LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021). Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.
Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn Bài 2: Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre... Bài 3: Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người Bài 4: Thời trang và điểm nhấn từ giá trị truyền thống |
Những người tiên phong
Những năm gần đây, âm nhạc Việt Nam đã đạt các thành tích rất đáng ghi nhận. Dẫu vậy không thể phủ nhận ngoài âm nhạc bắt tai, vũ đạo thời thượng, tiệm cận với xu hướng chung… thì chất Việt vẫn chưa thực sự nổi bật. Câu chuyện tìm về bản sắc trở nên quan trọng, buộc nghệ sĩ và giới sáng tạo phải tìm ra cách vừa hội nhập vừa giữ gìn và giới thiệu được nét riêng của văn hóa Việt Nam với quốc tế.
|
Các nghệ sĩ sống ở nước ngoài đã có những thành công với âm nhạc đậm yếu tố văn hóa Việt. Từ trái qua: Nguyên Lê, Hương Thanh, Võ Vân Ánh, Trọng Hiếu và Vinh Khuất |
Nguyên Lê, Hương Thanh, Ngô Hồng Quang có thể được coi như những nghệ sĩ tiên phong mở ra con đường kết hợp yếu tố truyền thống với nhịp thở thời đại, đưa âm hưởng Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế. Nhiều dự án đã thành công lớn. Năm 2017, dự án Hà Nội Duo của Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang đã giúp cả hai có được đề cử Nhạc sĩ của năm tại giải Echo Jazz (Đức). Trước đó, năm 2007, Hương Thanh cũng trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất nhận giải Prix Musiques du Monde của Pháp từ các nỗ lực giữ gìn âm nhạc dân tộc.
Với thế hệ trẻ hơn, thành công của See tình của Hoàng Thùy Linh đối với khán giả quốc tế rất đáng ghi nhận. Theo công cụ thống kê Soundchart, hằng tháng có hơn 1 triệu tài khoản thưởng thức tác phẩm của nữ nghệ sĩ trên Spotify. Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Bo xì bo, Để Mị nói cho mà nghe, Gieo quẻ… là những bài có số lượt nghe nhiều nhất của nữ ca sĩ.
Tháng 3/2023, những người theo dõi vòng chung kết cuộc thi Eurovision Song Contest (Đức) hẳn sẽ có cảm xúc rất khó tả với hình ảnh chiếc nón lá, tiếng đàn tranh trong bản phối và những câu hát tiếng Việt vang lên trong ca khúc Dare to be difference (Dám khác biệt) của thí sinh người Đức gốc Việt Trọng Hiếu. Anh đã làm nên lịch sử khi là người Việt Nam và là người châu Á đầu tiên đi đến vòng chung kết của cuộc thi này. Xếp vị trí thứ ba, Trọng Hiếu nói: “Tôi muốn chứng minh cho thế giới biết tôi là người Việt Nam và tôi tự hào về điều đó”.
Mới đây, tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa - Monsoon Music Festival 2023, khán giả cũng được thưởng thức phần trình diễn của Limebócx với những sáng tạo khác lạ. 2 thành viên Trang Lê (đàn tranh, bass, giọng hát chính) và Hà Đăng Tùng (guitar và synth) tạo ấn tượng bằng việc sử dụng các yếu tố hiện đại như hip hop, beatbox, nhạc điện tử… kết hợp với nhạc truyền thống, thơ và dân ca. Sau Monsoon, nhóm tiếp tục đến với AXEAN Festival 2023 diễn ra tại Singapore vào cuối tháng Mười, mang các sáng tạo kết hợp giữa Đông và Tây, giữa cũ và mới giới thiệu với bạn bè khu vực Đông Nam Á.
Tại Đức, Vinh Khuất (tên thật: Khuất Duy Vinh) từng tìm cách kết hợp đàn bầu, đàn tranh… với các thể loại jazz, reggae, rock… Tài năng trẻ này từng đoạt giải cao ở nhiều cuộc thi và đã có mặt ở The Voice Đức. Bài hát Nhớ em trong những đêm tuyết rơi là một thử nghiệm khá ấn tượng. Đàn bầu xuất hiện như một điểm nhấn, tuy không quá “đậm đặc”, nhưng có thể tạo “trend”, kích thích người nghe tò mò và tìm hiểu thêm. Nghệ sĩ Võ Vân Ánh (đang sinh sống, làm việc tại Mỹ) đã “làm mới” những nhạc phẩm nổi tiếng thế giới khi thể hiện bằng nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, trống, t’rưng… Cũng như Hương Thanh, cô muốn khán giả ngoại quốc yêu thích các nhạc cụ truyền thống qua các giai điệu quen thuộc, từ đó họ sẽ muốn tìm hiểu thêm về các giá trị nguyên bản. |
Giao thoa Đông - Tây
Âm hưởng, giai điệu của những tác phẩm truyền thống Việt Nam luôn có giá trị rất lớn. Nhưng truyền tải nó đến với khán giả quốc tế không phải dễ. Ca sĩ Hương Thanh từng chia sẻ: “Với khán giả nước ngoài, việc để họ cảm nhận và hiểu được âm nhạc dân gian Việt Nam qua những loại nhạc cụ đặc trưng mang tính bản sắc dân tộc là rất khó. Cách hòa âm ấy chỉ có người Việt yêu thích. Không phải là nó không đẹp, nhưng nếu ai chưa biết các nhạc cụ này thì rất khó để hiểu”. Vì vậy Hương Thanh chọn giữ đúng giai điệu truyền thống khi làm việc với những nhạc công nước ngoài và giao lại phần sáng tạo cho họ tự do thể hiện.
Đồng ý với nhận định trên, chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói: “Âm nhạc dân gian có 2 cách thực hiện: một là nguyên bản, hai là kết hợp với các phong cách âm nhạc đương đại khác. Dù là cách nào, người sáng tạo đều phải làm cho cẩn thận và tới nơi tới chốn. Với thời đại ngày nay, có vẻ cách kết hợp với những thể loại âm nhạc đương đại khác dễ tiếp cận và lan tỏa hơn là theo nguyên bản. Vì ở nguyên bản, bối cảnh thiên nhiên, văn hóa và cách sống thời xa xưa khó có thể phù hợp để người nay cảm nhận được. Mặt khác, các thể loại âm nhạc đương đại như chiếc cầu giúp âm nhạc dân gian dễ tiếp cận công chúng trẻ hơn. Và khi một chất liệu âm nhạc hay một nhạc cụ dân tộc được đặt trên nền đương đại, nó sẽ lấp lánh, huyền ảo và hấp dẫn hơn nhiều, theo quy luật tương phản”.
|
Limebócx trình diễn tại Monsoon năm nay - Ảnh Nhat Nguyen |
Làm sao cân bằng được giữa yếu tố dân gian và hiện đại cũng là bài toán khó. Tuy được đánh giá khá ấn tượng, sản phẩm của thế hệ các nghệ sĩ đầu tiên kết hợp dân ca 3 miền với jazz (Nguyên Lê, Hương Thanh) hay dùng nhạc cụ dân tộc (Ngô Hồng Quang) chỉ mới đến được với một nhóm nhỏ những người nghe nhạc. Chúng mang nhiều tính giao thoa cũng như thể nghiệm, vốn được khán giả châu Âu yêu thích, nhưng lại chưa tiệm cận được với số đông khán giả.
Trăn trở về điều này, thế hệ nghệ sĩ trẻ đã chọn con đường kết hợp truyền thống với nhạc điện tử. Trong đó các dự án Electrùnicx (Limebócx - nhóm nhạc gồm 2 nghệ sĩ Chuối và Đờ Tùng), Fearless (mess., tên thật là Vũ Phương Thảo) hay 3260 (ANNAM, gồm 2 nghệ sĩ mess. và Dustin Ngo) đã tạo ra đời sống mới cho các lời ca quan họ, tiếng sáo, đàn tranh… khi phối hợp chúng với âm nhạc điện tử.
Việc chọn âm nhạc điện tử có rất nhiều khó khăn. mess. chia sẻ: “Hiện nay, hầu như các nghệ sĩ đều lấy chất liệu điện tử làm ngôn ngữ chính, nên rất khó để phân biệt hoặc tạo ra dấu ấn riêng giữa các nghệ sĩ. Bản thân tôi, trong thời điểm hiện tại, hướng tới việc lưu giữ âm nhạc Việt Nam theo hướng dài hơi, bởi bản chất âm nhạc truyền thống nước ta xuất phát từ đại chúng thì đến một lúc nào đó cũng sẽ trở về với đại chúng”.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng cho rằng cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại “đòi hỏi nghệ sĩ phải rất sáng tạo, tâm hồn khoáng đạt và rộng mở. Vì nếu bị bó buộc trong nỗi sợ, trong thói quen văn hóa thì sẽ rất khó và dễ hướng theo con đường an toàn. Giống như ăn tô phở phải kèm rau quế, nhưng một người phương Tây ăn kèm với rau khác thì cũng có sao đâu. Đó chính là sự bó buộc của thói quen, lễ nghi”.
Bằng cách làm này, không chỉ khán giả trong nước có dịp lắng nghe những thử nghiệm mới với các giai điệu quen thuộc mà người ngoài nước cũng sẽ biết đến thanh âm, ngôn ngữ Việt Nam một cách gần gũi và dễ dàng hơn, trước hết là qua âm nhạc.
Nghệ sĩ ở nước ngoài vẫn là lực lượng chính giới thiệu văn hóa Việt Thực tế cho thấy, số lượng nghệ sĩ Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài theo đuổi yếu tố văn hóa - con người Việt Nam thông qua âm nhạc vẫn đang nhiều hơn số nghệ sĩ trong nước. Bên cạnh những tên tuổi lớn như Nguyên Lê, Hương Thanh, Ngô Hồng Quang, thế hệ trẻ hơn có Vinh Khuất, Trọng Hiếu hay nghệ sĩ đàn dân tộc Võ Vân Ánh… Điều này cũng dễ hiểu, bởi thị trường quốc tế vốn phong phú, đa dạng dòng nhạc, dẫn đến việc nghệ sĩ bản địa thường sử dụng yếu tố dân tộc để làm điểm nhấn cho mình. Cách làm này cũng song hành với nhu cầu thưởng thức vốn chuộng giao thoa, thể nghiệm của khán giả quốc tế. Ở thị trường trong nước, khán giả đang có xu hướng yêu thích âm nhạc K-pop, Âu - Mỹ, nên số nghệ sĩ theo đuổi chất Việt chưa nhiều. Quy mô trong nước cũng không quá lớn, khiến việc tạo ra dấu ấn bằng tính dân tộc chưa phải là vấn đề được nhiều nghệ sĩ quan tâm, chú trọng. “Các nghệ sĩ được giáo dục thẩm mỹ và học thuật ở Âu - Mỹ dường như sẵn có một tâm hồn cởi mở, nên sự pha trộn giữa 2 nền văn hóa hoàn toàn tự nhiên. Điều này lý giải vì sao những nghệ sĩ này thành công hơn” - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhận xét. |
Thuận Phát
Kỳ tới: Hành trình của sách Việt