Âm nhạc dân gian được đưa vào chương trình giáo dục tại TP.HCM

09/08/2018 - 15:30

PNO - Để nội dung phù hợp với học sinh tiểu học, những bài hò, lý được viết lại lời với các chủ đề quen thuộc với cuộc sống hiện tại như: giao thông, đạo đức...

Hò, lý nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung đã trở thành một trong những giá trị văn hóa, nghệ thuật quý giá của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của thời đại đã tác động không nhỏ và khiến chúng bị mai một.

Để góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn những chất liệu văn hóa đặc sắc này, TP.HCM sẽ đưa âm nhạc dân gian vào chương trình giáo dục cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Phó chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCM) được Sở GD-ĐT TP.HCM kết hợp với nhà xuất bản Gia Định mời tham gia biên soạn tài liệu để giảng dạy âm nhạc dân gian trong trường học.

Tài liệu này hiện đã biên soạn xong và được in thành sách, gồm 5 tập, dành cho học sinh tiểu học. Tháng 9/2018, PGS.TS Mỹ Liêm sẽ tập huấn cho các giáo viên. Theo đó, phần âm nhạc dân gian sẽ nằm trong bộ môn âm nhạc.

Am nhac dan gian duoc dua vao chuong trinh giao duc tai TP.HCM
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm chia sẻ về hò, lý Nam bộ trong chương trình Diễn xướng Nam bộ

Phóng sự về các điệu hò, lý Nam bộ:

Chia sẻ về đề án, PGS.TS Mỹ Liêm cho biết: “Đề án này dài hơi. Ngoài dân ca, các đơn vị còn muốn đưa âm nhạc dân tộc vào với hai mức độ: thưởng thức, hiểu biết và hát được dân ca, dân vũ; mức thứ hai có thể diễn tấu được. Ngoài giới thiệu dân ca, do chúng ta ở miền Nam nên tôi còn giới thiệu thêm một vài bản nhỏ của đờn ca tài tử”.

Trong tài liệu của PGS.TS Mỹ Liêm có sử dụng nhiều tác phẩm của Lư Nhất Vũ, Lê Giang, bởi đây là hai cái tên dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc dân gian miền Nam và có những tác phẩm phù hợp. Phần lời sẽ được thay đổi để gắn liền với cuộc sống hiện đại.

Lý giải về sự thay đổi này, PGS.TS Mỹ Liêm cho biết: “Một số làn điệu lý được sinh ra từ thực tế cuộc sống như công việc cấy cày, giao duyên... Tuy nhiên, với trẻ em hiện tại, hát những làn điệu như vậy, chúng không thể hình dung hoặc không phù hợp. Vì thế, chúng ta cần đưa vào lời mới như: giáo dục về giao thông, biết đi thưa về chào... Quan trọng nhất, lời phải mang tính giáo dục, phù hợp giai điệu, không cưỡng âm thì hoàn toàn tốt. Khi đó, một bài lý sẽ làm được nhiều chức năng”. Ngoài ra, tài liệu cũng sử dụng những tác phẩm của NGƯT Thúy Hoan, Thanh Bình… với nội dung phù hợp độ tuổi của học sinh.

Am nhac dan gian duoc dua vao chuong trinh giao duc tai TP.HCM
Các em học sinh biểu diễn trong đêm Diễn xướng Nam bộ về chủ đề hò, lý phương Nam

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện đang trình đề án lên UBND TP.HCM và đã lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan. Khi có quyết định chính thức từ UBND TP.HCM, sẽ đưa chương trình vào giảng dạy trong thời gian tới.

Ngoài đề án trên, việc đưa âm nhạc dân gian, dân tộc vào trường học cũng được TP.HCM quan tâm trong vài năm trở lại đây. Đầu năm 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện và hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn về việc tổ chức giới thiệu cho học sinh biết về các loại nhạc cụ dân tộc, dân ca các vùng miền, nghệ thuật đờn ca tài tử thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, trong các tiết học ngoại khóa và học tập trải nghiệm.

Ngoài ra, Sở còn yêu cầu chọn một số trường để thành lập những câu lạc bộ sinh hoạt, duy trì âm nhạc dân gian.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI