Nhạc cũ "khoác áo mới"
Tối 22/5, chương trình Phòng trà online số đầu tiên với chủ đề Đêm nhạc sĩ lên sóng. Đêm diễn là sự tái ngộ của những tên tuổi đã góp phần không nhỏ cho diện mạo âm nhạc Việt Nam thập niên 1990, 2000 như Tuấn Thăng, Minh Nhiên, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Quốc An.
Hàng loạt ca khúc nổi tiếng trong giai đoạn trên như Tình thơ, Xin lỗi anh, Hoang mang, Vô cùng, Xin lỗi tình yêu... được thể hiện lại bằng chính giọng ca của các nhạc sĩ. Ngoài ra, chương trình cũng có sự tham gia của các khách mời như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Maya, Đỗ Quyên.
|
Các nhạc sĩ hội ngộ trong chương trình Phòng trà online |
Tình thơ - nhiều nhạc sĩ thể hiện:
Hành trình của âm nhạc hoài niệm giữa dòng chảy nhạc hiện đại đã và đang được nối dài. Trước đó không lâu, Chi Pu cho ra mắt The Greates show, gồm nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt, gắn liền với thị trường âm nhạc Việt Nam những năm 1990, đầu 2000 như Tình hồng như mơ, Ánh trăng nói hộ lòng tôi, Vết thương lòng.
Hương Tràm với dự án NOMAD - Living our life ra mắt đầu năm nay cũng mang "hơi thở" của quá khứ. Cô hát lại những ca khúc hot gắn liền với giới trẻ cách đây vài năm: Phía sau một chàng trai, Chỉ còn những mùa nhớ...
Tăng Phúc có Phúc Acoustic đã sản xuất đến mùa thứ hai với những ca khúc nổi tiếng một thời: Nuối tiếc, Tình phiêu lãng, Phai dấu cuộc tình...
|
Ca sĩ Tăng Phúc ghi hình cho Phúc Acoustic tại Đà Lạt |
Hơn 1 năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng phát triển Hit cover Acoustic, tạo nên diện mạo mới cho hàng loạt ca khúc từng làm nên tên tuổi của anh như Đêm trăng tình yêu, Vầng trăng khóc, Đồi hoa mặt trời, Mưa của ngày xưa, Mộng thuỷ tinh...
Thành công trong chuỗi âm nhạc hoài niệm này không thể không nhắc đến See Sing Share của ca sĩ Hà Anh Tuấn, từng gây tiếng vang lớn cách đây vài năm. Anh hát lại nhiều ca khúc quen thuộc với biên độ thời gian trải rộng như: Người tình mùa đông, Tình thôi xót xa, Giấc mơ chỉ là giấc mơ... Với thành công của mùa 1, nam ca sĩ tiếp tục phát triển thêm mùa thứ hai, thứ ba sau đó không lâu.
Dễ thấy, âm nhạc của quá khứ đã trở lại, trong những diện mạo mới, thông qua những bản phối lạ tai, giọng hát mới. Chẳng hạn Tình thơ, từng gắn liền với tên tuổi của Minh Thuận, Ngọc Linh, trong đêm nhạc phòng trà online lại được chính tác giả - nhạc sĩ Hoài An thể hiện cùng các đồng nghiệp, mang đến dư vị hoàn toàn mới.
Người tình mùa đông đã làm nên thương hiệu của Như Quỳnh trong thập niên 90 với âm điệu trong trẻo, ngọt ngào thì qua giọng ca của Hà Anh Tuấn lại mang đến màu sắc mới, trầm ấm, da diết hơn. Đó cũng là mô tuýp chung của dòng chảy này.
|
Hà Anh Tuấn thành công với See Sing Share, được sản xuất đến 3 mùa |
Các ê-kíp sản xuất đều chú trọng tạo nên sự hoà hợp giữa phần nhìn và phần nghe. Nhạc sĩ Tuấn Thăng gợi lại ký ức ngày xưa khi bố trí không gian hệt như phòng trà trước đây. Trong khi đó, Tăng Phúc, Hà Anh Tuấn chọn ghi hình chương trình ở những không gian lãng mạn như Đà Lạt, Ninh Bình, góp phần không nhỏ tạo nên cảm xúc thú vị cho khán giả khi nghe, xem.
Đặc biệt, âm nhạc Acoustic là một lựa chọn khá hoàn hảo khi vừa tạo cảm giác gợi nhớ, vừa mang đến âm hưởng hiện đại.
Chất lượng: Yếu tố quyết định
Âm nhạc hoài niệm luôn có một loại “bảo hiểm” đặc biệt khi ra thị trường. Chúng luôn có một lượng khán giả nhất định khi ra mắt. Người nghe dễ có cảm giác dễ chịu, an tâm tiếp nhận nhờ việc đã tiếp xúc trước đó, nay chỉ trông đợi chúng trong diện mạo mới. Với sự phủ sóng của internet, các sản phẩm này có cơ hội tiếp cận nhiều khán giả hơn. Trong khi đó, với những sáng tác mới, khả năng thành - bại là điều không thể đoán trước, dẫu sản phẩm có được đầu tư khủng.
Phòng trà online thu hút hơn 80.000 lượt xem, hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. See Sing Share đã mang về cho ca sĩ Hà Anh Tuấn hàng chục triệu lượt xem qua 3 mùa.
Hit cover Acoustic của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng thu về hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt nghe, xem trên YouTube dẫu các sản phẩm chỉ có âm thanh chứ không có hình ảnh phụ trợ.
Nhạc sĩ Tuấn Thăng chia sẻ: “Ai cũng có một miền ký ức mà đến độ tuổi nào đó cũng muốn tìm về. Trước hết, anh em nghệ sĩ chúng tôi tìm về để thoả mãn bản thân, tìm lại không khí âm nhạc ngày xưa, sau đó tìm tiếng nói chung với khán giả”.
|
Hương Tràm cũng tái hiện không gian phòng trà trong sản phẩm NOMAD Living our life |
Đồng quan điểm thoả mãn bản thân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lý giải thêm: “Tôi muốn có những sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình. Ngày đó, tôi còn trẻ, cũng không có nhiều kinh nghiệm, ý tưởng cho các ca khúc. Các sáng tác đều được bán cho ca sĩ. Trong đó, có bản phối tôi cảm thấy thích, nhưng cũng có bản chưa thật vừa ý. Nay có điều kiện, tôi muốn làm lại chỉn chu nhất, theo đúng mong muốn của mình”.
Tuy nhiên, âm nhạc hoài niệm không đơn giản chỉ là cuộc chơi. Thành công của Hà Anh Tuấn sau See Sing Share mùa đầu tiên là một minh chứng. Nam ca sĩ định dạng được thương hiệu nhờ lối hát như thủ thỉ, tâm tình, đưa người nghe trở về với những miền ký ức. Điều đó vẫn được Hà Anh Tuấn phát huy về sau này, trong các sản phẩm lẫn concert, liveshow, tạo nên hướng đi khác biệt.
Không quá nổi bật trong thị trường âm nhạc hiện tại nhưng Tăng Phúc lại ghi điểm nhờ những sản phẩm mang dấu ấn quá khứ trên YouTube. Nam ca sĩ cũng thu về hàng triệu lượt xem, nghe cho mỗi sản phẩm trong Phúc Acoustic.
|
Âm nhạc hoài niệm góp phần không nhỏ tạo nên thành công của Hà Anh Tuấn |
Hà Anh Tuấn hát Người tình mùa đông:
Âm nhạc hoài niệm cũng được bổ trợ nhờ những câu chuyện hậu trường. Khán giả được nghe nhạc sĩ Hoài An chia sẻ về hoàn cảnh ra đời Tình thơ, nhạc sĩ Minh Nhiên nói về ca khúc Xin lỗi tình yêu từng bị Đàm Vĩnh Hưng từ chối nhưng sau khi ra mắt lại thành "hit" một thời.
Chi Pu kết hợp những câu chuyện đời tư xen kẽ trong không gian âm nhạc. Không thể phủ nhận, yếu tố bổ trợ này đã góp phần ít nhiều tạo nên sự thú vị cho dòng chảy âm nhạc hồi ức. Nhạc sĩ Tuấn Thăng cho biết khi quan sát phản hồi từ khán giả sau số phát sóng đầu tiên, anh sẽ tiếp tục phát triển mảng miếng này trong những số kế tiếp.
Dẫu vậy, sự thành công của một sản phẩm âm nhạc vẫn phải là âm nhạc. Đặc biệt, dòng chảy này luôn chịu áp lực từ những phép so sánh với bản đã ghi dấu ấn với người nghe. Điều này cũng gây khó ít nhiều cho các ê-kíp sản xuất.
Hơn 80.000 lượt xem với một chương trình mới toanh như Phòng trà online là điều không dễ dàng. Có thể nhận thấy phần âm tốt, dù chương trình được live trực tiếp với không gian ngoài trời. Được biết, nhà sản xuất chia ê-kíp đảm nhận phần âm nhạc và ê-kíp chịu trách nhiệm việc ghi hình, livestream tách biệt nhằm đảm bảo chất lượng.
Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phải tự đi tìm những giọng ca mới, hoặc nhờ bạn bè hỗ trợ giới thiệu để tìm ra được chất giọng phù hợp nhất với từng sáng tác.
Đặc biệt, phần bản phối luôn được chú trọng nhằm mang đến cảm giác mới mẻ cho người nghe. Điều này dễ dàng nhận ra ở các sản phẩm của Hà Anh Tuấn, Tăng Phúc hay Hương Tràm...
Nhưng không phải dòng chảy ký ức nào cũng thành công, chạm được trái tim khán giả. Đơn cử như The Greatest của Chi Pu, âm thanh, hình ảnh được đầu tư chỉn chu nhưng giọng ca của cô không truyền tải ca khúc được trọn vẹn. Phần lớn bình luận để lại trên YouTube đều dành cho câu chuyện đời tư được Chi Pu chia sẻ để tạo thêm gia vị cho sản phẩm.
|
Trong sản phẩm của Chi Pu, âm nhạc bị lấn át bởi những chuyện đời tư |
Âm nhạc hoài niệm có chỗ đứng riêng, với một lượng khán giả nhất định. Nhưng để những sản phẩm này trở lại và cạnh tranh trên thị trường là điều khó.
“Mỗi thời điểm, gu âm nhạc của khán giả một khác. Đặc biệt, trong giai đoạn này, thị hiếu của khán giả rất khó nắm bắt. Vì thế, trước hết chúng tôi chỉ mong muốn tạo ra một sản phẩm chỉn chu, tròn trịa. Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, để khán giả nghe cảm thấy thích, trước khi có mong muốn lớn hơn” - nhạc sĩ Tuấn Thăng nhận định.
Trung Sơn