẩm về đề tài môi trường, con số này là khá ấn tượng. Hàng ngàn bình luận thu về, lại là tín hiệu đáng mừng, bởi những ý nghĩ tốt, tích cực đã được gieo mầm: “Xem MV hiện tại và cùng nghĩ đến tương lai”, “Những điều ý nghĩa này xứng đáng được chia sẻ”, “Chúng ta đã lãng quên thứ cần phải nhớ, liệu sẽ trả giá hay chăng?”…
Bùi Công Nam cho biết, đề tài môi trường nói riêng hay xã hội nói chung thường không quá khó khai thác, vì có nhiều dữ liệu để đưa vào hát. “Tuy nhiên, cái khó là làm sao đưa ít nhưng đủ, và truyền tải được thông điệp rõ ràng, cuốn hút”, anh chia sẻ. Thực tế, đã có không ít dự án, ca khúc về môi trường. Nhưng sức sống của chúng không bền vì nhiều nguyên nhân: ca từ kém hấp dẫn, nội dung khô cứng… Vì thế, việc tác động lên suy nghĩ của công chúng không hề dễ dàng.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường: “Âm nhạc sống bằng sự quan tâm, hưởng ứng của khán giả. Không khó để thấy tại Việt Nam, âm nhạc về xã hội nói chung, trong đó có môi trường, rất kén khán giả. Người nghe có xu hướng nghe nhạc để xả stress, tìm sự thoải mái. Đôi khi những ca khúc này khiến họ phải suy nghĩ thêm, hoặc họ không tìm thấy sự kết nối giữa bản thân với câu chuyện được kể”.
|
nghệ sĩ trong dự án Rừng |
Năm 2020, Hà Anh Tuấn đã trồng được 1.800 cây tại Đà Nẵng và Lâm Đồng, trên diện tích khoảng 25.500m2, với danh nghĩa là sự đóng góp của khán giả. Dự án này sẽ còn tiếp tục được phát triển. Ê-kíp nam ca sĩ từng chia sẻ, thông qua âm nhạc, họ muốn tạo ra không gian để kết nối khán giả, nhằm chung tay bảo vệ môi trường.
Đêm nhạc Xanh đầu tiên diễn ra cuối năm 2020 thu hút 230 khán giả, gây quỹ trồng được 900 cây xanh trong chiến dịch trồng rừng ở Xuân Liên, Thanh Hóa. Trung tuần tháng 4/2021, đêm diễn thứ hai trong chuỗi này đã được diễn ra. Toàn bộ số tiền thu được gửi tới Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA trong công tác trồng rừng, quy ra khoảng 450 - 500 cây.
"Đây là một chương trình âm nhạc nên trước tiên nhạc phải giúp nghệ sĩ thoải mái thể hiện cá tính, không bị gò bó. Khán giả từ đó cũng tìm được mối giao hòa, thông điệp cũng dễ dàng được lan tỏa hơn. Chúng tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận công chúng hiệu quả”, anh Quang Khải, đại diện truyền thông của chương trình, chia sẻ. Anh cho biết sau hai đêm nhạc trước đó, khán giả đều phản hồi tốt và hứa sẽ trở lại nếu tổ chức đêm tiếp theo.
Theo dự kiến, đêm nhạc thứ ba trong chuỗi này sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn, 400-500 khán giả. Họ mong muốn mỗi năm sẽ tổ chức được hai đêm nhạc, với mục tiêu trồng 1.000 - 5.000 cây/năm, tầm nhìn xa hơn là 10.000 cây/năm nếu dự án lớn mạnh.
“Tất cả nguồn thu chúng tôi đều dành cho việc trồng cây. Vì thế, nếu có nhiều đơn vị tài trợ chung tay thì càng vui. Chúng tôi nghĩ tác động này nhỏ, nhưng cùng nhau làm sẽ tạo ra thay đổi to lớn”, anh Quang Khải nói thêm.
|
Buổi biểu diễn của Xanh vào tháng 4 vừa qua |
Chặt phá rừng, rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường nước… trở thành vấn nạn của toàn cầu trong quá trình phát triển của con người, kéo theo nhiều hệ lụy về đời sống, sức khỏe. Tại Việt Nam, theo Giám sát rừng toàn cầu (Global Forest Watch - GFW), từ năm 2001 đến 2018 đã mất đi hơn 2,6 triệu ha rừng, tương đương với giảm 16% diện tích rừng so với năm 2000.
Mỗi ngày, có khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa được xả ra môi trường… Sự nỗ lực ngay bây giờ sẽ có ảnh hưởng lớn đến tương lai. Đừng để những tiếng nói từ các nghệ sĩ trong Rừng, Hà Anh Tuấn hay đêm nhạc Xanh cô độc, lẻ loi. Sự thay đổi, chỉ có thể đến một khi có sự cộng hưởng của cộng đồng.
Thành Lâm