Vượt qua giới hạn của bản thân đã là thành công
Công nghệ đã đưa âm nhạc thế giới phát triển vượt bậc. Chỉ cần một vài cú click chuột là có ngay những bản phối, giọng hát điêu luyện. Nhưng sự ra đời của những loại âm nhạc “ăn liền” đặt ra dấu hỏi về bản sắc. Văn hóa truyền thống lúc này lại là điểm tựa vững vàng cho nhiều người trẻ trên con đường phát triển của mình. See tình là ví dụ điển hình.
Là mảnh ghép tạo nên album Hoàng (2019), nối tiếp là album Link (2022), là cú bắt tay tuyệt diệu của Hoàng Thùy Linh và DTAP, See tình đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, và được đón nhận ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Những câu hát dân ca, lời ru như chiếc nôi tuổi thơ của người Việt. Để đến khi trưởng thành, nó lại là chất liệu để Phương Mỹ Chi đưa vào âm nhạc của mình, với hình ảnh một thiếu nữ đầy quyến rũ trong album Vũ trụ cò bay. Đây là một album được tạo ra bởi những chất liệu văn hóa truyền thống đi cùng trào lưu âm nhạc hàng đầu như: future bass, disco, dance pop…
|
Nhà sản xuất âm nhạc DTAP, đứng sau nhiều sản phẩm âm nhạc sử dụng chất liệu văn hóa truyền thống, dân gian |
Nhà sản xuất âm nhạc Masew (Lê Tuấn Anh) khá kín tiếng, nhưng âm nhạc của anh thì không. Những Cưới thôi, Ái nộ, Tết đi em ei… cho người nghe cảm giác như đang trèo lên non cao, có khi lại hòa mình vào dòng nước lấp lánh. Cuộc chuyển mình của K-ICM (Nguyễn Bảo Khánh) mở ra không gian âm nhạc mới. Ở đó tiếng khèn, sáo, đàn nhị… trở thành nét chấm phá cho những giai điệu da diết như lời vọng từ quá khứ, kéo dài đến hiện tại và tương lai…
Sự du nhập văn hóa, giải trí ngoại quốc là tất yếu trong đời sống hiện tại, đặt ra thử thách về việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Phương Mỹ Chi chia sẻ, động lực thôi thúc cô thực hiện album Vũ trụ cò bay chỉ “đơn giản xuất phát từ tình yêu”. Hay với DTAP, đó là những lời ru của bà, của mẹ, những điều đã từng được nghe, đọc qua sách vở… rồi mang vào âm nhạc. Sự thân thuộc ấy bỗng trở nên diệu kỳ khi họ nhận ra giá trị của chúng với tư duy trưởng thành.
Mỗi sản phẩm thu hút từ vài triệu, chục triệu cho đến hàng trăm triệu lượt nghe, xem trên các nền tảng. Đó là lúc văn hóa truyền thống có thêm bấy nhiêu cơ hội để lan tỏa. K-ICM nói anh là “một người làm nhạc bình thường”. Nhưng anh và đồng nghiệp, tiền bối đang là người kể câu chuyện văn hóa cho thế hệ mình, với lăng kính của thời đại. |
Nội dung, cách làm nhạc tuy khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là sự chắt lọc để mang các yếu tố văn hóa truyền thống vào, tạo ra “hương liệu” độc đáo dán nhãn “made in Vietnam”. Việc này không dễ. Phương Mỹ Chi và cộng sự phải mất đến 2 năm để hoàn thành album cũng vì phải dành nhiều thời gian tìm chất liệu. Với DTAP, mỗi sản phẩm đều là một bài toán khó gây đau đầu. Thịnh Kainz - trưởng nhóm - tâm sự: “Nếu sử dụng câu cú, cách chơi, giai điệu của các thể loại, nhạc cụ theo phương thức cũ, thì hơi xa cách với khán giả hiện tại. Nhưng sáng tạo thế nào để không vượt quá giới hạn cũng khó. Có những âm thanh chỉ chỉnh một chút sẽ “đi” sang một vùng đất khác, một quốc gia khác”.
Nhưng thế hệ trẻ dũng cảm, không ngại khó. Như Phương Mỹ Chi nói, phải đi mới biết phía trước là gì. Còn DTAP thì cho rằng: “Hãy làm những điều lớn lao, với tinh thần, sự hào hứng của những đứa trẻ”. Những phép thử có thể thành công, có thể không, nhưng với họ, vượt qua giới hạn của bản thân đã là thành công.
|
Hình ảnh trong concert Vietnamese của Hoàng Thùy Linh, tổ chức cuối tháng 9/2023, tại TPHCM |
Về nhà rồi lại ra “biển”
Hoàng Thùy Linh đã có 20 năm làm nghề. Nhưng giai đoạn trước khi Bánh trôi nước ra đời, sự nghiệp âm nhạc của cô chưa có nhiều dấu ấn. Để Mị nói cho mà nghe, đến Duyên âm, Tứ phủ rồi 2 album sau đó đã mang lại hào quang rực rỡ. Và See tình là một nốt thăng đầy kiêu hãnh. Hơn 4 năm trước, DTAP là những chàng trai trẻ mang niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc, nhưng thiếu thốn đủ bề, nhiều lần bị từ chối. Văn hóa truyền thống như “chiếc phao” đến đúng lúc, và Để Mị nói cho mà nghe ra đời. 2 album của Hoàng Thùy Linh đã đưa DTAP trở thành nhà xuất bản trẻ, âm nhạc trẻ hàng đầu, giữ vị trí giám đốc âm nhạc cho một loạt show truyền hình lớn, đảm nhận những đêm diễn hàng chục ngàn khán giả.
K-ICM nói: “Khi bước vào kho tàng văn hóa dân gian rộng lớn, tôi nhận ra sự hiểu biết của mình còn quá nhỏ bé. Có những chất liệu đặt vào bài hát là nghe hợp lý ngay. Nhưng cũng có những sáng tác tôi phải tìm tòi, thay đổi liên tục chất liệu mới tìm ra được yếu tố ưng ý”. |
Tiếng khèn, sáo từ bản làng đã mang Double2T (Bùi Xuân Trường) - từ một chàng trai trẻ ít ai biết đến trở thành ngôi sao mới. Khán giả sẽ nhắc về tuổi 20 của Phương Mỹ Chi với một chân dung âm nhạc độc đáo, không hòa lẫn. 2 phút hơn đã đưa tên tuổi Masew và Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) ra khỏi Việt Nam, đi đến hàng chục quốc gia trên thế giới… Đây chỉ là khởi đầu, nhưng hành trình vạn dặm phải từ những bước chân nhỏ mà thành.
Đêm diễn của Phương Mỹ Chi tại Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) đông nghẹt khán giả, phần lớn là gen Z. Không hô hào, không bắt buộc, nhưng nhiều khán giả chọn xuất hiện trong áo dài, áo bà ba. Trong suốt đêm diễn, họ ngân nga theo các ca khúc có sự cộng hưởng của dân ca, cải lương - tưởng chừng xa lạ với thế hệ của họ.
|
Ca sĩ Phương Mỹ Chi và hình ảnh quảng bá album Vũ trụ cò bay, ra mắt tháng 9/2023 |
Hoàng Nhật (20 tuổi, sinh viên Đại học Văn Lang) nói: “Văn hóa truyền thống chưa bao giờ cũ kỹ, mà luôn song hành với hiện tại, khiến chúng ta tự hào”. Âm nhạc của Masew, K-ICM, Hoàng Thùy Linh… vẫn đang tung tẩy trong rất nhiều không gian. Sức mạnh “mềm” là ở đó. Từ tình yêu nguyên bản nhất của người sáng tác, làm nhạc với văn hóa truyền thống đã “truyền lửa” cho khán giả.
K-ICM bộc bạch: “Tôi đang đi đến giai đoạn thứ ba trong việc mang văn hóa truyền thống vào âm nhạc. Các sản phẩm sẽ có sự xuất hiện của các nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống hoặc các nhạc cụ đậm chất Việt Nam. Những yếu tố này công chúng sẽ không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu. Đây là thế mạnh để bước ra thế giới bên ngoài, nơi mà họ luôn cần bản sắc”.
DTAP nói mỗi lần nghe tiếng Việt Nam được vang lên là họ có thêm sức mạnh, động lực để tiếp tục con đường đang đi. “Ở mỗi hành trình, chúng tôi như mở một ngăn tủ mới, hy vọng đủ khiến khán giả bất ngờ, thích thú. Sự học hỏi, nghiên cứu sẽ không bao giờ có điểm dừng” - Thịnh Kainz chia sẻ.
Sức mạnh không ở đâu xa, mà chính từ trong gốc rễ của quê nhà. Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương từng nói, để người trẻ nối tiếp, phát triển văn hóa truyền thống, thì việc của người làm nghệ thuật đầu tiên là phải khiến họ thích, rồi mới đến hiểu và yêu. May mắn, có những nghệ sĩ trẻ ngày nay đang làm được điều đó.
Thành Lâm
Ảnh do nhân vật cung cấp