Âm nhạc và cơn sốt mang tên NFT

19/11/2021 - 07:14

PNO - Nhiều người cho rằng NFT không hướng đến giá trị nghệ thuật, mà chỉ là mánh khóe để các công ty kiếm lời.

Sau tranh ảnh, cơn sốt NFT tiếp tục tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực âm nhạc thế giới. Nhiều người thấy rằng đó là xu hướng, hình thức rất mới trong khi không ít ý kiến khác cho rằng NFT không hướng đến giá trị nghệ thuật, mà thực chất chỉ là mánh khóe kiếm lời.

NFT (Non-fungible token) là tài sản ảo được lưu trữ trên nền tảng blockchain. Mỗi sản phẩm có một mã số không thể sao chép hay thay thế nên dễ dàng xác thực quyền sở hữu cho các đối tượng như ảnh, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và các vật phẩm trong trò chơi điện tử.

Các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc công bố loạt dự án đầu tư vào NFT
Các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc công bố loạt dự án đầu tư vào NFT

Sau khi sàn giao dịch NFT tạo ra cơn sốt, càn quét lĩnh vực hội họa với hàng loạt bức tranh bán dưới dạng NFT thu về hàng triệu USD, nổi bật là tác phẩm Everydays: the First 5000 Days được bán với giá kỷ lục 69,3 triệu USD. Trong khi đó, nhạc sĩ Grimes cũng đã bán một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá lên đến 5,8 triệu USD, còn bản gốc Nyan Cat - meme mèo nổi tiếng gần hàng thập niên trên internet - cũng vừa được bán đấu giá gần 600.000 USD.

Nhận thấy cơ hội cũng như tiềm năng mang lại doanh thu khủng từ NFT, các ca sĩ và một loạt công ty âm nhạc bắt đầu bày tỏ tham vọng, tấn công sâu rộng vào thị trường kỹ thuật số này. Kings of Leon đã trở thành ban nhạc đầu tiên phát hành album When you see yourself dưới dạng mã thông báo NFT, và ba chàng trai đã mang về hơn hai triệu USD doanh thu. Một DJ nổi tiếng tên 3LAU cũng đã làm nên lịch sử với NFT khi phát hành lại album 2018 của mình, Ultraviolet, kiếm được gần 12 triệu USD trong 24 giờ.

Kings of Leon trở thành ban nhạc đầu tiên phát hành album mới dưới dạng NFT
Kings of Leon trở thành ban nhạc đầu tiên phát hành album mới dưới dạng NFT

Các công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc cũng dần tiếp cận xu hướng NFT, nhắm đến việc tạo ra metaverses (không gian ảo) và các ngôi sao ảo. Các tập đoàn đã công bố hợp tác với những sàn giao dịch tiền điện tử lớn để khởi động nhiều dự án, bán ảnh thẻ kỹ thuật số của các nghệ sĩ.

Đầu tháng 11, Hybe - đơn vị chủ quản của BTS - cho biết họ đang hợp tác với nhà điều hành tiền điện tử lớn nhất Hàn Quốc - Dunamu, để khởi động một liên doanh tập trung vào việc tạo và tiếp thị NFT gắn liền với danh sách các nghệ sĩ của công ty. Việc kinh doanh này không chỉ bao gồm các nhóm nhạc K-pop, mà còn có Justin Bieber, Ariana Grande và nhiều ngôi sao thế giới khác. Tiếp nối Hybe, các ông lớn giải trí như YG, SM và JYP cũng lần lượt công bố dự án kinh doanh NFT sắp ra mắt. Trong nửa đầu năm, ước tính doanh số bán tài sản NFT trên toàn cầu đã tăng hơn hai tỷ USD.

Việc các công ty giải trí và nhà đầu tư tích cực tham gia vào NFT, metaverses và tiền điện tử cũng nhận không ít ý kiến trái chiều từ công chúng. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng NFT không hướng đến giá trị nghệ thuật, mà chỉ là mánh khóe để các công ty kiếm lời.

Ngoài tranh luận xoay quanh vấn đề thu lợi, người hâm mộ còn phản đối vì nhiều nghiên cứu cho thấy sự tăng trưởng của thị trường NFT thời gian gần đây có tác động trực tiếp đến môi trường. Cụ thể, các hoạt động NFT có khả năng dẫn đến lượng phát thải carbon cao, bởi chúng được sản xuất bằng cách sử dụng blockchain Proof-of-Work (PoW) tiêu tốn nhiều năng lượng như Bitcoin và Ethereum, để thực hiện các phép tính phức tạp.

Dẫu có nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhưng các chuyên gia tin rằng xu hướng NFT vẫn sẽ tiếp tục nở rộ trong thị trường âm nhạc thời gian tới.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI