Âm nhạc lan tỏa tình yêu biển đảo Tây Nam

18/11/2024 - 07:42

PNO - Trong hải trình về với quân dân vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc (từ 9 - 16/11), âm nhạc như chất xúc tác đặc biệt, giúp kết nối hậu phương và tiền tuyến. Một số sáng tác cũng được hoàn thành ngay trước hay trong chuyến đi, giúp lan tỏa thêm tình yêu biển đảo.

Tiếng hát trao yêu thương

Trong đoàn đại biểu TPHCM đi thăm các chiến sĩ nhà giàn DK1/10 và quân dân ở các đảo thuộc vùng biển Tây Nam, đội tình nguyện viên nghệ sĩ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Các thành viên không chỉ làm nhiệm vụ hoạt náo, dẫn dắt chương trình văn nghệ chính thức mà nơi đâu cần tiếng hát, văn nghệ sĩ đều có mặt. Họ bắt nhịp, hát vang những ca khúc truyền thống, ngợi ca quê hương, đất nước đồng thời là nhiều sáng tác mới được viết dành riêng cho chuyến đi đặc biệt.

Dù hành trình vất vả, đội tình nguyện nghệ sĩ luôn rạng ngời
Dù hành trình vất vả, đội tình nguyện nghệ sĩ luôn rạng ngời

Nhạc sĩ Trần Xuân Mai Trâm từng 4 lần đến thăm Trường Sa, nhưng đây là lần đầu chị đến với vùng biển Tây Nam. Vì tình cảm dành cho biển đảo luôn đong đầy và sự hào hứng ở hành trình mới nên 5 ngày trước chuyến đi, chị đã sáng tác ca khúc Sáng ngời biển trời Tây Nam. Tác phẩm được chị lan tỏa đến toàn bộ đại biểu trong đoàn, trở thành những giai điệu thân quen, gắn với hành trình ý nghĩa. Đến nay, khi hải trình đã kết thúc, những câu hát trong đoạn điệp khúc như: “Hát về anh người chiến sĩ biên cương/ Nơi tiền tiêu bảo vệ cho quê hương/ Nơi đảo xa còn âm vang tiếng ca/ Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc” vẫn còn âm vang trong trí nhớ của nhiều đại biểu.

Hơn 1.000 hải lý và 8 ngày lênh đênh trên biển, như nhiều đại biểu khác, các thành viên của đội tình nguyện nghệ sĩ cũng thấm mệt vì hành trình di chuyển khó khăn, thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, vượt qua tất cả trở ngại, các nghệ sĩ hào hứng khi được hát phục vụ chiến sĩ, nhân dân tại đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đốc, Nam Du, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo và nhà giàn DK1/10.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, MC Quỳnh Hoa - Đội trưởng đội tình nguyện viên nghệ sĩ TPHCM - cho biết: hiện đội có hơn 200 thành viên, làm việc ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. “Các nghệ sĩ đều mong muốn được đến với quân dân các vùng biển đảo để mang lời ca, tiếng hát phục vụ cộng đồng. Trong 3 năm qua, đội thu hút sự tham gia của nhiều chiến sĩ trẻ có ý thức, hiểu rõ trách nhiệm cá nhân với các hoạt động xã hội nên càng tạo động lực để cùng nhau lan tỏa năng lượng tích cực” - MC Quỳnh Hoa chia sẻ.

Ngoài việc hát phục vụ chiến sĩ, âm nhạc đã thắt chặt hơn tình cảm giữa lực lượng hậu phương và tiền tuyến. Nhiều chiến sĩ không ngại tham gia vào các tiết mục, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giao lưu cùng nghệ sĩ. Cũng có nhiều đại biểu đã ngẫu hứng tham gia, góp vui. Trên các sân khấu, không ít những nụ cười, những cái nắm tay ấm tình quân dân đã được gửi trao cho nhau.

Tìm cách lan tỏa

Trong khuôn khổ chuyến đi, ngoài tập hát, tập múa trên nền bài nhạc Sáng ngời biển trời Tây Nam, nhạc sĩ Mai Trâm chủ động quay các đoạn nhỏ để ghép thành một clip hoàn thiện. Hình thức này vừa giúp lưu lại kỷ niệm cho đoàn đại biểu TPHCM, vừa tạo thêm sản phẩm để hỗ trợ khâu quảng bá ca khúc hiệu quả hơn.

Nhạc sĩ Đông Triều với hình ảnh ôm đàn guitar quen thuộc trong hành trình.
Nhạc sĩ Đông Triều với hình ảnh ôm đàn guitar quen thuộc trong hành trình.

Nếu nhạc sĩ Mai Trâm sáng tác trước chuyến đi 5 ngày thì nhạc sĩ, ca sĩ Đông Triều hoàn thiện ca khúc Nhà giàn ơi! sau khi đặt chân lên nhà giàn DK1/10. Anh nói mình có cảm xúc đặc biệt khi được đến thăm các chiến sĩ nhà giàn. Ngày đoàn đến thăm, sóng to, gió lớn nên chỉ một số đại biểu được trực tiếp lên nhà giàn. Số còn lại phải ở trên tàu KN290 và dõi theo từ xa. Xúc động trước đời sống còn nhiều thiếu thốn nhưng quá đỗi tự hào, đáng trân quý của các chiến sĩ, nhạc sĩ Đông Triều đã viết Nhà giàn ơi!. Ca khúc sau đó được biểu diễn nhiều lần trong chuyến đi, tạo nhiều cảm xúc vì ca từ giàu chất thơ, giai điệu hào hùng.

“Tôi từng nhiều lần đi Trường Sa, còn với Tây Nam thì đây là lần thứ hai. Ở lần đầu đi vào năm 2016, tôi viết ca khúc Khúc ca tàu 632. Đến nay, sau 8 năm, tôi được trở lại Tây Nam, thăm nhà giàn và bao cảm xúc lại ùa về. Tôi muốn viết để cảm ơn các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, mong tạo được niềm vui cho các anh sau giờ làm việc căng thẳng” - nhạc sĩ Đông Triều nói.

Với nhạc sĩ Đông Triều, anh em chiến sĩ và bà con trên các đảo không có điều kiện thưởng thức văn nghệ trực tiếp nên dù hành trình vất vả, đến nơi chưa kịp nghỉ nhưng nếu có hiệu lệnh tập trung, anh vẫn sẵn sàng, vì được hát càng nhiều thì niềm vui càng lớn, càng được cho đi yêu thương.

Đến nay, nhạc sĩ Đông Triều đã sáng tác được 10 ca khúc về biển đảo. Các nhạc phẩm được giới thiệu trên trang cá nhân của anh và các nền tảng mạng xã hội. Về độ phổ biến (viral), so với những dòng nhạc khác của thị trường, chuỗi ca khúc ngợi ca quê hương mới ra mắt khó có thể lan tỏa bằng. Tuy nhiên, những sáng tác này giữ vai trò rất lớn về mặt tinh thần trong những chuyến đi, đặc biệt với các hoạt động của đoàn thể, phong trào liên quan chủ đề biển đảo. Nếu những ca khúc này tìm được cách quảng bá phù hợp, tận dụng được sức lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội thì hoàn toàn có thể len lỏi sâu hơn và rộng rãi hơn vào tâm hồn, đời sống của công chúng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI